Sông Đà được mệnh danh là con sông lớn nhất khu vực Tây Bắc… và hung dữ nhất trong các hệ thống sông ngòi của Việt Nam. Ở thượng nguồn, con sông Đà hung bạo với nhiều thác và hút nước cuồn cuộn chảy qua những ghềnh đá nằm giữa hai bờ vách núi cao dựng đứng.
Càng dần xuống phía hạ lưu mạn Hòa Bình, Phú Thọ, sông Đà càng "thuần" hơn. Nắm bắt được quy luật của dòng nước, người dân nơi đây đã bắt con sông hung bạo trở thành một "trợ thủ" đắc lực hỗ trợ mình trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi.
Hàng năm, từ trung tuần tháng 9 đến tháng 11, nước sông Đà lên cao rồi cạn dần vào những tháng hè. Đây là thời điểm dòng nước "lành" nhất trong năm. Nắm bắt được quy luật này nên đây được xem là thời gian hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân diễn ra mạnh mẽ nhất.
Chỉ tay ra dòng sông Đà chảy qua khu vực cầu Đồng Quang (nối huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) và huyện Ba Vì (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Phích (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) nói rằng, hơn 30 năm sinh sống tại đây, ông đã từng chứng kiến nhiều lần con sông Đà xuống nước nhưng mực nước xuống thấp như hiện tại thì đây là lần đầu tiên.
Ông Phích kể mới cách đây có vài ngày, khi sông Đà rơi vào tình trạng cạn trơ đáy, nhiều người dân còn có thể đi lại giữa đôi bờ và lần tìm những cổ vật thất lạc dưới lòng sông. "Mấy ngày nay, trời thỉnh thoảng có mưa nên nhìn con sông còn có tý "sức sống" chứ như thời điểm đầu tháng thì thảm lắm", ông Phích chia sẻ.
Mặc dù mực nước đã được cải thiện hơn so với trước đó nhưng trong ngày 13/6, mực nước tại sông Đà đoạn chảy qua huyện Thanh Thủy vẫn ở mức thấp. Nước cạn khiến nhiều mố trụ cầu Đồng Quang nằm trơ trụi. Nhiều con thuyền của người dân do nước rút nhanh, không kịp di chuyển cũng mắc cạn hai bên bờ sông.
Lòng sông Đà, sau những "cơn mưa vàng", dù mực nước đã được cải thiện hơn phần nào so với trước đó nhưng hiện dòng chảy cũng rất nhỏ. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề đến nghề nuôi cá lồng thương phẩm. Tại huyện Thanh Thủy, nghề nuôi cá lồng tập trung nhiều nhất tại các xã như Đoan Hạ, Xuân Lộc, Bảo Yên.
Bên trong chiếc bè của gia đình, anh Hoàng Văn Cường (38 tuổi, trú tại xã Đoan Hạ) đang cùng một số người thân gia cố lại những mối nối của các lồng nuôi cá. Người đàn ông thỉnh thoảng lại đưa ánh mắt sang 3 chiếc lồng chứa những con cá còn sót lại để xem xét tình hình. "Cá nhà tôi chết gần hết. Thiệt hại hơn 2 tỷ. Mất hết rồi!", anh Cường chua chát.
Anh Cường có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá lồng. Bè của anh có tổng cộng 30 lồng cá. Thời điểm đầu năm, do dòng nước sông Đà có diễn biến thất thường nên anh Cường quyết định vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để thả 15 lồng cá gồm chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng và rô phi. Nếu việc diễn biến suôn sẻ, thời tiết ủng hộ, lứa cá trên, gia đình anh dự kiến thu về hơn 3 tỷ đồng.
Trước đó khoảng hơn 1 tuần, mực nước sông Đà bất ngờ xuống thấp vào thời điểm đêm tối và cạn trơ đáy khiến số lồng cá của gia đình anh Cường mắc cạn và chết dần. Đến thời điểm hiện tại, số lượng cá chết của gia đình anh Cường dự tính khoảng 3 - 4 tấn.
"10 năm làm nghề này, chưa bao giờ tôi thấy nước sông Đà cạn như thế. Hơn nữa, nước rút nhanh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Năm 2021, nước cũng cạn nhưng chưa đến mức thế này và nước rút từ từ nên chúng tôi còn xoay sở được bằng cách di chuyển lồng ra vị trí nước sâu hơn, sục oxy hay hút cát để tránh cạn", anh Cường chia sẻ.
Người đàn ông lắc đầu ngao ngán, anh bảo cay đắng hơn là số lượng cá chết vẫn còn nhỏ, chưa thể bán tháo để gỡ gạc đồng vốn. Sau khi cá chết, anh Cường phải gọi điện để cho người dân mang về làm phân bón. Số cá to hơn, anh hô hào hàng xóm mua ủng hộ. Theo anh Cường, cá lăng da trơn nên chỉ chết một thời gian ngắn là đã có mùi. Số cá diêu hồng và rô phi, chép giòn bà con trả bao nhiêu thì mình nhận. Quan trọng là họ hỗ trợ tiêu thụ hộ mình", anh Cường chia sẻ.
Thở dài ngao ngán, anh Cường nói rằng bản thân gắn bó với nghề nuôi cá lồng đến nay đã 10 năm nhưng chưa bao giờ anh thấy khó sống với cái nghề đã lựa chọn như thế. Trong 10 năm trở lại đây, có đến quá nửa số năm việc nuôi cá lồng gặp khó trước những diễn biến của thời tiết.
Chậm lại một chút như để nhớ về quãng thời gian đã trải qua, anh Cường tiếp lời: Mấy năm gần đây nhất, nghề nuôi cá lồng đều gặp biến cố. Năm 2018 nước lũ dâng, tôi gần như mất tất cả. Vực dậy được 2 năm lấy công làm lãi thì đến năm 2021 nước sông cạn, cá chết nhiều và giờ sang năm 2023 là thiệt hại nặng nhất khi tất cả vốn liếng đổ vào đều không thu được".
Tiếc của, người đàn ông U40 còn cho biết bản thân anh tiếc cả công sức bao tháng ngày cùng vợ chăm chút cho từng lồng cá. Mỗi vụ cá trôi qua, vợ chồng anh Cường phải thau rửa, sửa sang lại những chỗ lồng hở. Nước chỉ cần hơi xuống, vợ chồng anh cùng người thân phải hô hào nhau di chuyển lồng ra chỗ sâu hơn. Rồi thì dậy sớm mua thức ăn cho cá.
"15 lồng cá tôi bỏ ra 300 triệu tiền vốn nhưng tiền thức ăn phải gấp 5 - 6 lần. Hơn nữa, bao nhiêu ngày tháng chăm sóc không có công. Bây giờ, nước không lên khiến vợ chồng tôi không thể nuôi gối vụ tiếp được nữa", anh Cường tâm sự.
Khúc sông Đà đoạn chảy qua xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy), một người phụ nữ đang lúi húi vần những túi lòng gà hỏng mà bà phải thức dậy từ rất sớm đi khắp các chợ trong huyện để thu mua về làm đồ ăn cho cá. Mỗi túi 5kg lòng gà hỏng như trên, bà phải bỏ ra 50.000 đồng. Đây là số cá của gia đình bà còn sót lại sau khi quá nửa đã chết vì sông Đà cạn nước.
Gia đình bà đầu tư vào 9 lồng cá diêu hồng, cá lăng và chép giòn. Sau khi quá nửa số cá chết, số còn lại được gia đình bà chuyển đều qua các lồng khác để giảm mật độ. Việc này được bà lý giải sẽ giúp cá dễ hô hấp hơn. Chỉ tay về phía những lồng cá, người dân này cho biết việc cá chết do nước sông Đà cạn càng thêm đáng buồn khi giá cá từ đầu năm tăng mạnh.
"Nếu như năm trước, cá lăng bán cho thương lái chỉ có giá 100.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên 120.000 đồng. Các loại cá khác giá cũng tăng và sức tiêu thụ tốt. Gia đình tôi đang hy vọng về một vụ cá thắng lợi sau 2 năm thua lỗ trước đó thì xảy ra sự cố khiến cá chết hàng loạt. Với lượng cá chết như vừa rồi, với 9 lồng cá, gia đình tôi năm nay tính sơ cũng lỗ hơn 600 triệu đồng. Bây giờ tôi chỉ mong số cá còn lại phát triển, sinh trưởng khỏe mạnh cho đến lúc xuất bán", người dân chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Thư (Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ) cho biết, những ngày qua, chính quyền xã đã vận động người dân nhanh chóng tiêu thụ cá bởi sông Đà đang cạn nước và chưa biết tình hình có được cải thiện trong thời gian tới hay không.
Vị Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ cũng thông tin thêm, các hộ dân đã tiêu thụ được cơ bản nhưng vẫn có thiệt hại, có nhà mất 300 - 400 triệu đồng. Theo ông Thư, những năm gần đây, dòng chảy của sông Đà ngày càng thất thường, nhiều hộ dân cũng đã bỏ nghề nuôi cá lồng để tìm nghề khác kiếm sống.
"Trước đây, trên địa bàn xã có vài trăm lồng cá nhưng hiện tại chỉ có khoảng hơn 60 lồng của hơn 10 hộ dân. Hiện, chính quyền xã đã thống kê thiệt hại của người dân để báo cáo Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy", ông Thư cho biết.
Trong khi đó, ông Thiều Minh Thế (Giám đốc Hợp tác xã cá lồng Sông Đà) cho biết, với việc nước sông Đà cạn kỷ lục như hiện tại, nếu trong một tuần tiếp theo tình hình không cải thiện, hợp tác xã sẽ phải tính chuyện di chuyển tiếp toàn bộ gần 100 lồng cá.
Nắng vừa có dấu hiệu gay gắt hơn, một nhóm người dân đang ngụp lặn để tìm cách di chuyển những lồng cá nuôi ra khu vực sâu hơn phòng khi nước rút. Đây là số lượng cá cuối cùng họ giữ lại được để hy vọng cứu vớt một mùa cá "trắng tay".
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Duẩn