Bài 1: Tư tưởng bình quyền xuyên suốt
Từ 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên
Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên các lĩnh vực. Ngay từ khi thành lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định phụ nữ là một lực lượng quan trọng của cách mạng. Trong "Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt" - cương lĩnh đầu tiên của Đảng – đã xác định: "Về phương diện xã hội, nam nữ bình quyền và phụ nữ là một lực lượng trọng yếu".
Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (Khóa I) đã chỉ rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được” (Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị, tháng 10/1930).
Kể từ đó, tư tưởng bình quyền ấy ngày càng được thể hiện rõ trong chủ trương của Đảng và thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong sắc lệnh 14 ngày 8/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nêu rõ: "Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử" đã thể chế hóa quyền bình đẳng nam nữ trong chính trị.
Trên thực tế, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946, phụ nữ không chỉ hăng hái tham gia bầu cử mà còn tham gia ứng cử tại nhiều khu vực trong cả nước. Trong biên niên lịch sử Hội LHPN Việt Nam (tr115, tập 1, NXB Phụ nữ) viết: "Lần đầu tiên trong lịch sử, những nữ công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nô nức đi bầu cử. Phụ nữ chiếm 48% tổng số cử tri đi bầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. 10 đại biểu phụ nữ đã trúng cử vào Quốc hội".
Việc phụ nữ có quyền bầu cử và ứng cử bình đẳng như nam giới ngay trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên khi nước nhà giành được độc lập là điều ít có quốc gia nào trên thế giới ở thời điểm đó về trước quy định phụ nữ đồng thời có 2 quyền lợi chính trị này, ví dụ: Ở Pháp là năm 1946, sau 150 năm kể từ khi cách mạng tư sản thành công, phụ nữ mới có quyền bầu cử; ở Mỹ là 144 năm kể từ ngày tuyên bố độc lập...
Tuy số đại biểu nữ chỉ chiếm 3% tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nhưng chỉ số đó có ý nghĩa mở đường cho phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử khi mà trước đó, thân phận của người phụ nữ trong xã hội rất thấp và quyền chính trị không hề được ghi nhận.
"Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện".
Điều 9, Hiến pháp năm 1946
Tư tưởng bình đẳng giới của Đảng đã sớm được cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật. Trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 1946.
Báo Cứu Quốc số 401 ngày 10/11/1946 có đăng lời phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 2, Quốc hội khóa I của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam được đứng chung ngang hàng với đàn ông để được hưởng mọi quyền tự do của 1 công dân".
Đến những chỉ số nói lên sự bình đẳng, tiến bộ
Có thể nói, tư tưởng bình quyền giữa nam và nữ trong các văn kiện của Đảng đã sớm được thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và quy định trong Hiến pháp năm 1946 chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới. Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn có sự phát triển. Nếu như Quốc hội khóa I (1946 – 1960) mới có 3% đại biểu nữ thì đến Quốc hội khóa IV (1971 – 1975), tỷ lệ nữ đại biểu đã đạt 29,76%.
Bước sang thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới càng được thể hiện xuyên suốt và cụ thể hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ như: Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng... Đặc biệt, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11- NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội khóa XIV.
"Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%".
(Mục tiêu đến năm 2030 nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII)
Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Từ những định hướng quan trọng như trên tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có 132 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 26,72%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước. Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có sự tăng trưởng vượt bậc.
Tỷ lệ nữ lãnh đạo Quốc hội chiếm 40% trong đó có Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đều là nữ. Tỷ lệ nữ là Chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội chiếm 22,22%. Tất cả các Ủy ban đều có thành viên là nữ.
Bài 2: Dấu ấn và đóng góp