Nông dân vùng biên vươn lên thoát nghèo

Đình Nguyên
01/06/2020 - 19:17
Nông dân vùng biên vươn lên thoát nghèo

Vợ chồng ông Vi Văn Tám, bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn (Con Cuông) chăm sóc vườn rau.

Với ý chí vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống dần được cải thiện, có những hộ đã có nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình ông Vi Văn Tám ở bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn (Con Cuông) trước đây thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, có những thời điểm lâm vào cảnh thiếu đói. Hằng đêm, ông Tám nằm suy nghĩ, bản thân và các thành viên trong gia đình đều chăm chỉ, siêng năng làm ăn nhưng không hiểu vì sao vẫn quanh quẩn trong cái đói, cái nghèo. Rồi ông nhận ra do thiếu vốn đầu tư sản xuất, chưa mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển kinh tế. Cuối cùng, ông quyết định vay 50 triệu đồng để mua một trâu nái, từng bước phát triển chăn nuôi. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo, đúng kỹ thuật, sau gần 2 năm, gia đình ông Tám đã có 3 con trâu. 

Đến nay, cùng với nguồn vốn tích góp,  ông Tám tiếp tục mở xưởng dịch vụ cơ khí, làm mái tôn cho các gia đình có nhu cầu. Nhờ  đó, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 50 - 60 triệu đồng. "Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, xoay xở đủ đường nhưng cũng không đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện tích góp. Bây giờ cơ bản đã có nguồn thu ổn định, điều quan trọng là mạnh dạn đầu tư và làm ăn, sản xuất có kế hoạch cùng ý chí thoát nghèo" – ông Tám chia sẻ.

Nông dân vùng biên vươn lên thoát nghèo - Ảnh 2.

Ông Vi Văn Tám, bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn (Con Cuông) chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Còn ở bản Xiềng, chị Hà Thị Thìn cũng được xem là tấm gương điển hình trong làm ăn sản xuất, khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Từ chỗ chỉ tập trung vào mấy sào ruộng khoán và một ít đất màu nên nguồn thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống, nay gia đình chị Thìn đã có nguồn thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/năm. Có được sự "đổi đời" này nhờ chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng trên sông Giăng. Khi có nguồn thu nhập, gia đình tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và hiệu quả được chứng minh theo thời gian khi số lượng đàn vật nuôi ngày càng tăng dần. Bởi đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thuận tiện trong việc chăm sóc. Vì thế, sau mấy năm cuộc sống gia đình chị Thìn đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển ổn định, không còn mối lo thiếu thốn, nợ nần. Chị Hà Thị Thìn cho biết: "Ngày trước, gia đình tôi chủ yếu sống dựa vào rừng, không biết cách làm ăn. Tôi đã quyết định vay nguồn vốn ưu đãi của nhà nước để phát triển chăn nuôi, nay cơ bản đã thoát được nghèo".

Nông dân vùng biên vươn lên thoát nghèo - Ảnh 3.

Chị Hà Thị Thìn, bản Xiềng xã Môn Sơn (Con Cuông) vay vốn phát triển mô hình nuôi cá lồng cho nguồn thu nhập ổn định.

Được biết, Môn Sơn là một trong hai xã biên giới của huyện Con Cuông, nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai sinh sống. Trước đây, nhắc đến Môn Sơn, nhiều người thường nghĩ đến cuộc sống khó khăn, nghèo đói, nay nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính người dân nên đời sống của đồng bào đã được nâng lên.  Đặc biệt, các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện tại, toàn xã có trên 63%  hộ dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn vay. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình nghèo và các đối tượng chính sách đã đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Nhờ đó, đời sống từng bước cải thiện, không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã - cho biết: "Những năm gần đây, người dân Môn Sơn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nên nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện tại, xã đang tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con vay vốn ưu đãi để làm ăn, nỗ lực trong lao động sản xuất để đời sống ngày càng khởi sắc".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm