Nước mắt người phụ nữ hiếm muộn vì phá thai nhiều lần

10/10/2017 - 07:27
“Mỗi lần nghĩ đến chuyện con cái, nước mắt tôi cứ chực trào ra. Cũng tại mình, lúc trẻ mình quá nông nổi, để bây giờ phải trả giá”, chị Nguyễn Thị Hoan chia sẻ.
Gần trưa, hành lang tầng 4, nhà E của BV Phụ sản TƯ, càng nhiều phụ nữ tìm tới. Họ ngồi kín hành lang để chờ gặp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia. Hầu hết chị em gặp TS Nguyễn Viết Tiến để gửi hồ sơ xin làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bởi họ cho rằng, bác sĩ Tiến rất mát tay. “Bác sĩ Tiến bận lắm. Ngày làm ở Bộ Y tế, chỉ có buổi trưa và tối về phòng nên chúng tôi phải cố chờ. Nếu không, chúng tôi phải ở lại chờ đến hôm sau”, chị Nguyễn Thị Hoan (TP Việt Trì, Phú Thọ) cho hay.

Chị Hoan lập gia đình đã 8 năm nhưng chưa một lần được làm mẹ. Sau khi thăm khám, chị được tư vấn phải làm IVF. Tuy nhiên, cả 4 lần trước, chị đều thất bại bởi thành niêm mạc tử cung mỏng. Dù vậy, chị vẫn không bỏ cuộc.
a2.jpg
Vì phá thai nhiều lần, chị Hoan không thể mang thai tự nhiên, phải thụ tinh
trong ống nghiệm nhưng thất bại

Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ 2, chị Hoan quen và yêu 1 người cùng quê học khóa trên. Chuyện quan hệ tình dục khó tránh khỏi. Khi biết mình mang thai, chị rất lo lắng. “Tôi những tưởng được anh ấy động viên nhưng thay vào đó chỉ là những lời giục giã, cáu gắt. Thậm chí có lần anh còn đe dọa khi tôi không muốn đi phá thai. Chỉ đến khi cái thai được giải quyết, anh ấy mới thôi”, chị Hoan chia sẻ.

“Sau khi phá thai, anh ấy lại ngon ngọt và chuyện gì đến lại đến. Tôi phải vào bệnh viện nhiều lần nữa, đó là chưa kể những lần uống thuốc phá thai”, chị Hoan buồn rầu. Tốt nghiệp đại học, chị và người yêu chia tay. Chị lao vào công việc, miệt mài kiếm tiền. Chị khá xinh đẹp nên được nhiều người săn đón, rồi chị nhận lời yêu 1 đồng nghiệp cùng cơ quan. Năm 28 tuổi, chị quyết định lập gia đình. Chồng rất mực yêu thương, chăm sóc vợ. Thế nhưng, mong ước có con mãi vẫn chưa thành dù chị đã dùng nhiều loại thuốc bổ.
 
Sau khi bàn bạc, năm 2014, vợ chồng chị đến BV Phụ sản TƯ nhờ các bác sĩ tư vấn, làm các xét nghiệm và làm IVF. Ngày sau khi lấy trứng và thụ tinh, chị đến BV để chuyển phôi. Bác sĩ cho biết chị được 15 phôi, chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau chuyển phôi, chị thấy “vùng kín” chảy ra chất dịch. Sau 10 ngày, chị thấy ra máu đen. Bác sĩ bảo, IVF thất bại. Các lần tiếp theo đều như vậy. Lúc này, chị mới biết nguyên nhân khó thụ thai do thành niêm mạc tử cung quá mỏng, nên không nuôi dưỡng được phôi thai - ảnh hưởng của những lần phá thai trước đây. “Chỉ vì sự bồng bột của tuổi trẻ mà đến giờ, tôi đã phải trả giá đắt”, chị Hoan nghẹn ngào.

Nhiều hậu quả nặng nề

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, khi trẻ vị thành niên phá thai sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trước hết, việc mang thai và phá thai sẽ khiến các em bị ảnh hưởng đến việc học. Nhiều em học hành sa sút do lo nghĩ, thậm chí có em còn bỏ học.

Hơn nữa, ở lứa tuổi các em, cơ quan sinh dục chưa phát triển đầy đủ nên thường có biến chứng nhiều hơn. Những biến chứng có thể gặp trong nạo phá thai là băng huyết, thủng tử cung và nhiễm trùng kéo dài, có thể phải cắt bỏ tử cung... Trường hợp tuổi thai càng lớn thì tỉ lệ tai biến càng cao.
anh2.jpg
Nhiều chị em không cầm được nước mắt khi được chẩn đoán vô sinh


Thêm vào đó, các em thường lo sợ người lớn biết nên tìm đến những cơ sở tư nhân, thậm chí là cơ sở bất hợp pháp không có chức năng và không đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật một cách an toàn. Hậu quả là tỉ lệ tai biến cao, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong. Nhiều em do quá lo sợ nên sau khi nạo phá thai tại những nơi đó và bị biến chứng cũng không dám nói với người thân, cho đến khi quá nặng vào bệnh viện thì đã phải cắt bỏ tử cung.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc nạo hút thai có khả năng để lại di chứng, nhất là đối với các trường hợp đã qua nạo hút nhiều lần. Cụ thể, nếu nạo hút quá mức, lớp gốc ở màng trong tử cung bị tổn thương, mặt màng có thể dính vào nhau sẽ làm ảnh hưởng đến sự vận hành của tinh trùng và khiến trứng đã thụ thai khó cắm vào. Do đó, hậu quả thường thấy nhất là không thụ thai được, nếu có thai thì cũng dễ sẩy thai. Hiện Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, trong đó có không ít trường hợp bị biến chứng do phá thai không an toàn.
 
Phá thai nhiều lần còn dẫn đến sự thay đổi về kinh nguyệt do mức độ tổn thương của niêm mạc tử cung. Nếu tổn thương nghiêm trọng, mặt dính ở khoang tử cung rộng sẽ gây bế kinh lâu dài. Nếu cổ tử cung bị dính, máu hành kinh không ra ngoài được mà chảy ngược vào bụng sẽ gây ra bế kinh lâu dài và đau bụng có tính chất chu kỳ.

Khi phá thai, nhất là khi nạo, phải dùng đến kìm để lấy thai ra, nếu miệng cổ tử cung bị dụng cụ nới rộng làm rách, sau này sẽ rất khó thụ thai hoặc có nguy cơ đẻ non.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm