Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế

PVH
28/05/2024 - 16:18
Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phát biểu

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND thành phố Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: Việc phân cấp, phân quyền giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô.

Trong đó, phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định; giao UBND Thành phố quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

Đồng thời giao HĐND Thành phố quy định cụ thể tiêu chí thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp Thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung số lượng do Chính phủ quy định (khoản 4 Điều 9).

Đặc biệt, cho phép HĐND thành phố Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và Thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc (Điều 9 và Điều 35).

Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội chủ động tổ chức bộ máy, biên chế- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Chí Cường, đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, thảo luận

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Chí Cường, đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, đồng tình với việc phân quyền cho thành phố Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, bởi Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng của đất nước, khối lương công việc về quản lý, đầu tư là rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao.

Theo đại biểu, dự thảo Luật đã có sự tiếp thu, chỉnh lý tương đối phù hợp, đưa ra các nguyên tắc, điều kiện để thành lập, tổ chức lại các cơ quan theo yêu cầu quản lý của từng giai đoạn. Như vậy, vừa đảm bảo cho thành phố chủ động sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp, vừa khống chế, không phát sinh việc thành lập quá nhiều cơ quan, đơn vị.

Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cho rằng: Điểm D khoản 9, Điều 4 dự thảo Luật, quy định quyền hạn của HĐND thành phố về biên chế chưa thể hiện được sự phân cấp trong quản lý biên chế. Do đó, Quốc hội nên đẩy mạnh việc phân cấp, quản lý biên chế, giao cho Hà Nội quyền quyết định về biên chế, cán bộ công chức, viên chức; đồng thời vẫn có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm