NTK Minh Hạnh: Cùng đồng bào Tây Nguyên phát triển sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

NTK MINH HẠNH: CÙNG ĐỒNG BÀO TÂY NGUYÊN PHÁT TRIỂN SINH KẾ VỚI NGHỀ DỆT THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG

Mong muốn giúp bà con dân tộc thiểu số duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, phát triển sinh kế, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã có những chuỗi ngày dài sống với bà con để tìm hiểu văn hóa và trang phục của họ. Mỗi một vùng đi qua, chị đều cố gắng tìm thời điểm, phương pháp để "kích hoạt" vẻ đẹp, truyền thống của họ đi vào đời sống. Qua đó giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhận ra nguồn sinh kế từ chính giá trị văn hóa bản địa.

- Được biết, gần đây chị thường khám phá cuộc sống của bà con dân tộc để hiểu sâu hơn về tập tục và trang phục truyền thống của họ. Điều gì đã thôi thúc chị thực hiện những chuyến đi này?

NTK Minh Hạnh: Tôi muốn sống cùng bà con dân tộc thiểu số, gặp gỡ già làng để có thể tìm hiểu, cảm nhận về nơi đó, cách họ sống thế nào. Tôi đã tiếp cận, nói chuyện và tìm hiểu tâm lý của họ. Cái lớn nhất tôi muốn làm là tìm ra giải pháp cho sinh kế của bà con. Ngoài làm rẫy thì dệt cũng mang lại giá trị rất lớn. Làm tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên, đời sống sẽ thoát khỏi cơ cực.

NTK Minh Hạnh: Cùng đồng bào Tây Nguyên phát triển sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 1.

NTK Minh Hạnh

- Khi tiếp cận và làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số, chị nhận ra điều gì ở họ? Quan điểm về văn hóa trang phục hoặc làm kinh tế từ văn hóa chẳng hạn?

NTK Minh Hạnh: Những người dân tộc thiểu số giờ đây đã thích cái mới và thích được thay đổi. Vấn đề mình có đủ sức theo và bền chí với họ không. Cuộc sống của họ là đi làm ruộng, làm rẫy, đan lát, dệt… rất thuần khiết, mình là người phải thích nghi và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của họ thì mới đạt được sản phẩm ưng ý. Khó nhất ở đây là vấn đề trao đổi. Khi yêu cầu mẫu mới thì mình không thể bắt buộc họ làm theo ý mình mà ngược lại, mình phải xuôi theo cảm xúc tự nhiên của họ từ màu sắc, văn hóa và để họ thỏa sức sáng tạo, để họ làm thế nào miễn sao họ thấy đẹp.

NTK Minh Hạnh: Cùng đồng bào Tây Nguyên phát triển sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 2.

Sự kiện thời trang "Thiên đường Hồng" diễn ra ở Hồ Đam Ri (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) do NTK Minh Hạnh dàn dựng

Bởi vậy, sản phẩm có những lúc không đạt với yêu cầu của thời trang thì chúng ta cần kiên nhẫn hơn để họ "chuyển động" đúng tinh thần của họ. Cần phải để mọi cảm xúc của bà con diễn ra tự nhiên, họ sẽ dệt nên những điều tuyệt vời nhất. Suy cho cùng, sản phẩm phải bán được thì bà con mới có thu nhập và mới duy trì được nghề truyền thống. Đôi lúc bà con sẽ có những ý kiến từ thực tế như sợi này nhỏ, mảnh quá, dệt không thích, phải làm sợi chắc hơn... Vì thế, phải qua nhiều lần thử nghiệm mới ra được kết quả mong muốn.

Hiện tại chúng tôi đang đưa các sợi tơ đến Kon Tum, Gia Lai để dùng kỹ thuật dệt của người bản địa. Ở Kon Tum hiện có hơn 1.300 phụ nữ đang dệt thổ cẩm hoặc. Ở Pleiku, Gia Lai cũng có rất nhiều phụ nữ đang dệt tại các buôn làng, đều trên 1.000 người. Hiện tại, tôi đang làm thí điểm ở một số huyện, xã.

NTK Minh Hạnh: Cùng đồng bào Tây Nguyên phát triển sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 3.

Việc kết hợp giữa thời trang thổ cẩm và các hoạt động đời sống phong phú của đồng bào Tây Nguyên khiến công chúng thưởng thức có thêm nhiều góc nhìn và trải nghiệm về văn hóa

- Chị đã đi đến đâu và có những trải nghiệm ra sao? 

NTK Minh Hạnh: Tôi đã đi rất nhiều nơi, có những nơi có thổ cẩm và chế tác nhạc cụ, hoặc đan lát rất tuyệt vời. Thủ công và âm nhạc có bản sắc riêng và họ là những nghệ sĩ xuất sắc. Lâm Đồng thì đặc biệt là tơ lụa. Ở đây, tơ lụa có lúc đã bị khủng hoảng, bị người ta quay lưng với tơ lụa, chúng tôi tìm đến và giúp họ phát triển bằng mẫu mã mới, kỹ thuật mới. Khi đến Măng Đen, vào những ngôi làng sâu trong núi thì phát hiện họ có rất nhiều ý tưởng về hoa, họ trồng những dược liệu để giúp cho đời sống của họ tốt hơn mỗi ngày. Người đồng bào thực sự có ý thức về thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan cho không gian đang sống của chính họ.

- Đúc kết lại, chị đã mang tới cho họ động lực gì để họ tiếp tục duy trì nghề thủ công, văn hóa truyền thống và phát triển sinh kế?

NTK Minh Hạnh: Trong thời trang, yêu cầu bắt buộc phải có gì đó mới, dựa trên nền tảng của cái cũ, truyền thống phải được tiếp biến đến hiện tại và tương lai. Tôi thể hiện "hơi thở" của thời đại bằng giải pháp mang tính hiện thực, đơn giản dễ hiểu, dễ thực hiện. Họ sẽ tương thích từ từ với tất cả những yêu cầu của thời đại. Xu hướng trong thời trang quyết định sự hấp dẫn, phải làm sao thổ cẩm đi song hành cùng xu hướng, đó là điều tôi cố gắng truyền tải. Tôi thấy vui khi làm việc cùng họ, nhiều khi tạo ra được những bất ngờ.

Là đạo diễn dàn dựng các tiết mục, âm nhạc, vũ đạo cho các nghệ sĩ, NTK Minh Hạnh có dịp tìm hiểu và lồng ghép các hoạt động lễ hội đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên như: Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ cúng Lúa mới, Lễ cúng bến nước,…

- Ngoài thổ cẩm, chị mong muốn giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển những nét văn hóa nào để phát triển sinh kế từ bản sắc của họ?

NTK Minh Hạnh: Tây Nguyên với những nơi còn có rừng đặc dụng, đời sống của đồng bào ở đây rất phong phú, họ làm nông nghiệp rất tốt. Ví dụ ở Măng Đen, đồng bào có những phiên chợ nơi mà họ đem bán thổ cẩm, ẩm thực truyền thống và rất nhiều sản phẩm sáng tạo khác. Trong mỗi phiên chợ có từ rất nhiều du khách. Vì thế, tôi hy vọng bằng những giải pháp, bà con đưa được những giá trị bản địa giới thiệu rộng rãi. Từ củ khoai mì, bông hoa, thổ cẩm, âm nhạc,… tái hiện lại một đời sống phong phú, sinh động để giúp họ phát triển sinh kế.

NTK Minh Hạnh: Cùng đồng bào Tây Nguyên phát triển sinh kế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống- Ảnh 4.

NTK Minh Hạnh làm đạo diễn cho chương trình của mình

- Thời gian tới, chị có dự định gì cả về thời trang và những hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa truyền thống?

NTK Minh Hạnh: Chúng tôi muốn làm câu chuyện nghệ thuật hóa những giá trị rất bình dị trong cuộc sống để những giá trị đó tạo ra sinh kế tốt cho đồng bào, nhất là những nơi như Tây Nguyên. Vừa rồi ở Đắk Hà, Kon Tum, có 10 xã, tôi đã đề nghị với chính quyền làm 10 gian hàng cho họ. Mỗi xã đều có một sản phẩm đặc trưng, có xã chuyên về gạo đỏ, xã chuyên về cá sông, cá suối, xã có trái sầu riêng đặc biệt, xã thì làm chổi... Điển hình như một ngày, xã Ngọc Réo, Kon Tum, bán được hơn 500 ống cơm lam, hơn 150 con gà nướng cho du khách vào dịp lễ hội, những ngày đó cả xã không ngủ vì phải tiếp tục làm hàng cho ngày mai đem bán. Đấy chính là động lực để cho họ hiểu được giá trị sản phẩm. Tôi thấy vui vì phần nào khơi dậy giá trị tiềm ẩn của họ, để cuộc sống của họ tốt hơn. Văn hóa là động lực để phát triển kinh tế.

- Xin cảm ơn chị!

An Khê (thực hiện)