pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ bệnh nhân suy thận dạy tôi biết yêu cuộc sống của chính mình
Ảnh minh họa
Tôi và Dung là chị em họ, lại học cùng nhau nên chẳng có chuyện gì là không chia sẻ. Một hôm, Dung bị sốt cao rồi phải đi bệnh viện, lên huyện, lên tỉnh, lên Hà Nội. Lâu lắm mới thấy chị về, xanh như một cái lá và yếu rớt nhưng chị lại đập đập vào trán tôi nói: "Tớ khỏe rồi, chưa khỏi hẳn nhưng bác sỹ bảo cố gắng ăn nhiều là sẽ như bình thường".
Thời gian trôi qua, chúng tôi đều lên Hà Nội. Tôi vào đại học còn chị vào bệnh viện làm phẫu thuật. Khi tôi từ trường chạy sang thăm, chị đã ngồi dậy được. Chị bảo: "Có thích đi công viên không, tớ dẫn đi?". Chúng tôi ngồi vắt vẻo trên lan can của hành lang bệnh viện ngắm hoa bằng lăng nở, ăn sữa chua và kể những câu chuyện vui. Chị bảo tôi "May chưa, tớ mà không vào bệnh viện thì làm sao biết chỗ này được!".
- Thế chị có đau không?
- Không, sắp khỏi rồi…
***
Bệnh của chị tôi dĩ nhiên không khỏi. Hàng tháng chị đều phải lên viện tái khám, lấy mấy tạ dịch về lọc thủ công thay cho thận. Cứ đến ngày chị lên, tôi lại bắt xe bus vào Bệnh viện Bạch Mai thăm. Khoa thận ở tầng 5. Đi thang máy thì tốt hơn nhưng vì tôi bị sợ độ cao nên chị nhất định đòi đi thang bộ, lại còn bày trò thi ai đi nhanh hơn. Chị chịu ăn bất cứ cái gì tôi nấu, cố gắng khen ngon làm tôi thấy tự tin hơn. Tôi cũng làm quen với những người bạn mới của chị. Họ ở nhiều lứa tuổi, đến từ khắp các tỉnh và đều lọc màng bụng như chị tôi. Mỗi tháng một lần gặp lại, mọi người dành đồ ăn cho nhau, một nắm hạt dẻ, một quả chuối, thi thoảng giúp nhau xếp hàng lấy thuốc.
Qua 7 hay 8 năm, một hôm, chị chìa cho tôi xem những cục u cứng ngắc giữa các ngón, trên mu bàn tay, trên cổ. Chị bảo "Thừa canxi, tớ phải cắt tuyến giáp thôi!". Chúng tôi nói chuyện với nhau thong thả như trước một tiểu phẫu đơn giản, tựa như "chẳng có gì nguy hiểm!". Nhưng 3 ngày trôi qua, những cục u xẹp xuống, máu ngừng chảy, chị vẫn không tỉnh lại, chỉ có những cơn mê sảng kéo dài. Bác sĩ kết luận "Mất canxi, thiếu canxi trầm trọng!". Lúc chuyển từ bệnh viện Nội tiết sang khoa thận (Bệnh viện Bạch Mai), chân, tay, mặt chị đã phù căng như một quả bóng thừa hơi. Rất lâu sau đó, không ai trong chúng tôi biết được chị nghĩ gì, cảm thấy như thế nào. Điều duy nhất tôi chắc chắn là, bất chấp những đau đớn về thể xác, chị vẫn thở, thở yếu ớt cho đến khi chị cử động được ngón tay.
Rồi tôi chứng kiến chị tập cử động lại mỗi ngón tay, tập nhấc chân, lật người, tập ngồi… Ánh mắt chị dán chặt vào mẹ mỗi lần bác giúp chị thay dịch, vào những người bệnh cùng phòng mỗi lần họ rên rỉ đau đớn. Thế rồi, một cô bé cùng phẫu thuật với chị qua đời, chị bảo "Về nhà thôi, mẹ!".
Chị không khá hơn. Nỗi ám ảnh về cô bé cùng bệnh và những ảo giác do thiếu canxi làm chị tôi suy kiệt. Lần quay lại cấp cứu sau đó, tôi đã không thể nhận ra chị. Bác tôi ngồi trên ghế đá trước khu K9, già sọp và phờ phạc.
Trong phòng cấp cứu, lần duy nhất có cơ hội hé mở mắt giữa những ống thở, ống xông, chị yêu cầu yếu ớt "Đổi bác sĩ giỏi nhất đi!" và tất cả chúng tôi đã khóc. 3 ngày sau, chị tôi được chuyển khỏi phòng cấp cứu, từng phút giây giành giật lấy sự sống bằng nghị lực của mình. Lại mở mắt, lại tập cử động từ mỗi ngón tay… nhếch đôi môi sưng vều nghe kể những câu chuyện buồn cười và khao khát rút ống xông "ăn tất cả mọi món trên thế giới".
Có những lúc, tôi cảm thấy mọi giới hạn đã cạn kiệt rồi nhưng mở điện thoại tôi nhận được tin nhắn của chị: "Này cậu, còn nhớ 6 năm trước chúng mình đến nhà anh chị cả không? Tớ nhớ lúc đó, anh chị còn đi một chiếc xe "rem" nhưng giờ khác rồi, đúng không? Mọi thứ bắt đầu rất khó khăn, bước từng bước một, chúng ta sẽ vượt qua. Đừng chán nản nhé!".
Chị bảo chị rất tự hào về tôi nhưng đối với tôi chị là điều tôi tự hào nhất. Mỗi ngày trong suốt 10 năm chị trải qua là bằng chứng thuyết phục tôi vượt lên tất cả, YÊU CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH.