Phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn văn hóa

An Khê - Ảnh: Lê Tùng Mậu
08/03/2024 - 19:27
Phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn văn hóa

Chị Liêng Hót Thái Hoà, người dân tộc Cil (Đà Lạt)

Là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung (Đà Lạt, Lâm Đồng), chị Liêng Hót Thái Hoà (SN 1977, dân tộc K'Ho Chil (Cil) đã và đang nỗ lực giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế trên nền tảng du lịch - bảo tồn văn hóa.

Đi ngược với số đông

Xã Tà Nung là một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Đà Lạt có 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây nguyên sinh sống.

Chị Thái Hòa cho biết, tại xã Tà Nung, kinh tế của bà con dân tộc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng cây cà phê và một số cây trồng hàng năm khác như bắp, đậu, khoai,… Tuy nhiên lối canh tác truyền thống và những sản phẩm lâu đời đã không còn đáp ứng được đời sống của bà con hiện nay.

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 1.

Chị Liêng Hót Thái Hòa (trái) luôn có sự đồng hành và ủng hộ của ông xã

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương bắt đầu thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ theo hướng du lịch văn hóa vùng miền. Nhưng để làm được kinh tế từ bản sắc văn hóa thì cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa trước, và để làm được điều đó, bà con cần có một nơi để bắt đầu.

"Cũng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư các điểm tham quan du lịch văn hóa theo định hướng phát triển của địa phương và thành phố nhưng nhiều di sản gốc đã bị mai một nên ít nhiều cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy, tôi luôn trăn trở làm sao để có thể khôi phục, bảo tồn văn hóa ấy cả về giá trị di vật thể lẫn phi vật thể" - chị Thái Hòa cho biết.

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 2.

Có những bộ chiêng chị Thái Hòa phải mua lại tới vài chục triệu đồng

Từ năm 2018 chị bắt đầu nghĩ đến việc lưu trữ, bảo tồn văn hóa bản địa. Lúc đó, có trong tay 1 tỷ đồng, chị đi vay ngân hàng một khoản tiền lớn để xây dựng nhà sàn Tây Nguyên. Chị quyết định "hy sinh" 6 nghìn mét vuông đất trồng cà phê của mình để làm nhà sàn và du lịch sinh thái.

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 3.

Nhiều món đồ vợ chồng chị phải đi khá xa để mua về

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 4.

Làng K'Ho Cil đã tái hiện một cách chân thực nhất không gian sống, các hoạt động lao động sản xuất, phong tục tập quán lâu đời của người K'Ho

Rất may, chị có ông xã luôn đồng hành và cùng chí hướng, anh chị đã tìm đến các nghệ nhân để tìm hiểu thêm âm nhạc và ẩm thực của bà con dân tộc K'Ho ở xã Tà Nung. Để sưu tập và bảo tồn văn hóa dân gian và các giá trị vật thể như cồng chiêng, đàn T'rưng, trang phục thổ cẩm, chị và ông xã đã đi khắp nơi tìm về, cho chúng một "ngôi nhà chung" mang tên "Làng K'Ho Cil" để lưu giữ, giới thiệu với khách du lịch.

Chính vì thế, Làng K'Ho Cil đã tái hiện một cách chân thực nhất không gian sống, các hoạt động lao động sản xuất, phong tục tập quán lâu đời của người K'Ho.

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 5.

Không gian là ngôi nhà sàn được phục dựng theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống của người K'Ho

Điểm nhấn lớn nhất của toàn không gian là ngôi nhà sàn được phục dựng theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống của người K'Ho. Bên trong ngôi nhà được trưng bày, lưu trữ khá nhiều các dụng cụ truyền thống trong các hoạt động lao động sản xuất, các dụng cụ trong sinh hoạt như xà gạc, gùi, gậy chọc lỗ, bầu đựng nước, nơm bắt cá…

Ngoài ra, còn có những loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng, tù và cũng hiện hữu trong không gian ngôi nhà. Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, các loại chum, ché cổ cũng được sưu tầm và trưng bày. Đến nay, "gia tài" của chị lên tới vài chục món đồ quý và giá trị.

Muốn giúp bà con phát triển thì mình phải mạnh về kinh tế

Đó là quan điểm của chị Hòa, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị rất mong muốn giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương và phát triển nguồn kinh tế sản xuất nông nghiệp bền vững cho người đồng bào K'Ho Cil. Từ đó, giúp đỡ các hộ nông dân cùng bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Làm kinh tế trên nền văn hóa dân tộc- Ảnh 6.

Cơ sở du lịch của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động là đồng bào dân tộc

Cơ sở du lịch của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động là đồng bào dân tộc với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng. Chị cho biết, trong thời gian tới cơ sở mong muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm nhằm giữ và bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, chị cũng rất mong muốn tìm đầu ra ổn định và giới thiệu các ngành nghề truyền thống của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài tỉnh, vươn xa hơn đến với bạn bè khách quốc tế.

Chị xác định con đường này còn lâu dài, nên chị khát khao vươn tới mục tiêu biến nông nghiệp, du lịch sinh thái - du lịch văn hóa thành nguồn thu nhập chính cho bà con. Mặc dù gian nan, đôi lúc mệt mỏi và áp lực nhưng chị chưa bao giờ chùn bước.

Hiện tại, chị đang nỗ lực để khu sinh thái đi vào quỹ đạo, tạo việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, cũng là tạo thói quen làm kinh tế từ văn hóa bản sắc của chính dân tộc mình. Đồng thời cũng tạo cho phụ nữ dân tộc thiểu số hiểu thêm về quyền năng được phấn đấu vươn lên làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm