Phó Thống đốc Đào Minh Tú:
"Trách nhiệm, vai trò của nam giới trong bình đẳng giới rất quan trọng"
Ngân hàng là ngành luôn có số lao động nữ chiếm tỉ lệ cao (khoảng 60%). Nhân dịp 8/3, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới.
- Bình đẳng giới không phải vấn đề của riêng phụ nữ. Theo ông, nam giới có vai trò thế nào trong việc thúc đẩy bình đẳng giới?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trước tiên, nhân dịp quốc tế Phụ nữ 08/03, tôi xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Bình đẳng giới là mục tiêu phấn đấu của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, xã hội quan tâm sâu sắc trong nhiều năm qua.
Khi nhắc đến bình đẳng giới, đa số chúng ta thường tiếp cận theo hướng phụ nữ phải "vùng lên", phải "lấy lại công bằng" cho họ, chính phụ nữ phải là người chủ động và làm tất cả những điều đó. Tôi cho rằng cách tiếp cận này là đúng nhưng chưa đủ vì trách nhiệm, vai trò của nam giới trong bình đẳng giới rất quan trọng.
Theo Luật Bình đẳng giới năm 2006, "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó". Do vậy, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, cần sự tham gia đầy đủ, tích cực của cả nam giới và nữ giới, trong đó, nam giới có vai trò rất quan trọng, như:
Thứ nhất, nam giới cần thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng không áp đặt và giới hạn các giá trị, quy chuẩn đối với phụ nữ; giúp phụ nữ đạt được các mục tiêu và ước mơ một cách công bằng; tôn trọng phụ nữ; xem xét lại hành động của mình để đảm bảo rằng chúng không góp phần vào sự phân biệt đối xử giới tính.
Thứ hai, nam giới cần chủ động hỗ trợ phụ nữ trong công việc và cuộc sống, giúp họ công việc nhà, chăm sóc con cái, đứng về phía phụ nữ khi thấy họ bị phân biệt đối xử...
Thứ ba, nam giới cần tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; cần truyền cảm hứng và giúp phụ nữ tin rằng họ làm được và xứng đáng với nhiều điều tốt đẹp hơn, tạo tiền đề để mỗi người phụ nữ chủ động hơn nhận thức, tư duy và hành động vì mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới.
Như vậy, nam giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Chỉ khi cả nam và nữ giới cùng nhau nỗ lực thúc đẩy thì các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ mới đạt hiệu quả thiết thực trong cuộc sống.
- Thưa ông, ngành Ngân hàng đã làm gì để thúc đẩy bình đẳng giới trong những năm qua?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, NHNN luôn ý thức không phân biệt giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào nhiều quy định, như: quy định nguyên tắc quy hoạch cán bộ có yêu cầu về tỉ lệ nữ; không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa để góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao vai trò của phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội; khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội phát triển các sản phẩm tài chính vi mô, đặc biệt là sản phẩm tài chính vi mô phục vụ đối tượng vay vốn là phụ nữ...
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, ngày 31/12/2021, NHNN đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với đặc thù của ngành Ngân hàng. Các đơn vị trong toàn Ngành đã tập trung quan tâm tổ chức triển khai nghiêm túc, tích cực các nhiệm vụ giải pháp đặt ra tại kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Cuộc khảo sát được NHNN phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế thực hiện trong năm 2021-2022 với chủ đề "Lưu ý khoảng cách giới: Nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam" cho thấy tổng thể về vị trí của nữ giới và nam giới trong ngành Ngân hàng Việt Nam, những thách thức mà nữ giới gặp phải cũng như các ý tưởng, giải pháp để thu hút nhiều nữ giới hơn vào các vị trí lãnh đạo và quản lý. Theo đó, tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp ngành là 25,5%; tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp vụ và tương đương của NHNN là 26,3%; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp vụ và tương đương của NHNN là 41,4%; tỷ lệ cơ quan đơn vị có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ trong toàn hệ thống là 100% đảm bảo mục tiêu Kế hoạch hành động của ngành và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng quan tâm triển khai nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng trong sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam. Trong đó, ngày 6/3/2023 vừa qua, NHNN và Hội LHPN Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2023-2027 nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách về tài chính toàn diện; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận một cách thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao vai trò, vị thế của chị em phụ nữ trong gia đình, trong xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cường tìm kiếm, tiếp nhận thêm các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế để thúc đẩy công tác bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng, tập trung vào mục tiêu chính là thực hiện sáng kiến, giải pháp nhằm gia tăng số lượng nữ giới ở các vị trí lãnh đạo trong ngành Ngân hàng, hướng tới các tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với những giải pháp tích cực, trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới ngành Ngân hàng.
- Trong thời gian tới, ngành ngân hàng dự định sẽ tiếp tục đẩy mạnh bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ thế nào?
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút nhiều nữ giới hơn vào các vị trí lãnh đạo và quản lý”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tích cực Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Trong đó:
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng và quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt dộng tín dụng, ngân hàng cho các đối tượng này."
Tiếp tục có giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng, thu hút nhiều nữ giới hơn vào các vị trí lãnh đạo và quản lý.
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng và quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt dộng tín dụng, ngân hàng cho các đối tượng này".
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm, tiếp nhận thêm nguồn hỗ trợ, thúc đẩy bình đằng giới trong ngành Ngân hàng.
Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của phụ nữ ngành Ngân hàng và sự quan tâm của Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các tổ chức đảng, đoàn thể và các cấp lãnh đạo trong Ngành, công tác bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn.
Tôi xin kính chúc các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành công và có nhiều niềm vui với thiên chức của người phụ nữ.
- Trân trọng cám ơn ông!