Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái
Ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến Trường Mầm non tư thục Sao Mai (phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) bị thiệt hại nặng nề nhất trong số các trường mầm non trên địa bàn TP Yên Bái. Cơ sở vật chất tan hoang, điều kiện giảng dạy thiếu thốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc giảng dạy, đời sống của 15 giáo viên, người lao động tại trường.

Nằm cách bờ sông Hồng khoảng vài trăm mét đường chim bay, Trường Mầm non tư thục Sao Mai gánh chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3. 

Gần 9 giờ tối, những ngày cuối tháng 9, cô Hoàng Thị Phương Miền, chủ trường vẫn còn túc trực ở phòng hiệu bộ. Trước cảnh trường tan hoang sau cơn bão dữ, cô Miền nhiều lần đứng bất động, cô gần như đã đổ tất cả vốn liếng vào đây.

Gần 800 triệu tiền vay ngân hàng, hơn 2 tỷ đồng tiền vay người thân, bạn bè, mỗi tháng trả lãi trung bình khoảng 15 triệu đồng. Nhưng nay, cơn bão số 3 cùng với dòng lũ dữ đã cuốn trôi đi cả những hy vọng, đến mức ngay cả việc trả lãi cũng trở thành gánh nặng quá sức.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 1.

Trường Mầm non tư thục Sao Mai (phường Hồng Hà, TP Yên Bái), ngày thứ 3 sau khi nước rút.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, TP Yên Bái nhiều ngày mưa liên tiếp. Đến tối 8/9 nước lũ tràn bờ, dâng ngập nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Nhà cô Miền ở phường Hồng Hà, ngay gần bờ sông, nước ngập lênh láng vào nhà, hai vợ chồng cố sức cứu những vật dụng bằng cách kê lên ghế cao.

Sức người không đấu lại với sức nước đỏ ngầu từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Nhiều căn nhà sát bờ sông đã bị ngập đến tầng 2, trong căn nhà của mình, cô Miền dù đã kiễng chân nước vẫn dâng tới cổ. Dường như cứ qua mỗi khắc mực nước lại nhích thêm 1 li (mm). Hai con nhỏ, một cháu 3 tuổi, một cháu 13 tuổi trên tầng 2 tự trông nhau.

Ngoài đường chỗ sâu nhất đã gần 4m, cả một biển nước mênh mông, mưa trắng trời. Đến khoảng 4 giờ chiều, ngày 9/9, xuồng của lực lượng cứu hộ khó khăn di chuyển vào vận động vợ chồng cô Miền và các cháu ra ngoài sơ tán. Cứ nghĩ nước cao cùng lắm đến thế này, người chồng động viên vợ và các con ra ngoài trước. Trên chiếc xuồng bập bênh, cô Miền ôm đứa con nhỏ vào lòng, cả ba mẹ con ngoái đầu nhìn lại tổ ấm của mình đang bị dòng nước lũ "nuốt chửng".

Ở nơi sơ tán, cô Miền bận bịu trông hai con, trong đó một con mới 3 tuổi. Cả ngày ba mẹ con chỉ ngồi yên một chỗ, sống trong cảnh không điện, không sóng điện thoại, bất lực không biết phải làm gì. "Miền ơi, cả khu đấy ngập sâu, tủ lạnh, tivi trôi hết ra sông Hồng rồi!", cô Miền nghe người quen thuật lại.

Khoảng 3 hôm sau nước rút, cô Miền nghe mọi người khuyên "nước rút đến đâu dọn bùn đến đấy, về sau đỡ vất vả". Dù rất mệt mỏi, tinh thần suy nhược, cô Miền vẫn gửi con nhờ người thân trông giúp, chạy về xem nhà cửa. Con ngõ vào nhà ngập ngụa bùn đất, rác thải, nước vẫn còn lênh láng đến bụng, trong nhà bùn đất nhầy nhụa, tủ lạnh và nhiều đồ dùng khác đã trôi mất.

"Bình nóng lạnh, máy giặt, tivi, bàn ghế, giường tủ,… sau nhiều ngày ngập nước, hỏng sạch, vứt đi toàn bộ. Xót của quá, tôi vẫn cố chấp vệ sinh lại. Còn nhà, hiện tại vẫn chưa về ở được, tanh hôi lắm, chồng và hai con tôi vẫn đi ở nhờ, còn tôi thì ra trường học", cô Miền kể.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 3.

Nhà cô Miền ở Tổ dân phố Hồng Thanh, phường Hồng Hà, TP Yên Bái, ngày thứ ba sau khi nước rút.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 4.

Trên địa bàn phường Hồng Hà có 3 cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa lũ. Trong đó, Trường Mầm non tư thục Sao Mai là trường mầm non bị thiệt hại nặng nề nhất. Trở lại trường học sau 3 ngày bị ngập lụt, cô Miền nhìn cảnh trường tan hoang lòng thắt lại.

Hậu quả của ngập lụt khiến toàn bộ tường rào phía sau trường dài khoảng 80m bị sập hoàn toàn. Khu vui chơi ngoài sân trường gồm sân bóng, nhà bóng, xích đu, cầu trượt, đu quay,… bị lũ cuốn trôi sạch. Thảm cỏ nhân tạo rộng mấy trăm m2 tuy không bị cuốn trôi, nhưng dính bùn đất, vứt đi toàn bộ.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 5.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 6.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 7.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 8.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 9.

Cảnh trường mầm non tan hoang sau khi nước rút.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 10.

Lượng bùn đất dày đặc trước sân trường.

Toàn bộ tầng một của trường đều bị thiệt hại nặng nề, lũ cuốn trôi tủ quần áo, balo, sách vở, đồ chơi, bàn học của học sinh. Giường nằm, chăn màn, quần áo của học sinh bị ngập trong nước, không thể tái sử dụng. Hệ thống máy tính, máy in, tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy sấy, hỏng hóc toàn bộ.

Đồ dùng tại nhà bếp như nồi niêu, xoong chảo bị nước cuốn trôi, bình nước lọc bị xô vào tường vỡ nát, gạo, rau, gia vị ngập ngụa trong bùn đất. Thiệt hại ước tính trên 600 triệu đồng.

Ngoài sân trường, sau vài ngày ngập nước, khối lượng bùn đất tồn đọng khổng lồ, có những nơi bùn dày tới 1m. Diện tích trường rộng (hơn 1.700m2), cô Miền không biết nên bắt đầu từ đâu để dọn dẹp. Cả trường có khoảng 15 giáo viên, người lao động, trong đó có 2 cô đang "bầu bì", nên số người dọn dẹp trường chỉ có khoảng 10 người.

Trong đợt thiên tai này, nhà trường ghi nhận một tin buồn, cô N.T.T cùng hai con bị thiệt mạng do sạt lở đất. Cô T. cũng như các giáo viên khác trong trường đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều cô phải thuê trọ nhiều năm, trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn đủ điều. Nhưng các cô đều có điểm chung là yêu trẻ, yêu lớp, yêu trường, say mê, gắn bó với sự nghiệp "trồng người".

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 11.

Giáo viên Trường Mầm non tư thục Sao Mai viếng nữ đồng nghiệp - cô N.T.T (SN 1987) và hai con tử vong do sạt lở đất.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 12.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1982), giáo viên Trường Mầm non Sao Mai là một trong số đó. Trong 16 năm công tác tại trường, cô Thắm và gia đình có 14 năm phải đi thuê trọ. Căn nhà cấp 4 chật chội được sử dụng tối đa diện tích, bên ngoài là cửa hàng làm nhôm kính của người chồng, bên trong kết hợp "hai trong một" – phòng bếp và phòng ngủ.

Mỗi dịp mưa to, nước mưa và nước cống tràn sâu trong nhà, đời sống sinh hoạt của gia đình rất vất vả. Với mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng của mình, cộng với công việc bấp bênh của chồng, cô Thắm chưa bao giờ nghĩ đến việc xây nhà. Nhưng cách đây 2 năm, khi người con lớn vào học cấp hai, hai vợ chồng bảo nhau vay mượn tổng gần 400 triệu đồng từ ngân hàng và người thân, họ hàng, anh em, bạn bè để về quê xây lại nhà.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 13.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên Trường Mầm non thư thục Sao Mai.

Chuyển đến nơi ở mới (thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái) chưa lâu, dù đã xây cao hơn mặt đường khoảng 1,5m. Nhưng trong đợt lũ lịch sử vừa rồi, căn nhà vẫn bị ngập đến tầng hai. Giống như cảnh của cô Miền, ba mẹ con cô Thắm cũng phải "bỏ của chạy lấy người", còn người chồng thì cố thủ trên nóc nhà, sống bằng mỳ tôm sống...

Cách xa trường hơn 5km, trong cảnh đường sá bị chia cắt, nên cô Thắm xuống trường muộn hơn so với các đồng nghiệp. Cùng mọi người dọn dẹp bùn đất, vệ sinh phòng học để nhanh chóng đón học sinh trở lại trường học. Thời gian khắc phục càng lâu, nguy cơ phụ huynh cho con em chuyển trường càng cao, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của các giáo viên.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 14.

Nhà cô Thắm ngập trong đêm 9/9.

Hiện tại cô Thắm là lao động chính trong gia đình, nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ, nên tiền lương mới được nhà trường ứng trước 1 nửa. Hạn trả lãi gần 4 triệu đồng của ngân hàng vừa đến, cô Thắm đau đầu không biết xoay sở ra sao. Nếu không phải gặp trận lũ này, tiền lương của cô chỉ vừa đủ trả lãi ngân hàng, nay còn thêm gánh nặng tiền học phí đầu năm học mới cho hai con. Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày phụ thuộc vào việc làm nhôm kính của người chồng, nhưng thu nhập cũng rất bấp bênh.

"Thiệt hại vừa qua là không mong muốn, chúng tôi vô cùng thông cảm với nhà trường. Nhưng thực ra, cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào đồng lương này thôi. Chúng tôi mong nhà trường sớm khắc phục, đưa trường lớp trở lại như xưa, và cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân có những chia sẻ, giúp đỡ với nhà trường", cô Thắm nghẹn ngào nói.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 15.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 16.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 17.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 18.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 19.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 20.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 21.

Các cô giáo Trường Mầm non tư thục Sao Mai và các đồng chí bộ đội, công đoàn viên giúp đỡ dọn dẹp, vệ sinh trường lớp.

Hơn 1 tuần sau, nhờ sự giúp sức của hàng trăm lượt người (bộ đội, công đoàn viên), trường mới cơ bản được dọn dẹp xong. Nhưng những vết tích ẩm mốc vẫn còn loang lổ trên những bức tường, sân trường trơ trọi, phòng học trống hoác. Mãi đến ngày 19/9, nhà trường mới đón học sinh trở lại, buổi học đầu tiên có khoảng 30 học sinh.

Lớp học do cô Thắm đứng lớp có 16 em học sinh, độ tuổi từ 14 - 24 tháng tuổi. Trẻ ở độ tuổi này thường thích chơi đồ chơi, thích xem sách ảnh, xem tivi sống động, nhưng tất cả đều thiếu thốn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác giảng dạy. "Có nhiều đồ chơi thì thu hút được nhiều học sinh đến hơn. Cuộc sống của chúng tôi cũng sẽ được cải thiện hơn. Đấy là điều mong muốn của chúng tôi", cô Thắm bày tỏ.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 22.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 23.
Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 24.

Cô Thắm và học sinh trong buổi đầu tiên trở lại trường.

Đến nay, trường đã thu hút khoảng 90 em học sinh trở lại học, giảm vài em so với đầu năm học mới. Trong khi với quy mô của nhà trường, số học sinh phải dao động từ 100-120 mới đủ duy trì lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên, người lao động và tiền thuê đất mở trường. Do đó, để thu hút học sinh, trước đó, dù sau đại dịch Covid-19 rất khó khăn, cô Miền cũng đi vay mượn đầu tư trang thiết bị dạy học và đã có lúc thu hút tới 160 học sinh.

Nhưng những năm gần đây, do cơ chế cạnh tranh giữa các trường mầm non, và đặc biệt là kể từ khi (năm 2024) nhà nước ban hành chính sách miễn giảm học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi ở các trường công lập, việc thu hút trẻ mầm non vào các trường tư thục ngày càng khó hơn. Điều này dẫn đến, nợ nần do vay mượn đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học chưa trả nợ xong, bão số 3 đã ập đến, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, khiến cô Miền và các thành viên trong ban giám hiệu lâm vào cảnh túng quẫn.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 25.

Liên đoàn Lao động TP Yên Bái đến thăm, trao quà hỗ trợ cho các giáo viên, học sinh Trường Mầm non tư thục Sao Mai.

Được biết, Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Sao Mai có 15 công đoàn viên, người lao động. Để đảm bảo đời sống, thu nhập ổn định cho các giáo viên, người lao động, cô Miền mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trước mắt là hỗ trợ về tiền thuê trụ sở mở trường, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, tạo điều kiện vay vốn để tái đầu tư trường học.

Về trang thiết bị dạy học, nhà trường mong muốn được hỗ trợ: bàn học mầm non, tủ đựng đồ cá nhân của trẻ, máy tính cây, máy tính laptop, máy chiếu, đồ chơi ngoài trời, đồ chơi trong lớp, thảm cỏ nhân tạo, giá úp bát trong nhà bếp, bồn cầu trẻ em, giường mầm non. "Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ sơn lại 7 phòng học ở tầng 1, và hỗ trợ xi măng để xây dựng lại hơn 80m tường rào phía sau trường học", cô Miền bày tỏ.

Nỗi vất vả của các giáo viên mầm non trong cơn lũ ở Yên Bái- Ảnh 26.

Tờ trình xin hỗ trợ đồ dùng học tập, trang thiết bị giảng dạy của Trường Mầm non tư thục Sao Mai.

Chia sẻ về trường hợp thiệt hại của Trường Mầm non Sao mai và tình hình đời sống của công đoàn viên, người lao động ở đây, ông Nguyễn Chương Phát, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái cho biết, "Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã xuống tận nơi nắm bắt tình hình, động viên giáo viên và người lao động. Điều động lực lượng giúp các thầy cô vệ sinh trường lớp. Đối với trường hợp nữ giáo viên cùng hai con bị thiệt mạng do sạt lở đất, chúng tôi đã tổ chức đoàn thăm viếng, chia buồn cùng gia đình".

"Những thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường, chúng tôi đã khẩn trương rà soát, thống kê, đề xuất lên UBND tỉnh, để sớm có những chính sách kịp thời như tạm hoãn, gia hạn thời gian trả lãi đối với trường hợp cụ thể này", ông Phát bày tỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Trường Mầm non tư thục Sao Mai (địa chỉ: số 169 đường Trần Hưng Đạo, Tổ dân phố Hồng Thái, phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Cô Hoàng Thị Phương Miền, đại diện nhà trường, số điện thoại: 0917374288.


Thực hiện: Trường Hùng
Ảnh: Trường Mầm non tư thục Sao Mai