Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị

An Nhi
01/03/2024 - 08:31
Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị
Từng lời thoại, từng phân cảnh trong phim "Đào, phở và piano" không cần hô hào quá nhiều về lòng yêu nước, cũng không bi thương quá độ về sự khắc nghiệt của chiến tranh, nhưng mỗi câu, mỗi hình ảnh đều ẩn dụ và ý nghĩa sâu sắc.

Cách kể chuyện phi tuyến tính rất "đời"

Nếu bạn trông đợi một bộ phim hành động bom đạn rực lửa, một bộ phim lãng mạn theo trường phái ngôn tình cổ tích, hay đơn giản là một bộ phim giải trí với đầy rẫy những triết lý nhân tình thế thái có thể cắt ra một đoạn tạo trend trên mạng xã hội... thì tốt nhất, đừng nên xem phim này!

Bối cảnh phim chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 24 giờ, tức là một lát cắt trong trận chiến Đông Xuân kéo dài 60 ngày đêm (từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947) tại Hà Nội. Nhưng có thể khẳng định, Đào, phở và piano đã tái hiện Hà Nội và những con người nơi đây một cách rất "đời", nhưng cũng đầy tận hiến khi đứng trước khói bom và sự sống còn của cả một dân tộc.

Với cách kể chuyện phi tuyến tính, đan xen quá khứ và hiện tại, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã dẫn dắt người xem đi từ những phân cảnh lãng mạn của hai nhân vật chính sang đến thước phim về cuộc chiến khốc liệt nơi chiến lũy. Cách thể hiện này đôi lúc gây khó hiểu cho khán giả, nhưng khi tập trung dõi theo từng chi tiết, ta mới thấy rõ ẩn ý của đạo diễn trong việc nhấn mạnh chiến tranh đã tàn phá cuộc sống của nhân dân khốc liệt như thế nào.

Các nhân vật trong phim là những người còn kiên định ở lại khu phố cổ, trong khi tất cả đều đi tản cư. Họ - mỗi người có một mục đích khác nhau khi ở lại – nhưng cuối cùng vẫn là lạc quan đối diện với cái chết. Hai nhân vật duy nhất trong phim được "đặt tên" chính là anh Dân (diễn viên Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Thục Hương (diễn viên Cao Thị Thùy Linh).

Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị- Ảnh 1.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn (giữa) và các diễn viên trong một cảnh hậu trường của bộ phim

Về nhân vật Dân, có thể nói qua phần thể hiện của Doãn Quốc Đam, hình ảnh những người thanh niên Hà Nội hiện lên rất rõ ràng và đầy xúc động. Có nhiều phản hồi về bộ phim rằng tại sao lúc bom rơi đạn lạc như thế mà anh Dân vẫn có đến vài phen cảnh nóng với cô vợ mới cưới. Cá nhân tôi cho rằng rằng những cảnh nóng đó rất "đắt", rất cần cho bộ phim. Nó thể hiện rõ những khát khao rất đỗi "đời" của một con người. Dù trong chiến tranh hay lúc hòa bình, ai ai cũng đều mong muốn được yêu và mưu cầu hạnh phúc.

Chi tiết anh Dân ngắm trọn vẻ đẹp của vợ trong đêm tân hôn để rồi dù mai chết cũng cam lòng cho thấy rất rõ sự trân trọng đến từng phút giây được sống, từng khoảnh khắc ý nghĩa của một con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, tình yêu cá nhân của họ cũng sẵn sàng hòa chung vào tình yêu quê hương, đất nước. Cuối phim, nhân vật Dân đã một mình chống lại cả đám quân thù dù đôi mắt đã mù do bom nổ. Kết thúc của anh vẫn là cái chết, nhưng lý tưởng của anh thì sống mãi.

Còn với Thục Hương, dù Cao Thị Thùy Linh thể hiện có thể còn hơi "non" do lần đầu chạm ngõ điện ảnh, nhưng gương mặt của Linh quả thực rất hợp cho một thiếu nữ đài các Hà thành xưa. Bỏ qua yếu tố diễn xuất, nhân vật Thục Hương gây rất nhiều tranh cãi với chi tiết quay về lấy cây đàn piano - điều không tưởng trong chiến tranh (thậm chí đàn piano cũng rất khó vận chuyển ngay cả trong thời bình của hơn 80 năm về trước). 

Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị- Ảnh 2.

Từ trái sang phải: Anh Tuấn vai ông bán phở, NSND Trung Hiếu vai cha xứ, Cao Thị Thùy Linh vai Thục Hương

Cá nhân tôi, cũng là một người chơi đàn từ nhỏ, rất đồng cảm với chi tiết này. Có thể bạn sẽ cho rằng như thế là "làm quá" nhưng quả thật, những người chơi đàn như chúng tôi quý cây đàn như quý một người thân gắn bó trong gia đình. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh đó, cô Hương thừa hiểu cây đàn có xuống được đống đổ nát cũng chẳng chuyển được đi đâu, nhưng nó là cái cảm giác "nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn". Đó là chất "nghệ" của một người nghệ sĩ, cũng là sự tiếc nuối về một đám cưới có thể sẽ chẳng bao giờ diễn ra, là sự trân quý nhưng giây phút bình yên bên tiếng đàn mà cô từng có với gia đình gia đình.

Người ta cũng bảo cô này đa cảm như Lâm Đại Ngọc. Thật sự, là một con người, chuyển biến tâm lý như Hương là điều dễ gặp. Nếu phim xây dựng Hương một lòng cho cách mạng từ đoạn cô ở lại giúp thương binh thì chẳng khác nào "anh hùng hóa" một con người. Cái hay ở kịch bản là cô ấy sống chết vì tình yêu, sau đêm tân hôn thì lo sợ đủ đường rồi "ham sống" hơn bao giờ hết. Chính xác là phải như thế bởi có cô gái nào vừa lấy chồng xong mà muốn chết hay không? Có ai đang trong tình yêu nồng cháy như thế mà muốn xa cách người yêu hay không? Nó rất "đời" là vậy. Cô thậm chí tỏ ra giận dỗi để làm nũng với chồng, để kéo chồng theo mình đi tránh bom đạn. Âu cũng là một người con gái muốn bảo vệ hạnh phúc của mình.

Để rồi khi được chồng giảng giải cho cô hiểu tình yêu anh dành cho cô cũng hòa chung trong tình yêu đất nước, cô mới xuôi lòng. Cuối cùng, chi tiết cô ấy ôm bom cảm tử sau khi chứng kiến anh Dân nằm dưới giáo mác kẻ thù, tôi chợt liên tưởng đến tác phẩm Rừng Xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành. Cũng như nhân vật Tnú, tận mắt thấy chồng mình bị giết chết, tâm lý của Thục Hương bị đả kích cực kỳ mạnh. Phải sống trong thời chiến, chứng kiến người thân của mình bị địch giết hại trước mắt thì mới hiểu tâm lý của con người chuyển biến thành quyết tâm mạnh mẽ như thế nào.

Xin được mượn 2 câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Dù tan nát, cháy thành than lửa/Máu hy sinh phải rửa thù này". Vào thời khắc ấy, mối thù riêng của tân nương trẻ cũng đã hòa cùng và mối thù chung của cả dân tộc. Đó cũng là lời giải đáp cho rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở thời bình hay đặt câu hỏi: "Không rõ ngày xưa tại sao cha ông ta lại có thể chống giặc anh dũng đến vậy?".

Truyền tải lý tưởng sống cần có trong mỗi con người

Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị- Ảnh 3.

NSƯT Trần Lực vào vai ông họa sĩ

Với các nhân vật như cha xứ, ông họa sĩ, vợ chồng ông bán phở, em bé đánh giày..., mỗi người đều có ước mơ, mong muốn riêng. Ông họa sĩ muốn có được tác phẩm lãng mạn; vợ chồng bán phở mong có thêm thu nhập, muốn đưa được bát phở quý đến cho người ăn; em bé đánh giày thèm ăn phở và "thèm" một lần được là chiến sĩ Việt Minh; cha xứ chỉ muốn thuận theo ý Chúa làm những điều tốt lành... Các nhân vật này đều được xây dựng với rất nhiều lời thoại có phần hài hước song đắt giá, để mỗi người xem lại có những suy tư khác nhau về những kiếp người.

Với riêng tôi, tôi rất ấn tượng bộ ba ông Phán và hai ả đào dù không phải nhân vật chính. Xây dựng hình ảnh một nhà tư sản yêu nước theo một cách rất "chất nghệ", rất thương hoa tiếc ngọc (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) - đó là cái tài của người viết kịch bản và đạo diễn. Hình ảnh ả đào hy sinh thân mình để rồi bị quân địch hãm hiếp lột tả một cách chân thực về thân phận bất hạnh của những người phụ nữ nói chung và những phụ nữ theo nghiệp cầm ca trong thời kỳ ấy. Tuy nhiên, chi tiết cô vẫn được bao bọc cứu giúp bởi ông Phán, vẫn ngồi "chung một thuyền" với ông sau sự cố ô nhục đó… thực sự gợi rất nhiều lớp nghĩa về tình người, về sự hy vọng trong cảnh bom đạn.

Có thể thấy, từng lời thoại, từng phân cảnh trong phim không cần hô hào quá nhiều về lòng yêu nước, cũng không bi thương quá độ về sự khắc nghiệt của chiến tranh, nhưng mỗi câu, mỗi hình ảnh đều ẩn dụ và ý nghĩa sâu sắc.

Phim "Đào, phở và piano": Bản hùng ca rất "đời" và nhiều dư vị- Ảnh 4.

Ca sĩ Tuấn Hưng (thứ 2 từ phải sang) vào vai ông Phán cùng màn hóa thân thành 2 ả đào của Bùi Hải Vy (trái) và Nguyễn Diệu Thúy (phải)

Tất cả những con người phim đều có những Lý tưởng sống và Mưu cầu hạnh phúc của riêng mình. Những điều đó có thể sẽ vỡ nát như cách cái đàn bị địch bắn rơi ngay khi đang hạ xuống, như cành đào rụng hoa gãy cành vì đạn bắn bom rơi, như bát phở dù đã có hành thơm cùng dấm tỏi nhưng cũng chưa nhân vật nào kịp thưởng thức, nhưng nếu không có lý tưởng sống, con người khó có thể vượt qua những năm tháng tối tăm ấy trong lịch sử. Kết phim, tất cả các nhân vật đều hiện lên ở phần giới thiệu cùng tên diễn viên, nhưng thật bất ngờ không ai trong số họ có một cái tên chính thức. Có lẽ, họ chính là đại diện cho những người dân: "Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Ðất nước". ("Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm).

Và ngay cả trong thời bình, mỗi chúng ta cũng cần có những lý tưởng, mục đích sống riêng để rồi tất cả cùng tận hiến vào sự phát triển chung của dân tộc.

Không thể phủ nhận bộ phim còn có những hạn chế, chẳng hạn như công tác phục dựng bối cảnh tại trường quay, một số kỹ xảo chưa chân thật, nhiều đoạn chuyển cảnh chưa được mượt, tiếng hô "Tôi là người Hà Nội" có phần khiên cưỡng của cậu bé đánh giày... Nhưng với một bộ phim điện ảnh kinh phí hạn hẹp, có lẽ chúng ta nên nhìn vào những thông điệp và câu chuyện tích cực mà tác phẩm mang lại.

Đến nay, sau 20 ngày công chiếu, Đào, phở và piano vẫn thu hút lượng lớn khán giả đến xem. Trong đó, rất đông khán giả là những người lớn ở độ tuổi U80, thậm chí là U90. Nhưng đáng mừng hơn cả là bộ phim còn nhận được phản ứng tích cực từ các bạn trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Điều đó gợi mở ra hướng đi mới cho dòng phim lịch sử Việt Nam; đồng thời cũng là tiền đề để Nhà nước nghiên cứu thêm cơ chế làm sao đưa được phim lịch sử đến gần khán giả, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng sản xuất để nâng tầm điện ảnh nước nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm