Phải làm gì khi bị ra nhiều mồ hôi?

Thùy Dung
29/08/2022 - 13:09
Nếu bạn luôn ra mồ hôi nhiều kể cả khi thời tiết không nóng bức hoặc không vận động nhiều, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khoẻ đang bị ảnh hưởng. Vậy cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì?

Tiết mồ hôi là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, khi bị đổ mồ hôi nhiều hơn người bình thường, khi không vận động hay nắng nóng có thể là dấu hiệu cảnh báo ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới cơ thể đổ mồ hôi. Vì vậy, cần chẩn đoán chính xác để có hướng khắc phục phù hợp. 

1. Tìm hiểu về tuyến mồ hôi ở người

Tuyến mồ hôi thường là ống dẫn nằm dưới của hạ bì. Tuyến mồ hôi dẫn truyền ở hầu hết các bộ phận trên cơ thể ngoại trừ núm vú và môi. Ra mồ hôi là một phản ứng sinh lý của cơ thể. 

Hiện tượng ra nhiều mồ hôi xảy ra khi những tế bào thần kinh của cơ thể bị tác động bởi một yếu tố tâm lý nào đó. Có hai loại tuyến mồ hôi khác nhau, cụ thể:

1.1. Tuyến mồ hôi Apocrine

Tuyến mồ hôi Apocrine (còn gọi là mồ hôi đầu hủy): xuất hiện chủ yếu ở các vùng nách, bộ phận sinh dục, hậu môn. Thành phần của tuyến mồ hôi này gồm: các axit béo, muối, protein và nước. 

Do các axit béo và protein dễ bị chuyển hóa nên loại mồ hôi xuất hiện ở các vùng kín này thường có mùi hôi và màu vàng.

1.2. Tuyến mồ hôi Eccrine 

Tuyến mồ hôi Eccrine (còn gọi là mồ hôi toàn vẹn): Tuyến mồ hôi này xuất hiện ở hầu hết các bộ phận của cơ thể người; thường gặp nhất là chân và tay.

Thành phần của tuyến mồ hôi này gồm: các chất khoáng và muối, nước.

Đồng thời, ở độ tuổi dậy thì tuyến mồ hôi Eccrine có sự liên kết với nội tiết cũng như sự phát triển của cơ thể nên hoạt động nhiều hơn. Đó chính là nguyên nhân mà trong độ tuổi vị thành niên thường bị ra mồ hôi nhiều hơn.

Cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì? Phải làm gì khi bị ra nhiều mồ hôi? - Ảnh 2.

Cơ thể con người có 2 tuyến mồ hôi - Ảnh: Internet

2. Cơ thể ra mồ hôi nhiều là bệnh gì?

Tiết mồ hôi là một hiện tượng sinh lý bình thường của con người. Tuy nhiên, khi mồ hôi ra nhiều hơn mà không có lý do thì có thể do một số bệnh lý.

2.1. Hạ đường huyết

Hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ được kích thích tăng bài tiết hormone adrenaline khi lượng đường trong máu thấp. Điều này sẽ, làm lượng mồ hôi tiết ra nhiều hơn trước, nhịp tim cũng nhanh hơn.

2.2. Nhiễm trùng

Loại nhiễm trùng thường gặp nhất gây đổ nhiều mồ hôi chính là nhiễm trùng lao. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: ớn lạnh, sốt cao, ho dai dẳng kéo dài, sụt cân nhanh và tiết mồ hôi nhiều. Mồ hôi của bệnh nhân sẽ ra nhiều vào chiều tối và nửa đêm.

Ngoài ra, những người bị viêm van tim, nội tâm mạc, viêm xương cũng thường xuyên bị ra nhiều mồ hôi. 

Cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì? Phải làm gì khi bị ra nhiều mồ hôi? - Ảnh 3.

Đổ mồ hôi có thể do bệnh lý gây ra - Ảnh: Internet

2.3. Bệnh tuyến giáp

Các hormon tuyến giáp kích thích hoạt động của các tuyến mồ hôi. Ở những bệnh nhân bị bệnh cường giáp, quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn người bình thường. Nhịp tim của họ thay đổi bất thường, sụt cân nhanh, hay hồi hộp, lo âu, mất ngủ, mắt lồi ra và cơ thể tiết nhiều mồ hôi. 

2.4. Tiểu đường

Ở người bị tiểu đường, họ bị rối loạn chuyển hóa đường huyết. Hiện tượng này sẽ biến chứng lên hệ thần kinh, hệ quả là hệ thần kinh giao cảm hoạt động không đúng cách, làm tuyến mồ hôi bị rối loạn hoạt động bài tiết. 

2.5. Ung thư

Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi về ban đêm, có thể bạn đang mắc bệnh U lympho không Hodgkin.

U lympho không Hodgkin là một nhóm bệnh lý gây tăng sinh ác tính của một dòng tế bào lympho trong hệ liên võng nội mô (hạch lympho, tủy xương, lách, gan, ống tiêu hóa…).

Cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì? Phải làm gì khi bị ra nhiều mồ hôi? - Ảnh 3.

Đổ mồ hôi nhiều có thể do nhiều loại bệnh gây ra - Ảnh: Internet

Đây là nhóm bệnh không đồng nhất. Có đến hơn 30 nghìn bệnh nhân nữ bị U lympho không Hodgkin có những triệu chứng sụt cân, đau ngực, hạch bạch huyết bị sưng và đổ mồ hôi nhiều, nhất là vào ban đêm.

2.6. Rối loạn thần kinh thực vật

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có tính di truyền. Người bệnh thường tiết ra nhiều mồ hôi thường ở đầu, mặt, 2 tay, 2 chân, 2 bên nách. Đặc biệt, khi bệnh nhân căng thẳng thì mồ hôi sẽ càng được tiết ra nhiều hơn.

2.7. Rối loạn nội tiết

Rối loạn nội tiết không chỉ có ở nữ, nó còn xuất hiện ở cả những bệnh nhân nam. Khi các hormone testosterone và estrogen ở cả hai giới bị thiếu hụt sẽ dẫn đến việc truyền thông tin đến não bị sai lệch. Não bộ sẽ điều chỉnh tăng tiết mồ hôi  giải nhiệt vì cho rằng cơ thể bạn đang bị nóng.

2.8. Những nguyên nhân khác

Ngoài những lý do bệnh lý trên, đổ mồ hôi nhiều còn có nhiều nguyên nhân khác như:

- Khi tâm lý bị tác động như: căng thẳng, xúc động mạnh.

- Phụ nữ đang mang thai hoặc ở độ tuổi mãn kinh

- Do uống nhiều rượu.

- Cơ thể bị thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ.

- Người ăn quá nhiều đồ nóng hoặc cay.

3. Các biện pháp hạn chế ra nhiều mồ hôi

Để hạn chế việc ra nhiều mồ hôi, phải tìm hiểu và xác định được nguyên nhân gây bệnh, sau đó mới tìm cách để khắc phục chế tình trạng cơ thể ra nhiều mồ hôi.

Đối với các bệnh lý, các bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra, chẩn đoán chính xác bệnh lý. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Bên cạnh đó, để làm giảm tình trạng đổ mồ hôi nhiều, các bạn lưu ý một số vấn đề như:

- Vệ sinh cá nhân: Tắm gội đều đặn mỗi ngày để đảm bảo cơ thể luôn sạch sẽ.

Cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì? Phải làm gì khi bị ra nhiều mồ hôi? - Ảnh 4.

Cần có thói quen tắm rửa hàng ngày để hạn chế việc tiết mồ hôi nhiều - Ảnh: Internet

- Chú ý ăn uống: Uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin (nhất là vitamin C) và chất xơ, bằng cách ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây.

Hạn chế sử dụng những thực phẩm quá cay, quá nóng và chứa hàm lượng caffein lớn. Kiêng uống các loại cà phê, nước ngọt có ga, tránh ăn sô cô la và các chế phẩm từ ca cao.

- Tránh căng thẳng: Luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, tránh những suy nghĩ tiêu cực, để cơ thể phải lo lắng và áp lực.  Nếu bị căng thẳng lo âu, hãy hít thở sâu, thở chậm để bình tâm lại.

- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya, ngủ đủ giấc, đảm bảo thời gian ngủ trong khoảng 7 đến 8 giờ mỗi ngày.

Nên dùng các sản phẩm khử mùi ở vùng bị ra nhiều mồ hôi (nách, bẹn) như lăn, xịt, đá khoáng khử mùi. Ngoài ra, phèn chua hoặc một số loại thảo dược (bạch thược, sơn thù) cũng có tác dụng ngăn cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi,.

Trên đây là những giải đáp thắc mắc cơ thể ra nhiều mồ hôi là bệnh gì. Khi thấy cơ thể ra nhiều mồ hôi một cách bất thường, các bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng khắc phục tình trạng này một cách phù hợp. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm