Nữ tiến sĩ đam mê giải mã gene người Việt

NỮ TIẾN SĨ ĐAM MÊ GIẢI MÃ GENE NGƯỜI VIỆT

Sau khi rời Mỹ về Việt Nam, TS Bùi Thanh Duyên luôn ấp ủ giấc mơ giải mã gene của người Việt để góp phần giúp cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Với nữ tiến sĩ này, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và chị sẽ tiếp tục với niềm đam mê cháy bỏng.

Quyết tâm xây dựng bản đồ gene cho người Việt

Xuất thân từ mảnh đất vùng cao Hà Giang, TS Bùi Thanh Duyên (35 tuổi) từng theo học ở hai trường đại học tại Hà Nội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Khoa học Tự nhiên. Năm 2010, Duyên là 1 trong 37 sinh viên xuất sắc nhận được học bổng trị giá 54.000 USD cho hai năm đầu học tiến sĩ tại Mỹ. Sau đó, Duyên tốt nghiệp tiến sĩ ngành di truyền học và sinh học phân tử tại Đại học Cornell (New York, Mỹ) và làm việc tại Trường Y - Đại học California, San Francisco (Mỹ). Chị từng là thành viên hội đồng lãnh đạo Hiệp hội Các Nghiên cứu sinh và học giả Quỹ Giáo dục Việt Nam.

Tại Mỹ, Bùi Thanh Duyên cùng các đồng sự nghiên cứu về cơ chế phân tử của quá trình nhân bản lại của DNA, một phần giải thích được nguyên nhân sâu xa vì sao đột biến gene hình thành, lý do cốt lõi vì sao ung thư xuất hiện. Nhiều người lầm tưởng di truyền học là lĩnh vực khô khan, nhưng với Duyên đây là "địa hạt" đầy thú vị, nơi chị được tỏa sáng và sống với chính đam mê, ước mơ của mình. "Việc theo đuổi ngành di truyền học và sinh học phân tử là một phần giúp giải thích được nguyên nhân sâu xa vì sao đột biến hình thành cũng như lý do cốt lõi khiến ung thư xuất hiện và di căn trong cơ thể người bệnh. Duyên luôn nuôi hy vọng có thể giúp nhiều người có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tốt hơn", Bùi Thanh Duyên chia sẻ.

Quyết định về Việt Nam là bước ngoặt đến với Bùi Thanh Duyên trong khoảng thời gian chị làm nghiên cứu tại Đại học California. Khi ấy, Duyên nhận thấy xung quanh có rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Và Duyên cũng muốn làm điều này trên mảnh đất quê hương Việt Nam của mình. Được thêm sự động viên của chồng - Tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Cornell Cao Anh Tuấn đang làm mảng dữ liệu lớn ở Google, Duyên quyết định cùng chồng về nước và thành lập công ty giải mã gene Genetica tại Việt Nam vào năm 2018, với quyết tâm xây dựng bản đồ gene cho người Việt.

Nữ tiến sĩ đam mê giải mã gene người Việt - Ảnh 1.

Sau khi rời Mỹ về Việt Nam, TS Bùi Thanh Duyên luôn ấp ủ giấc mơ giải mã gene của người Việt để góp phần giúp cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Say mê nghiên cứu khoa học

Hiện TS Bùi Thanh Duyên cùng các đồng nghiệp tại Genetica nghiên cứu về gene tự kỷ của các trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam; kết hợp cùng Đại học Y Harvard, Bệnh viện Trung ương Huế nghiên cứu về ảnh hưởng của dùng thuốc trong điều trị các bệnh về mỡ máu, bệnh tim...

Tôi rất thích những gì đang làm và thấy tác động của những việc mình làm tới từng mảnh đời trên đất nước. Ban đầu nhóm của tôi nghiên cứu tập trung vào bệnh ung thư, sau đó mở rộng hướng phân tích gene của trẻ em để có thể tư vấn dinh dưỡng hoặc giúp các gia đình phát hiện những điểm mạnh, yếu của con để chăm sóc hiệu quả nhất. Tôi hy vọng mình có thể cải thiện được dù chỉ là một vài điều trong cuộc sống là mình đã thấy vui cực kỳ”.

TS Bùi Thanh Duyên

TS Bùi Thanh Duyên cho biết, thị trường gene của Việt Nam tiềm năng hơn bản thân chị từng nghĩ. Ngoài ứng dụng di truyền trong bệnh học, chưa có nhiều đơn vị bắt tay triển khai dịch vụ xét nghiệm di truyền về tiềm năng trí tuệ, dinh dưỡng... cho người lớn, trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến chị tập trung vào phân tích gene của trẻ em Việt. Theo TS Duyên, phần lớn phụ huynh Việt Nam hiện nay đều xem trọng tương lai giáo dục của con cái. Giải mã gene sẽ giúp cha mẹ nuôi dạy con cái khoa học, thấu hiểu những tiềm năng và tố chất để cho trẻ phát triển theo đúng sở trường. Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ là một cá thể hoàn toàn khác biệt luôn ẩn chứa các tiềm năng.

Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả trong công việc, TS Bùi Thanh Duyên cho biết, hoàn toàn không có khó khăn nào liên quan đến công việc nghiên cứu. Bởi lẽ, với chị, một khi đã là đam mê thì không có bất cứ cảm nhận liên quan đến mệt mỏi, khó khăn. "Gần 10 năm miệt mài với di truyền học cũng không ít lần thất bại. Làm thí nghiệm khoa học "lúc được lúc hỏng", đôi khi phải bắt đầu lại từ con số không. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới mình lại được truyền cảm hứng", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Ngoài công việc, TS Bùi Thanh Duyên chia sẻ, chị cũng rất thích môi trường tự nhiên, thích vào rừng đi bộ, ngắm cây. Trong 10 năm trở lại đây, chị đã đi bộ trong nhiều cánh rừng nguyên sinh của nước Mỹ. Bây giờ, dù không có nhiều thời gian nhưng nếu có cơ hội, chị mong muốn sẽ đến rừng Trường Sơn. "Mình may mắn vì có mẹ là người hy sinh rất nhiều để cùng mình chăm lo cho tổ ấm của con gái. Mẹ hiểu là khi làm nghiên cứu, đôi khi người ta sống trong phòng thí nghiệm, chẳng muốn ra nên rất nhiều việc phải đến tay mẹ đỡ đần", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Thanh Lam