pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi cô đơn của người trẻ
Ảnh minh họa
Thỉnh thoảng, Đoàn Minh Thu (Q. Bình Tân, TPHCM) cảm thấy mình mất hết năng lượng, không muốn làm việc, không muốn ăn. Bình thường, trong công việc, cô là người nhiệt huyết, sáng tạo, trách nhiệm. Cô có thể "vắt kiệt" sức cho công việc của mình.
Thế nhưng, có những khoảng thời gian, cô không muốn làm gì, ngại giao tiếp với mọi người. Cô hiểu rõ việc nên nói chuyện, chia sẻ với người thân để tránh có thời gian suy nghĩ tiêu cực.
Song, không ai hiểu cô. Cô một mình "vật lộn" với sự đơn độc. "Có những lúc, tôi muốn trải lòng, chỉ đơn giản là chia sẻ thành chữ, thành lời và tôi thực sự cần một người lắng nghe hơn là tìm lời khuyên hay giải pháp.
Đôi khi inbox vu vơ với một người, không quá thân nhưng đủ chân thành với nhau, chỉ đơn giản vì muốn kể câu chuyện của mình và muốn nghe cuộc đời của họ, họ đã sống và vượt qua thế nào.
Chúng ta luôn ngưỡng mộ người khác mà quên rằng ai cũng có vấn đề cả, chỉ là họ có nói ra không thôi. Tôi sợ những lời động viên "cố gắng lên", "ăn nhiều vào", "vui vẻ lên"... Tôi nhận thức hết những điều đó và tôi không thích ai "dạy" tôi những điều đó", Minh Thu trải lòng.
Là người luôn suy nghĩ tích cực nên Hoàng Phương Linh (Hà Nội) biết cân bằng cảm xúc. Nhưng nhiều lúc, cô đi làm về với cảm giác bực dọc trong người. Cô đã hiểu cảm giác chán nản và buồn bã "bào mòn" cảm xúc của cô đến thế nào.
Thời gian đó, cô không còn hứng thú làm việc. "Bước vào nhà, mình đã khóc thật to. Mình không biết vì sao mình khóc, chỉ biết loáng thoáng là mình bỗng dưng ghét đi làm, cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Mình muốn nghỉ việc nhưng lại không biết sẽ đi đâu, về đâu.
Nếu mình từ bỏ công việc này thì mình sẽ làm gì tiếp theo đây? Chỉ vì vài ba chuyện ở chỗ làm, mình bỗng dưng lại cảm thấy chán ghét công việc. Mình tự tra vấn bản thân, liệu mình có muốn "nhảy việc" nữa hay không.
Nghĩ đến đây, mình lại có cảm giác bế tắc vì không biết chuyển sang ngành gì. Bây giờ, mỗi lần bế tắc là mình khóc nấc lên vì cảm thấy sợ sệt trong cảm giác lạc lối này".
Phương Linh cho biết, thời gian đó, cô bỏ luôn các hoạt động hằng ngày mà vốn dĩ cô đam mê như tập gym. Cô ghét ra ngoài, ghét giao du, ghét đi chơi và ghét chính mình. Cô nằm khóc giữa hàng vạn câu hỏi đang diễn ra trong đầu rồi cảm thấy cô đơn đến lạ thường.
"Càng khóc, mình càng cảm thấy cô đơn vì không biết giải toả nỗi buồn đi đâu. Không như trước đây, khi có chuyện gì buồn là có thể nhắn cho bạn bè để chia sẻ, giờ muốn nhắn tin cho đứa bạn thân ngày xưa thì lại sợ vì còn đâu sợi dây liên kết để nó hiểu lòng mình.
Những đứa bạn thân hiện tại cũng không hiểu mình sâu sắc đến thế, để nghe mình than về những thứ quan trọng. Mình tự ý thức được bản thân đang buồn bã và lo lắng quá và tự hành hạ bản thân với những dòng suy nghĩ do chính mình tự tạo ra", Phương Linh chia sẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, bất lực với chính mình, với cảm xúc của mình, cảm thấy cô đơn, trống trải là những xung đột cảm xúc thường thấy ở người trẻ. Lúc này, bạn không cần tỏ ra mạnh mẽ, hãy nhìn nhận và công nhận cảm xúc thật của mình, bản thân sẽ dần trấn tĩnh trở lại và cơn khủng hoảng dần trôi đi.
Có những cách mỗi người có thể tự giúp mình cân bằng như tập thể dục thường xuyên, cắt giảm thời gian dùng mạng xã hội, tránh xa những người khiến bạn căng thẳng, ăn những món ngon mình thích, không dùng các chất kích thích, ngủ trước 12h đêm, tăng cường các kết nối trực tiếp, nhất là với những người truyền động lực cho bạn.