Nỗi lo tự chủ kinh tế ở "tuổi xế chiều"

Phạm Thương - Hà Khê
28/07/2021 - 09:00
Nỗi lo tự chủ kinh tế ở "tuổi xế chiều"

Ảnh minh hoạ

Thời trẻ làm công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, khó khăn quá lại rút tiền bảo hiểm xã hội "một cục"... là một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ trung niên, cao tuổi phải sống phụ thuộc vào con cháu hoặc vất vả kiếm sống ở tuổi xế chiều…
"Của để dành" là con cái

Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, trú tại 2190/2B, đường Vườn Lài (An Phú Đông, quận 12, TPHCM) năm nay 56 tuổi. Bà mắc bệnh hiểm nghèo đã hơn 3 năm nay. Bà Hương cho biết: "Tôi đi khám mới biết bị ung thư tuyến giáp và ung thư vòm hầu. Lúc trước, tôi làm công nhân may gia công cho một xí nghiệp. Từ khi đổ bệnh, tôi ở nhà luôn tới giờ. Là lao động tự do nên tôi không có bảo hiểm gì, phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện ở địa phương".

Cùng cảnh ngộ, bà Hà Yến Ninh (quận 11, TPHCM) khó khăn không kém khi không thể tự chủ kinh tế ở "tuổi xế chiều". Bà Ninh năm nay 65 tuổi, chồng bà hơn 70 tuổi. Gia đình thuộc diện khó khăn. Bản thân bà bị bệnh thận, thường xuyên phải nằm viện. Sống chung với gia đình còn có chị chồng bà năm nay 81 tuổi và cũng bị bệnh. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên con của bà Ninh. "Khi còn trẻ, tôi buôn bán nhỏ nên giờ không có lương hưu. Bảo hiểm y tế thì phường cho. Con tôi phải đi làm thuê 2 nơi để kiếm tiền lo cho cha mẹ. Tôi phải chạy thận, tháng nào thuốc men cũng tốn tiền triệu. Thực sự rất thương con nhưng tôi không biết làm cách nào. Chỉ mong mình an toàn trong mùa dịch, không làm phiền thêm con cái", bà Ninh chia sẻ.

Những trường hợp bấp bênh về kinh tế ở "tuổi xế chiều" như bà Hương, bà Ninh không phải là hiếm. Bà Hữu (58 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) cũng là một trường hợp như vậy. Vợ chồng bà nuôi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho con xong cũng là lúc sức khỏe cả hai cùng yếu. Ông Kỳ, chồng bà Hữu, lên Hà Nội xin làm bảo vệ cho một công ty, lương được 5-7 triệu đồng/tháng. Bà Hữu cũng khăn gói theo chồng và nhận làm giúp việc theo giờ để có đồng ra đồng vào. Ông bà không có tiền tiết kiệm, hàng tháng kiếm được đồng nào cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. "Được ngày nào, biết ngày đó thôi. Sau này, khi không làm được gì nữa thì hy vọng các con sẽ có trách nhiệm lo cho bố mẹ", bà Hữu ngậm ngùi nói.

Khi nhắc đến khoản trợ cấp xã hội cho người già, bà Hữu cho biết bà cũng có nghe nói nhưng bản thân chưa đến tuổi được nhận. "Nếu nhà nước quan tâm, hỗ trợ thì tốt quá, được đồng nào hay đồng ấy, người già cũng chi tiêu mấy nữa đâu", bà Hữu cho biết.

* "Tôi mong muốn các đoàn thể chủ động tổ chức các hoạt động về văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, chăm sóc sức khỏe định kỳ, thăm và tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ cần quan tâm về tinh thần trước nếu chưa có vật chất. Tốt hơn nữa là tất cả người cao tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các bệnh viện đều có khoa Lão khoa để người cao tuổi tiện đến thăm khám", bà Nguyễn Thị Oanh (Khu phố 2, Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TPHCM)

* "Nguồn thu nhập lúc tuổi già của vợ chồng tôi là 8 phòng trọ cho thuê, với giá cho thuê là 2 triệu/phòng. Ba tháng nay tôi phải giảm tiền thuê phòng, mỗi phòng 300 nghìn đồng vì dịch bệnh thế này ai cũng khó khăn. Con cái tôi đã có gia đình riêng, kinh tế không khá giả để nuôi cha mẹ được. Bây giờ, tôi chỉ mong sớm kiểm soát được dịch bệnh, khách thuê phòng trở lại. Ở dãy trọ của tôi có nhiều người già, cuộc sống khó khăn. Tôi mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để họ có thể tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ", bà Phùng Thị Dung (Tây Thạnh, Tân Phú, TPHCM)

(còn nữa)

Nâng cao quyền năng kinh tế có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đang đặt ra, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 7/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm