Bà có biệt danh là Ba Phụng, sinh năm 1945 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Long An. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành lằn ranh lịch sử chia cắt hai miền Tổ quốc, bà đã cùng đoàn cán bộ, học sinh ưu tú của miền Nam tập kết ra Bắc lao động và học tập.
Học hết cấp III tại Hải Phòng, Ba Phụng thi vào trường Trung cấp y sĩ tỉnh Nam Định. Sau khi hoàn thành đợt tập huấn kéo dài, đến đầu năm 1966, do yêu cầu của cách mạng, bà hăng hái cùng nhiều thanh niên, chiến sĩ ưu tú bí mật trở vào miền Nam, với những sứ mạng: Thành lập trường đại học, xây dựng nhà máy cơ khí, bệnh viện… Khi đó, bà ở độ tuổi 18.
Ngày đầu, vượt rừng Trường Sơn, mới đi bộ vài tiếng mà mồ hôi đã vã ra như tắm. Hai chân và vai bà như tê cứng. “Chiếc ba lô căng phồng với trăm thứ quần áo, võng bạt, chăn, lương khô, thuốc chữa bệnh, rồi còn xẻng, cuốc, xè beng để đào hầm cài xung quanh, rồi còn cả lựu đạn, dao găm, bình tong nước, đèn pin... Tính ra, cũng phải nặng tới 40 kg chớ chẳng ít”, bà kể.
Bà Phụng (đi đầu) trong chuyến vượt Trường Sơn năm 1966 vào chi viện cho chiến trường miền Nam. |
Rừng Trường Sơn thời chiến trở thành “trung tâm” của các loại bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống nên để vượt qua được thì đoàn quân “đi B” phải tuân theo một kỷ luật hành quân nghiêm ngặt: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Bà Ba Phụng chia sẻ: “Chúng tôi phải đào “bếp Hoàng Cầm” thật sâu dưới lòng đất, sau đó bắc nồi lên, đường ngầm được phủ lá rừng dài để khói lan trên mặt đất chứ không lên cao. Đó là một “nghệ thuật siêu hạng” để giặc không phát hiện dấu vết”.
Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài 6 tháng biến con đường rừng trở thành những thảm bùn lầy; mùa khô thì nắng cháy, gió Lào thổi đến héo hon cả người. Có những đêm ngủ trên võng, sáng dậy đỉa, vắt đã bu kín chân tay bà. “Ngay giữa rừng sâu nước độc, vắt, muỗi rừng, rắn rết cứ thay nhau tấn công nên đã có nhiều đồng chí đã ngất xỉu, thậm chí là hi sinh tính mạng. Chiến trường ác liệt, sống chết chỉ trong gang tấc. Thế mà, chẳng ai nao núng ý chí, tải thương, tải đạn bất kể ngày đêm, cầm súng chiến đấu với khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân”, bà Ba Phụng nhớ lại.
Sau hơn 5 tháng hành quân vất vả, cuối cùng thì bà đã cùng đoàn cán bộ đã vào tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa ở Ban Dân y (năm 1971 - 1973), bà được giao nhiệm vụ phụ trách bệnh xá Ban tiếp đón đồng bào, chiến sĩ tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Thời đó, căn cứ chiến đấu luôn biến động, bị địch càn quét đổ biệt kích liên miên. Người cán bộ y tế vừa phải chiến đấu với địch vừa phải sơ cấp cứu đồng bào bất không kể ngày đêm. Những lần tận mắt chứng kiến đồng đội, đồng chí bỏ lại một phần xương máu hoặc hi sinh tại chiến trường là lòng bà Ba Phụng lại đau như cắt. Nhưng đó cũng là động lực, tiếp thêm sức mạnh, lòng căm thù giặc để bà tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1967, bà Ba Phụng lập gia đình với đại úy Văn Tùng Mậu (sinh năm 1940) - một bác sĩ quân y, cùng học trường trung cấp y sĩ Nam Định và cùng “đi B” với mình trong những tháng ngày gian khó. Suốt dọc hành trình vượt dải Trường Sơn, tuy chung đoàn nhưng do khác tổ nên họ chỉ dám ngầm “để ý” đến nhau. Bà chậm rãi kể: “Biết tôi rất thích hoa nên cứ mỗi khi ngớt tiếng bom là ông ấy lại cố gắng kiếm ra một nhành phong lan để làm quà tặng. Tình yêu thời chiến cứ lớn dần lên sau những lần gặp gỡ vội vàng, sau những tháng năm xa cách, những lần thót tim khi được tin nhau bị trúng đạn súng quân thù”.
Vợ chồng bà Phụng thời chiến. |
Một năm sau, đám cưới giản đơn được tổ chức. Bữa cưới, bà Ba Phụng mượn tạm bộ áo bà ba của người bạn; còn chồng mặc bộ áo lính. Vui được một ngày rồi ai về mặt trận nấy, không dám hẹn ngày gặp lại. Hiếm hoi lắm vợ chồng mới biết tin nhau qua những lá thư. Tình yêu thời hoa lửa có bao nhiêu cũng để trong lòng, Tổ quốc là trên hết.
Đến tháng 4/1975, bà Ba Phụng được điều về công tác ở Đội dịch tễ Thạnh Mỹ Tây (nay là quận Bình Thạnh, TP HCM) để phòng chống, chữa các bệnh sốt bại liệt, ho gà cho bà con. 1 tháng sau khi đất nước thống nhất, 2 vợ chồng mới được đoàn tụ rồi cùng nhau công tác tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho đến ngày về hưu.
Năm 1984, bà mang thai cậu con trai đầu lòng. Khi bác sĩ nói đứa bé bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam trong chiến tranh, bà gạt nước mắt, nói: “Có thế nào thì hai vợ chồng cũng ráng nuôi con”. Vậy mà, vừa chào đời được mấy tháng, đứa trẻ đã bỏ vợ chồng bà mà đi. Đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn về già nhưng 2 vợ chồng bà không sầu bi, phiền não hay trách cứ số phận.
Ở tuổi 71, bà Phụng thường ngồi xem ôn lại những ký ức, kỷ niệm “thời hoa lửa”. |
Những năm cuối đời, chồng bà bị bệnh nặng, từ tiểu đường, viêm phổi, đau tim, đến tai biến khiến sức khỏe suy kiệt nhanh và qua đời vào năm cuối 2013. Đến nay, niềm vui của bà là mỗi sáng được tận tay chăm sóc vườn cây trong nhà; đi chùa làm phước rồi thỉnh thoảng lại rủ những đồng chí, đồng đội thời “đi B” về nhà, giở xem mấy tấm hình cũ rồi cùng ôn lại ký ức hào hùng của những tháng năm đầy gian khổ, hi sinh song rất đỗi tự hào được cùng quân dân cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.