Phiên tòa không tranh chấp chỉ có tiếng khóc của vợ và nước mắt trên má chồng

07/04/2018 - 10:33
Phiên tòa xử ly hôn kết thúc, không ai cãi vã, tranh chấp gì. Người chồng nhường hết tài sản cho vợ, coi như đền bù 10 năm chung sống để ra đi tay trắng. Phiên tòa chỉ có tiếng khóc của người vợ và giọt nước mắt lăn trên má người chồng.
Những người có mặt tại tòa nhìn theo hai vợ chồng ngỡ ngàng bởi lúc phiên toà kết thúc, họ lại tay trong tay đi ra ngoài. Luật sư nhìn theo, cảm thấy bất lực khi không thể giữ hai người ở lại bên nhau, khi tình cảm của họ vẫn đong đầy suốt 7 năm yêu nhau và 10 năm chung sống.

Lý do khiến họ ly hôn nằm ngoài khả năng của luật sư. Họ không có con với nhau, dù đã chạy chữa khắp nơi, dù đã tìm trăm phương ngàn kế, kể cả thụ tinh ống nghiệm. Bác sỹ kết luận, chỉ còn cách cuối cùng là hai người đi tìm đối tác khác thì may ra còn có khả năng.
anh123.jpg
Ảnh minh họa

Ngồi xuống ghế đá ngoài sân toà, người vợ ôm chầm lấy chồng mình, từ giờ phút này đã có thể gọi là chồng cũ: “Hay là anh cứ tìm nơi nào gửi đứa con, rồi sau này mang về đây em nuôi. Chứ thế này, cả hai chúng ta đều khổ”.

“Thôi mà, anh đã nói bao nhiêu lần rồi. Em không sinh ra đứa trẻ, em sẽ không nuôi dậy tốt được đâu. Rồi nhỡ có làm sao, lại khổ đứa trẻ sau này”, người chồng lặng lẽ thở dài.
 
“Không sao đâu em ạ. Mọi thứ rồi sẽ quen dần thôi. Đến giờ anh cũng không ân hận gì. Từng ấy năm, những gì làm được cho em thì anh đã làm hết sức. Chỉ có điều, đúng là anh không chịu nổi cảnh im lìm trong nhà mình nữa. Anh thèm tiếng khóc trẻ thơ, anh thèm được làm cha. Mà em cũng tệ, anh bảo em cứ tìm chỗ nào để sinh con, rồi mang về anh nuôi. Anh yêu được em, thì máu mủ của em, anh nào có quản gì. Tại sao em không tin anh?”.

Người vợ òa lên khóc: “Anh nghĩ xem, liệu em có thể làm như thế được không? Em biết là anh yêu em, em biết là anh sẵn sàng tha thứ cho em tất cả. Nhưng anh có hiểu không, cũng vì thế mà em không thể có lỗi với anh. Thà hai đứa hai nơi thì đi một nhẽ”.

“Đúng. Anh đang cần em nói ra câu đó”. Người chồng buông vợ mình ra, nhìn thẳng vào mắt cô: “Thế này đi. Đằng nào tòa cũng xử rồi, chúng ta không còn trẻ con nữa. Em nghe anh, hãy đi tìm cuộc sống mới cho mình. Anh ân hận là lẽ ra nên giải phóng cho nhau sớm hơn, thì em sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Nghe anh nói nhé, tình yêu không phải là cái gì đó vĩnh cửu như người ta nói đâu. Chẳng ai yêu nhau từ đầu cả, đến như bọn mình ấy, bao năm sống được với nhau cũng chỉ vì biết vun đắp, biết bỏ qua cho nhau. Bây giờ, có thể em kém trẻ trung, xinh đẹp hơn trước nhưng em lại hiểu biết hơn, biết lo cho gia đình hơn.

Anh nghĩ, nếu anh hiểu được điều đó về em thì đàn ông khác họ cũng hiểu và trân trọng em. Chắc gì anh đã làm tốt hơn người sau này. Chia tay là bắt đầu có cơ hội mới, em cứ nghĩ thế đi”.

“Bây giờ anh giao kèo thế này. Nếu một năm sau mà em ổn định được gia đình, lại có tin mừng, anh sẽ có thưởng. Sau này, anh thì chắc sẽ né đi cho đỡ phiền, chứ bố mẹ thì vẫn coi em như con cái trong nhà. Em yên tâm, sẽ không phải nhìn thấy anh nữa đâu. Một tháng nữa là anh sang Canada với chị cả rồi. Thỉnh thoảng, em chạy qua nhà chơi với bố mẹ. Ông bà cụ thì em lạ gì nữa”.

“Vâng, em biết. Bố mẹ cũng không gây sức ép cho chúng ta, dù anh là con trai trong nhà. Điều đó làm em cảm động”.

“Anh xin lỗi. Là tại anh. Với anh, gia đình là phải đủ vợ chồng, con cái. Anh đã cố rồi, thậm chí học theo phương Tây, thậm chí Nhật Bản là không cần có con, nhưng anh không làm nổi. Anh thèm tiếng khóc của trẻ con, anh không thể chịu được nữa. Mà thôi, về đi. Anh sẽ đưa em về.

Trong một tháng còn lại ở đây, có lẽ anh sẽ ít gặp em hơn, để em quen dần với cuộc sống mới. Anh cũng đã mua cho em thẻ khiêu vũ, thẻ thể dục thẩm mỹ, em có thời gian đi tập cho vui. Những nơi đó anh khảo sát qua, cũng đàng hoàng, hy vọng làm em vui”.

Người chồng cầm lấy tay người vợ. Đầu người vợ ngả vào vai chồng. Đến bãi xe, người chồng nhanh nhẹn mở cửa bên cho người vợ ngồi vào.

Từ hành lang của ngôi nhà Pháp cổ, luật sư ngẩn người ra nhìn theo, với cảm giác chới với, bởi không làm cách gì để cứu vãn được cuộc hôn nhân này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm