Phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết

27/08/2017 - 16:27
Sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng nhưng nhiều người mắc bệnh lại nghĩ mình bị sốt siêu vi nên không đi khám và điều trị sớm, dễ nguy hiểm đến tính mạng. Vậy SXH và sốt do virus khác nhau như thế nào?
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, SXH và sốt siêu vi có dấu hiệu ban đầu khá giống nhau nên dễ khiến người bệnh nhầm lẫn, từ đó dẫn đến điều trị sai, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy cùng có triệu chứng sốt, cơ thể mệt mỏi nhưng 2 dạng sốt này lại hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, sốt siêu vi là sốt do virus gây nên, thường không nguy hiểm, sẽ hết từ sau 3 đến 7 ngày. Biểu hiện là sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ cao, từ 380C -390C thậm chí có lúc 400C-410C.
anh-sxh.jpg
Thăm khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết

Khi bị sốt do virus, đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau mỏi, nhất là ở các cơ. Nếu là ở trẻ nhỏ sẽ có hiện tượng trẻ quấy khóc; chảy mũi, hắt hơi, viêm long đường hô hấp, họng đỏ. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt… 

Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa có thể xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Có thể nôn ói sau khi ăn.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị sốt siêu vi nên biện pháp hỗ trợ điều trị chủ yếu là tập trung hạ sốt; uống nhiều nước để bù mất nước, có thể là nước lọc, nước trái cây, nước oresol hoặc hydrit. Đồ ăn cần loãng, bổ dưỡng, dễ tiêu.

Còn SXH nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sốc, trụy mạch, gây nguy hiểm đến tính mạng. SXH là bệnh do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh có 2 thể (sốt dengue và sốt xuất huyết dengue).

Sốt cao 39-400C liên tục kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt. Khi sốt có cảm giác ớn lạnh. Khi SXH người bệnh cũng bị đau nhức đầu, chủ yếu ở 2 bên thái dương và sau gáy; đau nhức 2 bên hốc mắt. Người bệnh cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng.

Về tiêu hóa, người mắc SXH có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy. Bằng mắt thường có thể nhận thấy xuất huyết dưới da phía trong cánh tay, đùi. Có thể bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ói ra máu, đi cầu phân đen do xuất huyết tiêu hóa.

Khi người bệnh sốt cao trên 38,50C, cần dùng thuốc hạ sốt. Nên dùng thuốc paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Không được dùng thuốc hạ nhiệt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết.

Ngoài ra, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho bệnh nhân. Cho người bệnh uống đủ nước, ăn đồ ăn lỏng, nấu chín mềm, chia nhiều bữa nhỏ. Người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn.

Hiện SXH chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Cách phòng bệnh nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể, người dân cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng; thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

Bên cạnh đó, cần thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm