Nữ ngoại giao Thụy Sĩ làm Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ tại Myanmar

27/04/2018 - 11:55
Bà Christine Schraner Burgener (54 tuổi), Đại sứ Thụy Sĩ tại Đức, vừa được chọn làm Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Myanmar. Bà sẽ chịu trách nhiệm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya đang khiến thế giới lo ngại.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa bổ nhiệm bà Christine Schraner Burgener, Đại sứ Thụy Sĩ tại Đức, làm đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Myanmar. 
christine-schraner-burgener-1.jpg
Bà Christine Schraner Burgener làm Đại sứ Thụy Sĩ tại Đức

Bà Christine đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao. Ba đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao trong Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ liên quan đến luật quốc tế, nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Bà Burgener làm Đại sứ Thụy Sĩ tại Đức từ năm 2015 đến nay.

Từ năm 2004 đến 2009, bà là Điều phối viên về chống khủng bố trong chính sách ngoại giao và là Tổng thư ký Ủy ban Tìm kiếm sự thật nhân đạo quốc tế. Tiếp đến, bà đã có nhiệm kỳ Đại sứ tại Thái Lan từ năm 2009 đến 2015.
 
Quyết định bổ nhiệm đặc phái viên chuyên trách Myanmar của Tổng thư ký Liên hợp quốc được đưa ra ít ngày trước chuyến thị sát Bangladesh và Myanmar của phái đoàn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đánh giá cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. 
rohingya-3.jpg
Người tị nạn Rohingya

Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải rời khỏi bang Rakhine (Myanmar) và sống trong những trại tị nạn đông đúc ở Bangladesh sau khi quân đội Myanmar mở một chiến dịch hồi tháng 8/2017. Theo các báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ, tình hình tại bang Rakhine hiện vẫn rất đáng lo ngại khi nhiều người Rohingya tiếp tục rời bỏ Myanmar. 

rohingya-4.jpg
Ảnh về một phụ nữ Rohingya chạy loạn bị kiệt sức sau khi vượt biên từ Myanmar sang Bangladesh của hãng tin Reuters giành giải Pulitzer Báo chí 2018

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em và phụ nữ trong các trại tị nạn dễ trở thành con mồi của bọn buôn người và những kẻ có ý định bóc lột, lạm dụng lao động và biến họ thành những nô lệ tình dục. 

rohingya.jpg
Nỗi đau của phụ nữ và trẻ em Rohingya

Ngày 26/4, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho biết, là nước khởi nguồn của tình trạng buôn bán người Rohingya, Chính phủ Myanmar cần có những nỗ lực thực sự để giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Myanmar phải xóa bỏ các băng nhóm tội phạm buôn bán người, ngăn chặn chúng biến những người dân vô tội trở thành nạn nhân của tệ nạn này. Ông Anifah nhấn mạnh, Malaysia hối thúc việc thực thi một cách đầy đủ và nhanh chóng “Thỏa thuận về việc hồi hương những người bị ly tán khỏi bang Rakhine” giữa Chính phủ Myanmar và Chính phủ Bangladesh, yêu cầu ngay lập tức hồi hương những người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm