Nhà báo Nguyễn Thúy Hằng (Báo Việt Nam News, TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam . Đến ngày 26/3, cựu Đại sứ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 148). Ngày 29/3, nhà báo Thúy Hằng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, được coi là bệnh nhân 183 ở Việt Nam. Sau một thời gian điều trị bệnh, chị Thúy Hằng đã chia sẻ với PNVN hành trình chống chọi với Covid-19 của mình.
Như mọi ngày, sau khi tỉnh giấc, vẫn đang mắt nhắm mắt mở, tôi với tay mở điện thoại thì thấy 1 loạt cuộc gọi nhỡ từ 1 số máy lạ. Đang băn khoăn tại sao họ lại gọi nhiều thế thì tôi tiếp tục nhận được cuộc gọi từ cùng số máy đó. Từ đầu dây bên kia, họ giới thiệu họ gọi từ y tế quận và thông báo cho biết tôi từng tiếp xúc với một người vừa được xác định dương tính với Covid-19. Họ yêu cầu tôi ở yên trong nhà. Điều đó có nghĩa là tôi đã trở thành F1. Ngay trong ngày hôm đó tôi được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Y học Cổ truyền - cơ sở Mỹ Đình (Hà Nội).
Thực tình, tôi không lo bản thân mình bị mắc bệnh mà chỉ lo cho người mẹ hơn 70 tuổi của mình. Ngay ngày hôm sau, bà cũng phải đi cách ly ở một cơ sở y tế khác. Ngoài sự lo lắng có điều gì xảy ra với mẹ, tôi cũng lo mình làm ảnh hưởng đến các đồng nghiệp ở cơ quan hay bao người khác mà mình đã gặp gỡ, tiếp xúc trong những ngày trước đó. Tôi đã không ngừng cầu mong cho kịch bản xấu nhất - tôi bị dương tính - đừng xảy ra.
Nỗi lo lắng đè nặng tâm trí khiến tôi đêm nào cũng mất ngủ và tất nhiên, mỗi ngày tưởng chừng dài như vô tận khi chỉ có một mình tôi giữa bốn bức tường ảm đạm.
Cùng lúc các thông tin liên quan đến ca bệnh của tôi xuất hiện trên các phương tiện báo chí chính thống, tôi bắt đầu phải đối diện với áp lực vô hình đến từ các thông tin trên mạng. Chưa bao giờ tôi thấm thía sức mạnh "giết người" của mạng xã hội như lúc này. Mặc dù cố tránh không đọc nhưng tôi biết có rất nhiều bình luận tiêu cực, thậm chí xúc phạm và bôi xấu cá nhân tôi. Tôi quyết định khóa tài khoản Facebook cá nhân để tránh cho tâm lý của mình bị ảnh hưởng.
Mỗi bữa, để ép bản thân phải cố ăn để giữ sức khỏe, tôi lại nghĩ đến các bậc sinh thành của mình. Tôi thậm chí phải hô khẩu hiệu "Mình ăn vì mẹ mình, mình ăn vì bố mình, mình ăn vì Susu" (Susu là con mèo Anh lông dài 4 tuổi. Susu cũng phải đi tá túc ở khách sạn thú cưng trong 2 tuần khi cả gia đình chị Hằng bị đi cách ly - PV).
Đến ngày thứ 4 trong khu cách ly, khi được thông báo thu dọn đồ để chuyển đi nơi khác, tôi biết vậy là mình đã chính thức trở thành F0. Nhưng thật kỳ lạ, ngồi trên xe cứu thương và cả sau khi nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ - cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), tôi lại cảm thấy rất nhẹ nhõm chứ không còn lo lắng như trước. Có lẽ do tôi đã xác định được là không thể thay đổi mọi chuyện đã xảy ra nên cách duy nhất là đối diện với thực tại.
Tôi cũng không có bất kỳ lo lắng nào về việc điều trị vì đến thời điểm đó, qua thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi biết đội ngũ y bác sĩ đã rất nỗ lực trong việc chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và Việt Nam chưa có 1 ca nào tử vong.
Sau đêm đầu tiên ở chung phòng cùng với 5 bệnh nhân khác, sang ngày thứ 2, tôi được chuyển sang phòng khác sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Giống như khi bạn đạt được 1 thành tích nào đó, khỏi phải nói tin này đã khiến không những tôi mà tất cả các thành viên khác trong gia đình và bạn bè thân thiết mừng thế nào. Điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất ở Bệnh viện cũng khá tốt nên phần nào giúp tâm trạng tôi thấy thoải mái hơn.
Tôi cố gắng ăn nhiều nhất có thể phần cơm bệnh viện của mình. Đến lúc này, tôi mới thấy cơm nhà mẹ nấu sao ngon thế. Vậy mà trước đây, tôi cứ hay khó tính, đại khái như "món này sao mẹ nấu nhạt thế, món kia lẽ ra mẹ phải có thêm ít tiêu...''. Tôi thấy thương mẹ vô cùng và chỉ ước nếu như được về gặp mẹ lúc đó, có lẽ tôi sẽ quỳ xuống ôm và xin lỗi bà vì đã khiến bà phải lo lắng cho tôi đến nhường nào.
Tôi may mắn không bị virus tấn công gây ra các vấn đề về hô hấp như nhiều bệnh nhân khác nên quá trình điều trị của tôi diễn ra khá nhẹ nhàng và đơn giản. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của tôi đã thay đổi khá nhiều so với trước đây.
Ví dụ khi ở nhà, tôi thường ngủ đến 8h mới dậy thì ở đây, 1 ngày mới bắt đầu khá sớm, từ 6h30, khi các điều dưỡng đi phát bữa sáng và thuốc cho mỗi phòng bệnh. Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để xem phim, nghe nhạc và đọc sách. Vì là phụ nữ nên tôi cũng có những mối lo nho nhỏ về dung nhan diện mạo của bản thân. Tôi cố gắng duy trì thói quen tập thể dục - vừa để giữ sức khỏe, vừa giữ phom người vì sợ ở 1 chỗ không được vận động nhiều, bụng sẽ to ra, tay chân sẽ mất cơ. Không có dụng cụ, tôi đổ đầy nước vào 1 cái phích nhỏ để làm tạ.
Những cuộc nói chuyện hàng ngày với mẹ, người thân và bạn bè mang lại sự động viên tinh thần rất lớn, giúp mỗi ngày của tôi trôi qua thêm ý nghĩa.
Khi biết tin kết quả xét nghiệm của mẹ là âm tính, nỗi lo duy nhất và cuối cùng của tôi được giải tỏa, tôi ăn ngon miệng hơn, ngủ được dài hơn, chăm tập thể dục hơn và đọc sách cũng tập trung hơn.
Theo tôi, điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng làm cho mình bận rộn nhất có thể. Thói quen đọc sách đã bị tôi bỏ bê từ lâu giờ được khôi phục. Tôi đã đọc hết cả 5 cuốn sách mình mang theo, từ tiểu thuyết bằng tiếng Anh, đến các tác phẩm dịch, từ sách hồi ký đến tuyển tập tản văn.
Để tạo không khí vui vẻ và thân thiện giữa các thành viên trong phòng, tôi thậm chí còn lôi kéo họ cùng tập nhảy "Ghen Cô Vy", tập aerobic... Chúng tôi cũng chọn các bộ phim hài trên Netflix để xem cùng nhau.
Để hạn chế khả năng lây lan, chúng tôi không được phép ra ngoài mà chỉ quanh quẩn trong diện tích hạn chế của phòng bệnh. Vì thế mỗi lần được phép ra ngoài để đi chụp X-quang, làm điện tim hay thực hiện các yêu cầu y tế khác, chúng tôi đùa, gọi đó là "được đi chơi". Hoặc có đêm cả phòng tắt đèn đi ngủ, nằm trên giường mà chúng tôi vẫn có thể ngắm được trăng rất sáng bên ngoài - niềm vui của chúng tôi là những điều nhỏ nhặt và giản dị như thế.
Các y bác sĩ khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ che kín mít từ đầu đến chân nên chúng tôi hoàn toàn không được biết mặt họ mà chỉ có thể nghe giọng họ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với bác sĩ Đỗ Phương Mai, Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - người mang giọng nói của một "từ mẫu", vô cùng ấm áp và ân cần. Mặc dù chúng tôi chỉ nói chuyện trao đổi qua hệ thống loa nối từ phòng trực bác sĩ đến phòng bệnh, chị luôn kiên nhẫn giải thích mọi thắc mắc liên quan đến việc điều trị và tình hình sức khoẻ của bệnh nhân. Trước khi được gặp chị trực tiếp vào ngày tôi được công bố khỏi bệnh (17/4), tôi chỉ được nhìn thấy ảnh chị qua các bài viết trên báo mạng. Mong muốn được ôm chị để bày tỏ tình cảm và sự trân trọng của tôi đối với chị không thể thực hiện được trong bối cảnh dịch bệnh, tôi và chị đành trao nhau 1 cái ôm tượng trưng từ khoảng cách 1 mét. Tôi và chị cùng hẹn nhau khi hết dịch sẽ gặp lại nhau để trò chuyện tâm sự và để "hiện thực hóa" cái ôm của mình.
Hiện giờ, tôi vẫn đang trong thời gian cách ly theo dõi sau khi được công bố hết bệnh. Tôi vẫn duy trì các hoạt động hàng ngày như những tuần trước đó, không thay đổi.
Trong quá trình cách ly, hàng ngày chúng tôi vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh, bao gồm thông tin về các trường hợp tái nhiễm. Mặc dù các chuyên gia y tế đã khẳng định khả năng lây cho người khác của các ca bệnh này là rất thấp nhưng chúng tôi biết mọi người vẫn rất lo sợ. Bản thân chúng tôi cũng khá hồi hộp mỗi lần được thông báo kết quả xét nghiệm (trong quá trình cách ly, tất cả các bệnh nhân vẫn được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hàng tuần) vì nếu bị tái dương tính, đồng nghĩa thời gian chúng tôi ở trong viện sẽ tiếp tục bị kéo dài và chúng tôi sẽ phải tiếp tục đối đầu với các thử thách tâm lý ở các mức độ khác nhau.
Nhiễm Covid-19 là một điều không ai mong muốn. Tuy nhiên với tôi, đây có lẽ là 1 trải nghiệm đáng nhớ trong đời, giúp tôi càng trân quý những tình cảm lớn lao mà tôi nhận được từ gia đình và bạn bè, biết tìm vui từ những điều tưởng như vô cùng nhỏ bé và giản đơn, biết gạt bỏ những điều không quan trọng.
Điều tôi muốn nhắn nhủ với cộng đồng là không nên chủ quan trong việc phòng ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp bị nhiễm thì đó không phải là ngày tận thế. Đội ngũ y bác sĩ sẽ luôn ở bên bạn để chăm sóc bạn và giúp bạn vượt qua cơn bệnh. Để khách quan khi nhận xét, bình luận về các ca nhiễm, bạn hãy thử đặt địa vị nếu bạn hoặc người thân trong gia đình mình là người bệnh thì bạn sẽ cảm thấy thế nào. Tôi tin là bạn sẽ tìm được câu trả lời.
Bài: Ngọc Vân (ghi)
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng, NVCC