'Phở bảy sắc cầu vồng' ra thế giới

10/02/2016 - 08:00
Phở Hai Thiền được làm từ rau củ tự nhiên và có bảy sắc màu không chỉ đưa bánh phở Việt Nam xuất ngoại mà còn mang nỗi nhớ quê nhà đến cho người Việt trên khắp thế giới.
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học ngành tài chính - kế toán, Nguyễn Thị Thanh Nguyên làm quản lý tại một công ty mì ăn liền của Thái Lan, sau đó chuyển sang thành lập công ty may mặc. Khi công ty đang làm ăn thuận lợi, phát triển, Nguyên bất ngờ từ bỏ mọi thứ để “làm lại từ đầu” bằng nghề… làm bánh phở.

Nguyên bán xưởng may rồi dành nhiều thời gian, đầu tư không ít tiền bạc để nghiên cứu quy trình, công nghệ sản xuất bánh phở tươi không hoá chất bảo quản. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, nắm rõ các “tính nết” của bột, kết hợp cùng bí quyết gia truyền của gia đình và số “học phí” hơn 1,5 tỉ đồng, cuối cùng công nghệ làm bánh phở đã thành công.

Quy trình sản xuất bằng máy đã giúp tiết kiệm được 5 ngày so với công đoạn làm sạch gạo, ngâm, xay, tráng bánh truyền thống. Với máy nhỏ, cho ra 25 - 30 ký phở/giờ, máy trung có công suất 70 - 100 ký phở/giờ. Ngoài bánh phở, máy cũng làm được bánh ướt, bún tươi sử dụng trong 36 giờ mà không sử dụng chất tạo dai, hàn the, formol.

Để làm mới và tạo nên sự phong phú hơn cho bánh phở Việt, Nguyên đã quyết định thêm các nguyên liệu từ rau củ tự nhiên như gấc, bí đỏ, cải xanh, gạo lứt, khoai môn… để sợi phở có được “bảy sắc cầu vồng”, biến tấu giúp sản phẩm không chỉ đẹp mắt, mà còn dai, mềm mại, có hương vị rau củ tự nhiên và đặc biệt là không bị gãy khi nấu.
pho_mau_sac1.jpg
 Chị Thanh Nguyên với món phở cuốn màu sắc nổi bật từ rau củ thiên nhiên.
Phở Hai Thiền đã ký được nhiều hợp đồng phân phối độc quyền công nghệ “Chỉ 1 phút là có ngay sợi phở tươi ngon, an toàn” với các quốc gia “khó tính” như: Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, NaUy… “Ở đâu có người Việt, ở đó có Hai Thiền” cũng là mục tiêu và “kim chỉ nam” để Nguyên phát triển lò bánh của gia đình mình.

Chị chia sẻ: “Tuổi thơ, cuộc sống của tôi đã lớn bên lò bánh nóng hổi. Tôi hiểu sự cơ cực, vất vả của nghề. Và hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton bước vào quán phở 2000 khi sang thăm Việt Nam khiến tôi nhận ra rằng, ngay cả ông Bill Clinton cũng muốn thưởng thức món phở thì không có lý do gì mà bỏ qua cơ hội kinh doanh này. Hơn nữa, đó còn là nghề truyền thống của gia đình, đã ăn sâu vào máu thịt của tôi nên càng quyết tâm thực hiện”.

Năm 1980, ông Nguyễn Văn Thiền (hay còn gọi là Hai Thiền - cha của Nguyễn Thị Thanh Nguyên) đã cho ra đời một lò bánh phở tại xã Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Những sợi phở dẻo thơm mùi hương gạo đã giúp hai vợ chồng ông nuôi dạy 11 người con ăn học thành tài.

Chị Nguyên là con gái út trong nhà với biệt danh “bé Tẹt”, luôn tinh nghịch, gầy guộc, đen đúa. Hồi đó, ai cũng bật cười khi nhìn thấy bé Tẹt cố nhón chân lên chiếc ghế để xấp những mâm bánh cao vượt đầu. Nhỏ tuổi nhất nhà, song cô bé lại là người “sáng chế” cách tráng bánh mới rất hiệu quả.
pho_mau_sac.jpg
 Món phở Hai Thiền mang hương vị thơm ngon
“Thông thường, bánh phở được xấp lên và thoa mặt bánh từng cái. Vì làm biếng nên tôi đã thoa nhiều dầu lên một cái, sau đó ụp mặt bánh khác lên cho dính đều dầu rồi lật xấp bánh lại là xong tới… 2 cái. Thoạt đầu, tôi bị các chị lên án vì “ăn gian”. Sau đó, anh Cả thẩm định và nhận xét: “Duyệt. Thông minh. Có sáng tạo. Vừa nhanh và tiết kiệm dầu, chất lượng bánh lại không hề thay đổi. Cả nhà cứ theo đó mà làm theo”, Nguyên bật cười kể lại.

Hồi cắp sách đến trường, Nguyên học rất giỏi. Một lần, sổ liên lạc của cô bé có lời phê của giáo viên: “Học giỏi. Nhưng tập vở lấm lem quá”. Cô bé cầm về đưa ba “duyệt”. Ông Hai Thiền nhìn vệt bột phở trắng mịn trên gương mặt và đôi bàn tay lấm lem của con gái thì mỉm cười, liền đáp lại trong sổ: “Cháu vừa học vừa tráng bánh. Mong cô thông cảm”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm