Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, nữ giải phóng quân Đàm Thị Loan (dân tộc Tày) đã vinh dự là 1 trong số 2 người kéo cờ tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bà Đàm Thị Loan tên thật là Đàm Thị Nết, sinh ngày 26/8/1926, trong một gia đình cơ sở cách mạng tại xóm Ảng Giàng, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Nhà bà Loan nằm ở một địa điểm tương đối thuận lợi, gần các điểm dân cư và chỉ cách dãy núi đá Lũng Hoàng có nhiều hang động chừng 4 cây số. Các đồng chí cách mạng hoạt động bí mật, trên đường đi công tác, hoặc từ ngoài lũng (dạng địa hình dốc tương đối rộng, xung quanh có sườn dốc bao bọc, đáy phẳng) vào, đều có thể ghé qua nhà để họp bàn công việc hoặc hỏi han tình hình địa bàn.
Nhờ vậy, trong những lần được gặp và nghe các đồng chí cách mạng nói chuyện, bà sớm được giác ngộ cách mạng, dần hiểu về các hoạt động cách mạng của các đồng chí vì nước, vì dân bất chấp hiểm nguy cho mình. Do đó, bà Loan luôn để ý giữ bí mật sự đi lại của các đồng chí cách mạng, không mang những chuyện mình được nghe kể cho các bạn cùng trang lứa trong bản, thậm chí có nhiều lần bà từng tham gia canh chừng bọn lính đi phục để cho các đồng chí cách mạng đi lại an toàn. Qua những ngày tháng thực tế đó, bà Loan đã dần dần nuôi trong mình một ao ước, rồi đây lớn lên sẽ tham gia đội ngũ những người làm cách mạng.
Cuối năm 1941, bà Loan thoát ly đi hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi. Bà nhận được giấy gọi của Tỉnh ủy Cao Bằng về "Địa điểm Đỏ" (tức núi Lũng Hoàng) - nơi huấn luyện các thanh niên đã thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng bí mật. Lớp học mở trong một hang nhỏ của núi Lũng Hoàng, do đồng chí Tống (bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng) phụ trách. Qua lời giảng của đồng chí Tống, hiểu biết của bà Loan và các bạn trong lớp được mở rộng thêm, những điều băn khoăn trước đó về cuộc cách mạng đã được giải đáp. Mọi người giờ đây ai cũng đã hình dung được những việc cần làm và có niềm tin rất lớn ở sức mạnh của quần chúng nhân dân khi họ đã được giác ngộ. Kết thúc khóa học, bà Loan được phân vào Đội Tuyên truyền tỉnh Cao - Bắc - Lạng để chuyên trách về công tác thanh niên - giác ngộ và đưa họ vào tổ chức của Việt Minh.
Ngày 16/12/1944, bà nhận được giấy gọi của đồng chí Văn (bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp) phải cấp tốc về Tổng Hoàng Hoa Thám để nhận nhiệm vụ mới. Ngày 22/12/1944, Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu lúc 5 giờ chiều tại khu rừng nằm giữa 2 Tổng Hoàng Hoa Thám và Tổng Trần Hưng Đạo. Từ hôm đó, bà vinh dự được là đội viên của Đội.
Đến giữa tháng 8/1945, chiến tranh thế giới có những biến chuyến lớn với sự thất bại của phát xít Đức, cùng với đó Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, quân Nhật ở Đông Dương trở nên rệu rã. Nắm bắt thời cơ ngàn năm có một, ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố "Quân lệnh số 1", chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Chiều 16/8, một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Văn chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. 4 giờ sáng ngày 19/8, toàn bộ đơn vị đã có mặt ở địa điểm quy định, đợi tảng sáng là bắt đầu công kích. Theo lệnh của đồng chí Văn, đội tuyên truyền của bà Loan vừa làm công tác dân vận, vừa làm công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của đoàn thể và Việt Minh. Đến chiều 20/8, sau nhiều trận đánh dữ dội, thị xã Thái Nguyên hoàn toàn được giải phóng. Rời thị xã Thái Nguyên, bà Loan và đoàn quân tiến về Hà Nội trong sự vui vừng, hân hoan của người dân Thủ đô.
Trước đó 2 ngày, khởi nghĩa đã nổ ra ở nhiều nơi và giành thắng lợi ở các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Tại Hà Nội, tối 19/8, khởi nghĩa chính quyền giành thắng lợi.
Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ, để chuẩn bị cho lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, riêng việc kéo cờ trên lễ đài, Bác gợi ý Ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu, như vậy càng thêm ý nghĩa của ngày Độc lập.
Lĩnh hội ý kiến của Bác, tối mồng 1/9/1945, tại địa điểm đóng quân của Chi đội ở trại Bảo an binh của Pháp (nay là phố Hàng Bài, trước Rạp tháng Tám), đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) là người phụ trách Chi đội có gọi bà Loan đến và giao nhiệm vụ:
- Ngày mai, mùng 2/9, làm lễ tuyên bố Độc lập và Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt ở Quảng trường Ba Đình. Chi đội được vinh dự cử một đồng chí nữ ra kéo cờ cùng với một nữ sinh nữa của thành phố. Ban chỉ huy đã nhất trí cử đồng chí Loan. Đồng chí nhớ chuẩn bị tinh thần và trang phục để thực hiện nhiệm vụ cho tốt.
Bà Loan xúc động kể lại trong hồi ký “Từ Việt Bắc đến Tây Ninh”
“Tôi lặng người. Điều đồng chí vừa nói làm tôi xúc động. Lại một đêm không ngủ. Hạnh phúc đến thật bất ngờ. Những năm tháng hoạt động lại lướt nhanh trong đầu óc tôi. Trước đây ở Việt Bắc mỗi lần giương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lên trong các cuộc mít tinh là chúng tôi lại mơ ước có ngày lá cờ thiêng liêng này sẽ tung bay tự do trên nền trời của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng đã thực sự trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập".
2 giờ chiều ngày 2/9/1945, Lễ Tuyên ngôn Độc lập bắt đầu. Bà Loan trong bộ trang phục giản dị của Quân Giải phóng, đầu đội mũ calô có đính quân hiệu sao vàng, túc trực dưới chân cột cờ trước lễ đài. Cùng kéo cờ với bà Loan hôm ấy là bà Lê Thi, nữ thanh niên Hà Nội với chiếc áo dài tha thướt. Cả 2 bà đều ở trong tâm trạng hồi hộp, xúc động đợi chờ giờ phút trọng đại thiêng liêng của đời mình.
Bỗng nhiên có tiếng vỗ tay hoan hô như sấm dậy, liền sau đó Bác Hồ đi đầu đoàn Chính phủ lâm thời và Tổng bộ Việt minh đi qua. Đến chân cột cờ, Bác chợt dừng lại rồi nhìn bà Loan hỏi:
- Cô Loan Giải phóng quân phải không?
Bà Loan xúc động, nước mắt như muốn trào ra, giọng líu ríu thưa lại với Bác:
- Vâng ạ! Thưa Bác cháu là Loan đây ạ!
Bác vĩ đại thế, giản dị và thân thiết đến thế. Bác mặc bộ quần áo kaki, chân đi dôi dép cao su, tay cầm chiếc mũ, vẫy chào đồng bào.
Tiếng hô chào cờ cắt ngang dòng suy tưởng của bà Loan. 2 tay bà Loan và bà Thi nắm chắc dây, từ từ kéo, nhịp nhàng với bài nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng. Lá cờ càng lên cao càng phất mạnh.
Xong nghi lễ, cả hai im lặng, hướng mặt lên lễ đài. Giọng Bác vang lên đầm ấm. Lời Tuyên ngôn Độc lập đanh thép hùng hồn:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!".
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lá cờ phất mạnh. Khi cả hàng vạn đồng bào có mặt hôm ấy đồng thanh vang lên tiếng "Xin thề" thì tận đáy lòng, bà Loan cảm nhận được một cách rõ ràng: "Thế nào là sức mạnh của quần chúng khi được giác ngộ, thế nào là sức mạnh của Cách mạng. 4 năm qua trên con đường cách mạng đầy gian khó, từ núi Lũng Hoàng về đến quảng trường Ba Đình lịch sử này, tôi đã cống hiến cho cách mạng trọn vẹn sức lực, trí tuệ, tuổi trẻ của mình. Tôi chưa hề thoái thác bất cứ một nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nào. Tôi đã hành động và suy nghĩ xứng đáng với lòng tin của đồng bào, nhân dân, những người đã từng đùm bọc, cưu mang tôi" (theo hồi ký "Từ Việt Bắc đến Tây Ninh", Đàm Thị Loan, NXB Văn hóa dân tộc, H. 1998).
Ít ngày sau khi nước Việt Nam mới được ra đời, bà Đàm Thị Loan xây dựng gia đình với người đồng đội là đồng chí Hoàng Văn Thái (khi đó là Tổng Tham mưu trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam). Có một sự trùng hợp của lịch sử, 2 ông bà cùng là đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Trong ngày khai sinh tổ chức vũ trang này, ông là người cầm cờ, còn bà về sau là một trong hai người kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bà Đàm Thị Loan qua đời ngày 28/1/2010 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 84 tuổi.
Trường Hùng
Ảnh: Gia đình cung cấp