Nữ giảng viên môi trường với sáng kiến từ trùn quế

08/08/2019 - 18:55
Là giảng viên tại Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) nên chị Dương Thị Bích Huệ luôn trăn trở tìm phương pháp cải thiện môi trường. Bằng sự say mê nghiên cứu cùng những dấn thân học hỏi từ thực tế, chị đã tìm ra mô hình khởi nghiệp cho chị em phụ nữ bằng việc sử dụng trùn quế xử lý rác thải hữu cơ sau thu hoạch.

Chị Huệ cho biết, ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ thực tế lượng rác tại TPHCM hiện nay quá lớn. Mỗi ngày TP HCM thải ra 9.000 - 9.500 tấn rác thải, trong đó 65% - 82% rác thải hữu cơ. Riêng 10 chợ đầu mối rau của quả tại TPHCM mỗi ngày nhập về 10.000 tấn rau củ quả, trong số đó sẽ có 100 tấn rau củ quả vứt bỏ (Nguồn: Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, 2018). Bên cạnh đó, rác thải từ hộ gia đình khoảng 2,4 kg rác/ngày, trong đó có 65-82% rác thải hữu cơ. Gây lãng phí phí vận chuyển, trung chuyển đến bãi chôn lấp và tốn diện tích bãi chôn lấp.

 

a1.jpg
Chị Huệ đã tìm ra cách hỗ trợ khởi nghiệp cho chị em phụ nữ bằng việc sử dụng trùn quế để xử lý rác thải hữu cơ sau thu hoạch 

Vì thế chị Huệ đã tìm ra mô hình sử dụng trùn quế (Perionyx excavatus) để xử lý rác thải hữu cơ sau thu hoạch, mô hình này đồng thời giải quyết được 2 vấn đề về môi trường và kinh tế. Hiện nay, mô hình nuôi trùn quế của chị Huệ rất phù hợp để nhân rộng ra cho chị em phụ nữ ở cả thành thị và nông thôn. Chị em có thể tận dụng các nguồn rác thải hữu cơ sau thu hoạch tại nhà, tại các vùng trồng rau, các chợ đầu mối...để làm nguồn nguyên liệu. Việc bán trùn quế và phân hữu cơ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Huệ cho biết, hiện nay chị có thể sản xuất mô hình bán lại cho các hộ gia đình có nhu cầu nuôi và sản xuất trùn quế tại nhà. Đồng thời, chị cũng có thể chuyển giao toàn bộ quy trình cho một đơn vị mong muốn phát triển về ngành nông nghiệp hữu cơ.

 

dai-dien.jpg
Chị Dương Thị Bích Huệ luôn trăn trở với các vấn đề về môi trường
 
 

Một hộ gia đình hay một công ty nuôi trùn quế sẽ nhận lại giá trị lợi nhuận qua bán các sản phẩm từ trùn quế. Trong đó, các sản phẩm gồm: Phân trùn quế chứa nhiều vi sinh vật giúp cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng và cải tạo đất, giá bán 10.000 đồng/kg; trùn quế tươi là thức ăn cho các động vật nuôi như gà, vịt, lợn, ngan, cá, lươn, ếch, giá bán 80.000 đồng/kg; trùn quế khô là loại thức ăn được trộn theo tỷ lệ phù hợp với thức ăn vật nuôi để kích thích phát triển, tăng sức đề kháng, tăng sức sinh sản và tạo chất lượng sản phẩm thịt sạch, giá bán 500.000 đồng/kg; dịch trùn quế giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, hạn chế tác hại sâu bệnh, với các loại hoa thì dịch trùn quế giúp cánh hoa cứng, không bị giòn, màu sắc đẹp và tươi lâu.

Chị Huệ phân tích: “Trùn quế có tỉ lệ sinh sản cao, tốc độ chuyển hóa khối lượng lớn phân chuồng, khả năng chịu đựng được biên độ nhiệt độ và pH rộng. Người ta thấy rằng, có khoảng 50-70% thức ăn được trùn quế tiêu thụ đều được chuyển hóa thành phân. Do vậy, trùn quế có vai trò nhất định trong nền nông nghiệp sinh thái. Chúng biến đổi chất hữu cơ không ổn định thành chất hữu cơ ổn định, làm tăng lượng dinh dưỡng trong phân. Phân và xác của trùn quế bị phân hủy cung cấp một lượng lớn nitơ cho đất. Trong sản xuất, chăn nuôi, trùn quế là nguồn thức ăn cho động vật do chứa một lượng lớn protein, acid amin... đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho vật nuôi phát triển nhanh”.

Việc sử dụng trùn quế để xử lý rác thải hữu sẽ góp phần tiết kiệm một khoản kinh phí lớn cho việc vận chuyển, trung chuyển đến bãi chôn lấp và diện tích bãi chôn lấp. Bên cạnh đó, giá thể nuôi trùn quế và trùn quế sẽ là nguồn phân hữu cơ sạch, giúp giảm thiểu việc sử dụng phân bón hoá học, là cơ sở cho nông nghiệp sinh thái bền vững. Trùn quế được ví như một “nhà máy phân bón”, chúng biến đổi chất hữu cơ không ổn định thành chất hữu cơ ổn định, làm tăng lượng dinh dưỡng trong phân. Mô hình này có thể thay thế mô hình nuôi trùn quế truyền thống bằng phân bò, giảm thiểu ô nhiễm mùi và ô nhiễm không khí cho khu dân cư.

 

a3.jpg
Trùn quế thành phẩm
 

Chia sẻ về những khó hiện hiện tại, chị Huệ cho biết: “Tôi đang nghiên cứu thêm các mô hình tự động hay bán tự động để thực hiện được quy trình nuôi trùn quế lớn hơn và thu hoạch được năng suất cao hơn. Với thực tế tại TP.HCM, vốn đầu tư ban đầu để có mặt bằng lập một cơ sở sản xuất, làm thí điểm cho Phụ nữ, sinh viên ngành Môi trường tham quan thực nghiệm, học tập cũng khá cao”.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2018, chị Dương Thị Bích Huệ được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ”; Bằng khen Liên đoàn Lao động TP HCM trong “ Phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động công đoàn” năm học 2017-2018; Bằng khen “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của Công đoàn ĐHQG TPHCM năm 2019. 

"Với các bạn sinh viên học ngành Môi trường, nếu muốn góp công sức vào công cuộc bảo vệ môi trường thì phải chịu vất vả, dấn thân chứ không đơn giản ngồi phòng máy lạnh, bàn giấy, Môi trường hiện còn rất nhiều vấn đề mà cần sức trẻ chúng ta tham gia vào và không ít cơ hội có thể vừa khởi nghiệp để vừa giải quyết vấn đề môi trường", chị Dương Thị Bích Huệ đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm