Phát huy vai trò của phụ nữ trong sản xuất, sử dụng thực phẩm an toàn

16/07/2018 - 13:33
Hơn 4 năm qua, người dân xã Trác Văn, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đã quen với hình ảnh những người phụ nữ ngày ngày chăm sóc cho những luống rau tại tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ. Đây chính là mô hình được Hội LHPN huyện Duy Tiên triển khai xuất phát từ nhu cầu rất lớn về rau sạch của người dân trên địa bàn cũng như các vùng lân cận.
Với 21 thành viên, mô hình lúc đầu triển khai gặp không ít khó khăn bởi khái niệm về rau hữu cơ còn rất lạ lẫm chưa nói đến chuyện sản xuất. Hội Phụ nữ xã Trác Văn đã phải kiên trì vận động, giải thích cho từng hội viên những lợi ích của việc trồng rau hữu cơ như: Không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất, bảo đảm sức khỏe của chính người trồng và cả người tiêu dùng, môi trường sống cũng không bị ô nhiễm.
 
thu-hoach-ca-chua-1.jpg
Hội viên phụ nữ xã Trác Văn thu hoạch cà chua

 

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng đã mời giảng viên Trường cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật sơ chế và đóng gói sản phẩm, trực tiếp hỗ trợ nông dân khi tham gia sản xuất theo quy trình mới. Đến nay, thương hiệu rau Trác Văn đã trở thành lựa chọn tin cậy của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam và xuất hiện trên nhiều kệ hàng của các chuỗi phân phối thực phẩm sạch, an toàn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
 
Chị Đinh Thị Thắm, nhà ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, ngày nào chị cũng ra cửa hàng để mua rau Trác Văn. Các sản phẩm rau rất tươi ngon, phong phú lại tuyệt đối an toàn nên chị hoàn toàn yên tâm và lựa chọn sử dụng lâu dài. Nhiều gia đình có con nhỏ như nhà chị Thắm cũng có lựa chọn tương tự. Thậm chí, họ còn mua rau để gửi đi Hà Nội cho người thân.
 
Cùng với mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hội LHPN huyện Duy Tiên triển khai trên địa bàn xã Trác Văn, rất nhiều những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn đã được các cấp Hội Phụ nữ triển khai trên cả nước. Phải kể đến Hội LHPN xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên với mô hình “Vườn an sinh”. Ngay trên diện tích 600m2 trong khuôn viên UBND xã, từ tháng 01/2017, các loại rau, hoa, quả sạch đã được hội viên, phụ nữ trong xã trồng với tiêu chí không dùng thuốc bảo vệ thực vật, những loại thuốc phòng trừ sâu bệnh đều được các chị tự chế với nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên. Mô hình không chỉ tạo cảnh quan xanh – sạch - đẹp nơi công sở, sản xuất và cung cấp các sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho người dân mà còn gây được quỹ giúp đỡ các địa chỉ an sinh xã hội, các hoàn cảnh khó khăn của hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
 
Ngoài ra, Hội LHPN huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nổi bật với mô hình 3 không: “Không sản xuất rau không an toàn; không kinh doanh thực phẩm có chất phụ gia; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn”; Hội LHPN huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với 150 chi hội phụ nữ trồng rau sạch… Đó đều là những mô hình tiêu biểu của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2018.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước đã phối hợp và triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như: Phát động cuộc vận động “Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, tổ chức ký cam kết và xây dựng mô hình phụ nữ thực hiện “ba không” trong vấn đề bảo đảm ATVSTP, phổ biến kiến thức cho phụ nữ về sử dụng, bảo quản thực phẩm...
 
Đáng chú ý, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được thực hiện trong cả nước đã đưa nội hàm tiêu chí “3 sạch” gắn với việc cam kết thực hiện VSATTP trong từng hộ gia đình, trong đó, lấy phụ nữ là trung tâm; quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ nhất là hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa cách lựa chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn tiếp cận được các nguồn thông tin đáng tin cậy để nâng cao nhận thức, áp dụng vào sản xuất, chế biến thực phẩm.
ca-chua-1a.jpg
Ảnh minh họa

 

 
Tuy nhiên, trong khi thực phẩm bẩn vẫn là mối lo ngại của xã hội hiện nay thì thế nào là thực phẩm bẩn, thực phẩm an toàn vẫn còn khá mơ hồ với nhiều hội viên, phụ nữ. Chính vì vậy, với chủ đề năm 2018 được lựa chọn là “Phụ nữ thực hiện ATTP”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, các cấp Hội đã và đang vận động hội viên, phụ nữ phát huy các phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thông tin, giám sát, phát hiện, lên án các hành vi vi phạm nhằm đẩy lùi việc sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm không an toàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm