Nữ đại biểu Quốc hội - từ tham gia đến đại diện
Bài 3: Khoảng cách và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Những khoảng cách giới đo đếm được

Mặc dù Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhưng so với chỉ tiêu nêu trong các nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa.

Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ đều có những nội dung về việc tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham chính với những chỉ tiêu cụ thể. Cách đây 17 năm, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ cơ quan dân cử: "Phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%". Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 11-NQ/TW ra đời đến nay, chưa khóa Quốc hội nào đạt được tỷ lệ 30% đại biểu Quốc hội là nữ.

TS. VươngThị Hanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew), nhìn nhận: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội phát triển chậm, không đạt mục tiêu đề ra là 35% vào năm 2020 như chỉ tiêu 1 trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 (Quốc hội Khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 chỉ có 26,71% đại biểu nữ). Nhìn ra thế giới, trong 20 năm qua, tỷ lệ bình quân của nữ nghị sĩ Quốc hội trên thế giới tăng 2 lần, từ 11,8% (năm 1998) tăng lên 23,5% (năm 2018). Song trong khoảng thời gian này, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt nam lại giảm từ 27,3% (khóa XI, nhiệm kỳ 2002-2007) xuống 26,7% (khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021). Đáng chú ý, 3 khóa Quốc hội gần đây nhất, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm liên tục, chỉ tăng ở khóa hiện tại nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ nữ đại biểu của khóa XI và còn rất xa so với mục tiêu 35% đến 40% của Nghị quyết 11-NQ/TW đề ra.

Nữ đại biểu Quốc hội - từ tham gia đến đại diện Bài 3: Khoảng cách và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện tại so với chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

Vì sao cần "tỉ lệ tới hạn"?

Chiến lược quốc gia về Bình đẳng Giới đưa ra các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm, giáo dục, y tế và tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội. Đối với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Chiến lược đặt mục tiêu từ 30% trở lên trong giai đoạn 2011-2015 và trên 35% trong giai đoạn 2016-2020. Các chỉ tiêu này phù hợp với Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Theo khuyến cáo, 30% là "tỉ lệ tới hạn" để phụ nữ có thể phát huy vai trò của mình trong việc thiết kế nội dung và đưa ra các quyết sách chính trị.

"Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có ý nghĩa rất quan trọng. Với những trải nghiệm khác biệt của phụ nữ trong cuộc sống, đại diện tiếng nói bình đẳng của phụ nữ trong cơ quan quyền lực của nhân dân sẽ bảo đảm các chính sách mang tính toàn diện, bao trùm và việc thưc thi chính sách sẽ đáp ứng nhu cầu và lợi ích công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Tham gia cơ quan dân cử, phụ nữ phát huy tài năng, trí tuệ góp phần thúc đẩy tăng tưởng và phát triển bền vững".

TS. Vương Thị Hanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew)

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18, tháng 9/2019 trong bài viết "Hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội: thực trạng và một số kiến nghị" (của 2 tác giả: TS. Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và ThS. Dương Thị Tình Thương, Phó Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội) có nêu: "Việc phụ nữ tham gia vào cơ quan đại diện sẽ có điều kiện tham gia xây dựng chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến nữ giới nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có đủ điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược bình đẳng giới. Đây là vấn đề được nêu ra ở nhiều diễn đàn và được đề cập đến bởi chính các nam đại biểu Quốc hội".

Kết quả khảo sát của Dự án "Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai Hội nhập Quốc tế" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao Việt Nam thực hiện cũng cho biết: "Nghiên cứu về năng lực chuyên môn của nữ đại biểu quốc hội cho thấy, các nữ đại biểu thường đề xuất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và ủng hộ các chính sách vì phụ nữ hơn. Nữ đại biểu quốc hội quan tâm hơn đến các vấn đề của nữ giới không đồng nghĩa với việc giảm chất lượng ý kiến đóng góp hay khả năng chất vấn Chính phủ của họ về các vấn đề khác. Nghiên cứu cho thấy, đại biểu nữ sẵn sàng tham gia thảo luận nhiều hơn so với đại biểu nam trong mọi vấn đề. Do đó, tăng số lượng đại biểu nữ sẽ giúp tập trung hơn vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ mà không ảnh hưởng đến tranh luận các vấn đề khác".

Dự án này cũng đưa ra kết quả nghiên cứu hoạt động của đại biểu quốc hội một số nước khác trên thế giới như sau: "Đã có nhiều nghiên cứu áp dụng phương pháp sử dụng các bài phát biểu để đưa ra kết luận về "mô hình đại diện", qua đó tìm hiểu về những đóng góp liên quan đến giới tại các nước như Argentina (Franceschet và Piscopo 2008), Úc (Broughton và Palmieri 1999) và New Zealand (Grey 2002)... Phân tích này cho thấy tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong quốc hội sẽ nâng cao tính đại diện về các vấn đề nữ giới, ít nhất là trong các phiên họp công khai, tranh luận, thảo luận dự luật. Các nữ đại biểu thường thảo luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ trong các bài phát biểu của họ. Hơn 30% số bài phát biểu của các đại biểu nữ nhắc tới các cụm từ phụ nữ, vấn đề của phụ nữ, hoặc các vấn đề của trẻ em, so với khoảng 20% của các đại biểu nam".

Nữ đại biểu Quốc hội - từ tham gia đến đại diện Bài 3: Khoảng cách và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng bức tranh Bác Hồ với đại biểu nữ dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc năm 1950 cho Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV tổ chức ngày 10/6/2020. Ảnh: Hải Hòa

Vấn đề nằm ở khâu thực hiện

Trước hết cần khẳng định căn cứ để đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới là khá đầy đủ. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng không chỉ nêu lên quan điểm "thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội" mà còn đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cán bộ nữ trong tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước. Trong Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X. Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp luật đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ trong đó Quốc hội đã ban hành đạo luật Bình đẳng giới (năm 2006). Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đề ra mục tiêu cụ thể: "Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%" (Mục tiêu 1).

Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đưa ra cơ chế nhằm tăng cường tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử: "Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ". (Khoản 3, Điều 8).

Sở dĩ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt được theo mục tiêu của Đảng và quy định của pháp luật có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những lý do là chúng ta thiếu chế tài. Cụ thể như kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016, nhiều tỉnh không đạt tỷ lệ 35% nữ ứng cử viên tối thiểu theo luật định. Song, do không có chế tài ràng buộc nên không có cơ quan, đơn vị, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về kết quả này. Vì vậy, trong khi chưa có quy định cụ thể về chế tài thì việc tăng cường vai trò trách nhiệm giới của cấp ủy Đảng và người đứng đầu, phát huy dân chủ trong giới thiệu người ứng cử là rất quan trọng.

Theo TS. Vương Thị Hanh, ngay cả khi đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội lên mức 35% trở lên thì vẫn còn nhiều yếu tố nữa ảnh hưởng tới mục tiêu 30% nữ đại biểu Quốc hội. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng trúng cử là tình trạng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội cùng lúc phải gánh nhiều cơ cấu như: trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc thiểu số... Điều này dẫn đến khó giới thiệu được những đại diện nữ vừa đảm bảo các cơ cấu trên lại vừa xuất sắc, có chất lượng để cử tri bầu.

Ngoài ra, tỷ lệ ứng cử viên nữ trúng cử thấp còn do sắp xếp danh sách nam, nữ liên danh bầu cử không tương đương về trình độ, vị thế công tác. Sự chênh lệch này thường dẫn đến việc ứng cử viên nữ không trúng cử. "Trong tổng số 182 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV có tới 54 đơn vị (29,67%) sắp xếp ứng cử nam và nữ chênh lệch về trình độ, vị thế, dẫn đến nữ không trúng cử", TS Vương Thị Hanh nêu dẫn chứng.

Do đó, việc sắp xếp liên danh tranh cử ở từng đơn vị bầu cử cũng rất quan trọng. Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm lập danh sách nam, nữ ứng cử ở các đơn vị bầu cử. Vậy, cần đảm bảo nam, nữ ứng cử trong danh sách bầu "tương đương về trình độ, vị trí chức danh", tạo cạnh tranh công bằng trong bầu cử. 

Cùng với việc đảm bảo bình đẳng trong quy trình bầu cử thì bản thân phụ nữ phải nâng cao năng lực cũng như phát huy nội lực của bản thân. Nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới trong tham chính, phụ nữ cần nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực bản thân về chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ứng dụng cóng nghệ thông tin để sáng tạo, cải tiến công việc. Phụ nữ cần tự tin, khẳng định mình, sẵn sàng và dám nhận nhiệm vụ, vượt khó để tiến bộ. Đồng thời, phụ nữ biết cân bằng giữa công việc và gia đình; tranh thủ sư ủng hộ, hỗ trợ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. 

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, giới nữ có một tổ chức chính trị - xã hội với lịch sử 90 năm, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội cũng như các tầng lớp phụ nữ là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, trong các cơ quan nhà nước, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đều có tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đây là những tổ chức luôn đồng hành, hỗ trợ để nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong đó có hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham chính.


Quốc Thuyên
20/10/2020