Phía sau những “vở kịch” nhận con nuôi ở Philippines

Kim Ngọc (Tổng hợp)
12/04/2020 - 07:02
Phía sau những “vở kịch” nhận con nuôi ở Philippines

Người mẹ và đứa con hai tháng tuổi mà cô muốn bán với giá 200 USD. Ảnh: theaseanpost

Đằng sau việc nhận con nuôi là cả một thị trường buôn bán trẻ sơ sinh ngầm vốn đã xuất hiện trong nhiều thập niên ở Philippines.

Quy mô của thị trường mua bán trẻ sơ sinh rất khó xác định. Tuy nhiên, các giao dịch thường được ngụy trang bằng việc "nhận con nuôi" để tránh chú ý từ dư luận và báo chí truyền thông. Theo đó, cụm từ "nhận con nuôi" thường được sử dụng rộng rãi trong thị trường đen này, nơi trẻ sơ sinh được bán bởi chính mẹ ruột, người thân và người môi giới.

Các giao dịch được thực hiện ẩn giấu và gần như là trao đổi buôn bán bằng miệng nhằm tránh để lại bằng chứng gây bất lợi cho cả hai bên. Trong những năm gần đây, giao dịch mua bán trẻ em đã được trực tuyến hóa, có thể dễ dàng tìm thấy qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Google.

Buôn người núp bóng nhận con nuôi?

Trong những khu ổ chuột ở Philippines, khi phụ nữ mang thai ngoài ý muốn và không có đủ tiền để phá thai an toàn, giải pháp mà họ chọn là tìm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ và nhận một khoản tiền hỗ trợ. 

Theo đó, thai phụ chỉ cần tìm gặp người môi giới, người này sẽ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu cần mua trẻ. Người mẹ sẽ được hỗ trợ tài chính cho các chi phí thăm khám trước khi sinh. Đứa trẻ sinh ra sẽ được trao cho người môi giới và chuyển cho khách hàng. Người môi giới sau đó sẽ được nhận tiền hoa hồng.

Thường thì trẻ được bán cho các gia đình ngoại quốc với giá tương đối thấp, khoảng từ 100 đến 200 USD. Nếu trẻ có ngoại hình dễ nhìn hay đa chủng tộc thì giá có thể lên đến 1.000 USD. Những đứa trẻ sau khi được cho đi làm con nuôi gần như bặt vô âm tín. Cho dù trẻ được chăm sóc tốt hay bị lạm dụng, bạo hành hoặc thậm chí còn sống hay chết cũng không còn là mối quan tâm của người mẹ ruột hoặc người môi giới. Với một số ít trường hợp may mắn, trẻ được sống trong gia đình có điều kiện, nhận được tình thương yêu từ bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, phần lớn trẻ được nhận nuôi bởi các mục đích bóc lột khác nhau như buộc phải đi ăn xin, làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ và nhà máy, thậm chí phục vụ trong các ổ mại dâm.

Phía sau những “vở kịch” nhận con nuôi ở Philippines - Ảnh 1.

Những vụ việc được đưa ra ánh sáng

Năm ngoái, Jennifer Erin Talbot, một người quốc tịch Mỹ, đã bị bắt tại sân bay quốc tế Manila (Philippines) khi đang cố gắng đưa một em bé sáu ngày tuổi ra khỏi Philippines. Cậu bé được mẹ ruột bán tại thành phố Davao. Mẹ ruột của cậu bé cũng khai với cảnh sát rằng bà muốn Talbot nhận nuôi đứa bé.  

Thời gian qua đã có một số trường hợp các cặp vợ chồng từ Philippines và các nước Đông Nam Á khác bị bắt giữ khi đang cố bán con.

Mạng xã hội – cầu nối mới cho kẻ mua người bán

Hiện tại, mạng xã hội được coi là một môi trường mới cho những kẻ mua bán trẻ em. Với mạng xã hội, trẻ sơ sinh được mua bán thông qua các tài khoản giả ẩn danh. Đằng sau các tài khoản này không ai khác chính là các bà mẹ, người môi giới và người mua. Họ tận dụng thế giới ảo với sự quản lý lỏng lẻo cũng như dễ dàng che giấu danh tính thực sự để tránh điều tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo điều tra của CNA (kênh tin tức truyền hình ở Đông Nam Á), một số trang Facebook đã được tạo ra nhằm phục vụ cho việc nhận con nuôi bất hợp pháp. Các cuộc trò chuyện, thảo luận về cơ chế và chi tiết giao dịch, bao gồm tuổi tác, giới tính, địa điểm và hình ảnh của trẻ sơ sinh cũng được công khai trên các trang này. Chúng đôi khi còn mạo nhận làm việc cho cơ quan giám sát nhận con nuôi ở Philippines - Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển (DSWD) bằng cách sử dụng logo của cơ quan này.

Nỗi lòng của người trong cuộc

Những người phụ nữ sống trong khu ổ chuột ở Manila khi được hỏi về lý do bán con thường chia sẻ "Tôi có thể sử dụng số tiền này để bắt đầu kinh doanh một cái gì đó. Ít nhất nó cũng đem đến thu nhập để giúp tôi nuôi những đứa con khác" hay "Tôi thật sự không muốn bán con của mình nhưng tôi cần tiền".

Christine là một phụ nữ thất nghiệp sống cùng với bà của mình. Mỗi ngày, cô kiếm được khoảng 2 USD. Cô đã có 8 đứa con với 3 đời chồng. Các con của Christine sống với họ hàng ở nơi khác và hầu như họ không còn liên lạc. Ngay cả khi không phải nuôi dạy con cái, cuộc sống mưu sinh với cô cũng là một gánh nặng. Cho nên khi mang thai hồi năm ngoái, cô biết mình không thể nuôi nổi con. Vì vậy, cô quyết định bán con, một điều mà không ít phụ nữ khác ở đây vẫn thường làm.

Ở chỗ Christine, hàng ngàn người phải sống trong cảnh khốn cùng khổ tận. Họ không có bất kì cơ hội nào thoát khỏi cuộc sống kém may mắn với những dãy nhà lụp xụp nằm trong con hẻm đầy rác, chất thải cùng gián, muỗi và ruồi. Người dân nơi đây chỉ có thể thu gom rác để kiếm sống, trẻ em thường phải đi ngủ với bụng đói. Nhiều em bé chưa bao giờ biết đến sữa.

Phía sau những “vở kịch” nhận con nuôi ở Philippines - Ảnh 2.

Các cộng đồng người nghèo ở Philippines dễ xảy ra tình trạng buôn bán trẻ em bất hợp pháp. Ảnh: theaseanpost

Đâu là hồi kết cho câu chuyện?

Trước hết, phụ nữ ở các khu vực nghèo khó và dân tộc thiểu số cần được thông tin đầy đủ về các vấn đề an toàn tình dục và kiểm soát sinh sản cũng như thông tin về các phòng khám phụ khoa hỗ trợ các biện pháp tránh thai miễn phí. 

Quan trọng hơn, giáo dục giới tính nên được tiếp cận dễ dàng, ít kiêng kị hơn và nên là quyền cơ bản đối với mỗi công dân bất kể là tầng lớp nào trong xã hội. 

 Tuy nhiên, mấu chốt sau những bi kịch này chính là nghèo đói. Một khi đói nghèo còn đeo đuổi thì cho dù phụ nữ ở đây có mang thai ngoài ý muốn hay không, việc nhận con nuôi thương mại vẫn còn đất sống. Giáo dục và chế tài của pháp luật chỉ là một phần nhỏ những gì có thể làm để ngăn chặn hành vi bất hợp pháp này. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm