pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phân luồng cứng và bức xúc của phụ huynh trong hướng nghiệp
Nhiều học sinh chọn nghề theo đám đông, theo ý bố mẹ… Ảnh minh họa
Phân luồng cứng, hướng nghiệp hình thức
Trên thực tế, hoạt động hướng nghiệp ở nhiều nhà trường chỉ mang tính hình thức và gói lại bằng việc cơ quan quản lý ép mục tiêu phân luồng cho trường. Trường ép giáo viên phải "phân luồng", thậm chí giao nhiệm vụ mỗi giáo viên chủ nhiệm phải "vận động" được mấy học sinh chuyển sang học nghề. Đó là lý do chính dẫn tới việc nhiều giáo viên áp dụng vội vàng các hình thức dồn ép phụ huynh, học sinh trong diện có học lực trung bình trở xuống không thi vào lớp 10 các trường công lập.
Với việc "phân luồng, hướng nghiệp", nhiều địa phương còn áp dụng chính sách cứng, đưa vào nghị quyết của tỉnh. Điển hình là Vĩnh Phúc từng đưa mục tiêu phân luồng, ít nhất 30-40% học sinh THCS và THPT học nghề sau lớp 9 và lớp 12. Căn cứ để phân luồng cứng này là điểm học lực của học sinh ở bậc THCS và THPT. Việc phân luồng cứng này làm mất đi cơ hội lựa chọn con đường học lên THPT (với học sinh lớp 9) và thi vào các trường ĐH, CĐ (với học sinh lớp 12).
Cách "phân luồng cứng" bằng việc áp tỷ lệ phân luồng này, theo các chuyên gia là không hiệu quả. Trên thực tế, những nơi có chất lượng giáo dục phổ thông xếp hạng cao, theo con số báo cáo thường niên về tỷ lệ tốt nghiệp THPT, kết quả thi học sinh giỏi, các hoạt động bề nổi về giáo dục thì việc phân luồng, hướng nghiệp không làm được.
Vì mù mờ với thông tin về các lĩnh vực nghề nghiệp nên khi lựa chọn ngành/nghề để đăng ký thi đại học, đa số học sinh THPT lúng túng không biết chọn nghề nào cho đúng. Nhiều học sinh chọn theo đám đông, theo ý bố mẹ về những ngành "hot", trong khi khái niệm ngành "hot" không chuẩn xác.
"Phân luồng cứng làm mất đi cơ hội học tập, sự công bằng đối với người học"- TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) bày tỏ quan điểm. Ông Vinh cũng cho rằng Mỹ cũng đang điều chỉnh việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở lứa tuổi 15.
Chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng
"Làm chậm hơn nhưng bài bản, thực chất nhằm cung cấp cho học sinh và cả phụ huynh thông tin thiết thực, giúp học sinh tiếp cận với các lĩnh vực nghề nghiệp qua nhiều hoạt động trải nghiệm là cách "phân luồng mềm" nhưng hiệu quả", ông Hoàng Ngọc Vinh nói.
TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ ông từng hỗ trợ một số trường khu vực miền núi phía Bắc trong công tác hướng nghiệp và thấy những bất cập nổi cộm: Thiếu giáo viên hướng nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hầu hết giáo viên được giao nhiệm vụ là kiêm nhiệm, chưa có định danh cho vị trí giáo viên phụ trách hướng nghiệp vì thế, giáo viên hướng nghiệp của các nhà trường đều là diện kiêm nhiệm, không qua đào tạo bài bản.
Các chương trình, tài liệu hướng nghiệp cũng lạc hậu, cách thức tổ chức các hoạt động hướng nghiệp còn chưa hiệu quả. Đó là những điểm hạn chế khiến cho hướng nghiệp ở trường phổ thông không thiết thực.
"Việc lựa chọn nghề nghiệp, hướng đi trong tương lai không xuất phát từ nhu cầu, sự hiểu biết của cá nhân người học nên phân luồng khó đạt được mục tiêu là đương nhiên", ông Đông Phương chia sẻ và cho rằng, cách thay đổi diện mạo của việc phân luồng, hướng nghiệp cần bắt đầu từ cách làm thực chất hơn trong các nhà trường phổ thông.
Hiện rất ít địa phương có gắn kết với các trường nghề, doanh nghiệp để cập nhật thông tin "đầu ra" cho phân luồng, thiếu sự truyền thông về cơ hội, tương lai của việc học nghề thông qua các sự kiện, thành quả, con người cụ thể để người học tiếp cận. Việc cập nhật thông tin về cơ cấu ngành nghề, cơ hội việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia cũng không được các trường phổ thông, giáo viên hướng nghiệp tiếp cận. Đây là những vấn đề theo các chuyên gia cần phải thay đổi và đưa vào nội dung nhiệm vụ tiếp theo trong việc thực hiện đề án phân luồng, hướng nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm học tới, chương trình mới ở lớp 10 sẽ triển khai theo hướng phân hoá mạnh, định hướng nghề nghiệp. Học sinh sẽ được lựa chọn các môn học cần thiết cho nghề nghiệp tương lai trong nhóm môn học tự chọn. Để việc này làm được thì cần có người tư vấn, cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm hợp lý, chất lượng từ bậc THCS. Tuy nhiên, nói về điều này, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại cho biết còn nhiều vướng mắc cho việc mở ngành đào tạo mà giải pháp trước mắt chỉ có thể là bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm.
Lặp lại lối mòn?
"Nâng cao chất lượng hướng nghiệp và phân luồng sau THCS, THPT cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. Nhưng thay vì bàn giải pháp, Bộ GD-ĐT lại chỉ đề ra các mục tiêu mới để tiếp tục thực hiện đề án của Chính phủ. Điều đáng nói là những mục tiêu mới này nghiêng về con số mà không tính toán để nâng chất lượng, thay đổi để thực hiện thực chất hơn. Những mốc quan trọng, cụ thể là tỷ lệ học sinh học nghề sau THCS, THPT đã đặt ra trước đây không thực hiện được nay lại đưa ra mục tiêu mới cao hơn nên thực sự là một áp lực rất lớn cho các địa phương và nhà trường. Trong khi đó, lẽ ra Bộ GD-ĐT cần phối hợp tốt với các địa phương, ban ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn của các nhà trường đang vướng phải hiện nay trong công tác phân luồng, hướng nghiệp.
Với việc áp mục tiêu xa rời thực tế, câu chuyện phân luồng, hướng nghiệp sẽ tiếp tục dừng ở con số báo cáo thiếu thực chất và khó có thể chuyển sang "phân luồng mềm", thay đổi từ nhận thức, tâm lý của phụ huynh và học sinh.