Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc gỡ khó cho giáo dục

Hải Yến
27/11/2023 - 18:47
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc gỡ khó cho giáo dục

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Những khó khăn về việc bố trí trường lớp, nhất là ở những khu đô thị lõi, đô thị mới đông dân cư, sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành… vẫn chưa được đề cập cụ thể trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ngày 27/11, góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục của Thủ đô.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình - cho rằng, dự thảo luật chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí trường, lớp, bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết trong quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Trong lĩnh vực giáo dục, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định chung "đầu tư, xây dựng hệ thống trường công lập… phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô" mà không lượng hóa các yêu cầu về chỉ tiêu, tỷ lệ đáp ứng học sinh học tập trong hệ thống trường công lập là bao nhiêu phần trăm để góp phần giải quyết nhiều vấn đề bất cập, bức xúc tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc gỡ khó cho giáo dục- Ảnh 1.

Trước đó, đầu tháng 7/2023, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập và nhận định "Hà Nội là điển hình".

Theo ông, Hà Nội có 2,3 triệu học sinh đông nhất cả nước, chiếm khoảng 1/10 của cả nước.

"Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp", ông Dũng nói.

Thêm nữa, ông Dũng chỉ rõ quá trình quản lý vừa qua có "những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội". Cụ thể, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các quy hoạch, cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm.

Cần cơ chế để nhân tài cống hiến cho Thủ đô và đất nước tốt hơn

Phát biểu tại hội trường, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh - đề nghị, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cụ thể về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài. Dự thảo luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài vẫn còn chung chung, không định hình được tiêu chí áp dụng trong thực tiễn; chưa quy định rõ về cách thức tổ chức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho nhân tài; chính sách đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi được vào làm việc các cơ quan của nhà nước. "Cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho thủ đô và đất nước tốt hơn" – đại biểu nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc gỡ khó cho giáo dục- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự thống nhất với quy định về vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, ông nêu vấn đề: "Đào tạo cho đã đời, đi học xong ở nước ngoài luôn, hoặc có về thì không phục vụ cho cơ quan nhà nước mà lại phục vụ cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi ngân sách thành phố bỏ tiền ra để đào tạo cho họ", ông Hòa nói và đề nghị phải có quy định rõ, ràng buộc nghĩa vụ đối với người được thụ hưởng chính sách.

Từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho hay: "Với tình yêu Hà Nội, thủ đô mến yêu, tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống người Hà Nội, đặc biệt là các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm