"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp
"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 1.

Clip: Bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em DTTS

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 2.

Ở thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh, Bình Thuận) có những ngôi làng (nay là khu phố) dân số chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống từ lâu đời như: Chăm, Raglai, Tày, Nùng… Nhịp sống của chị em phụ nữ DTTS nơi đây đang khởi sắc.

Theo chân chị Trà Thị Kim Liên, 41 tuổi, dân tộc Raglai, trú tại khu phố Trà Cụ (Lạc Tánh, Tánh Linh, Bình Thuận), về nhà trong một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi thấy chồng chị Liên vẫn đang tất bật quét dọn chuồng dê. Chồng chị Liên phấn khởi cho hay: "Nay vợ tham gia hoạt động trên huyện rồi, mình ở nhà chăn dê".

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 3.

Chị Kim Liên đang chăm sóc đàn dê.

Chị Kim Liên cho hay, cuộc sống gia đình của chị hạnh phúc hơn, kinh tế cũng ổn định dần nhờ mô hình chăn nuôi dê. Đặc biệt, từ khi tiếp cận với Dự án 8, chị tự tin tham gia các hoạt động tại địa phương. Gia đình chị mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi, ý chí thôi thúc chị không cam chịu cái nghèo và mong muốn lan tỏa với nhiều chị em khác.

Từ một chuồng nuôi với 5 con dê, giờ đây, vợ chồng chị đã gầy đàn lên đến 40 con. Quy mô chuồng trại cũng được đầu tư mở rộng, đầu tư kỹ thuật nhiều hơn. Gia đình chị chủ yếu nuôi dê bán thịt cho thương lái, các lò mổ. Dê được xuất bán theo đợt với giá thịt dê hơi từ 140-150 nghìn đồng/kg.

Thị trấn Lạc Tánh có đông đồng bào DTTS sinh sống với 11 dân tộc anh em. Có khu phố Trà Cụ, Tân Thành, được thụ hưởng chương trình từ Dự án 8. Nhờ đó, chị em đã có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hữu ích qua các video, tài liệu tuyên truyền. Khoảng 80% phụ nữ tham gia dự án đã trở nên tự tin hơn, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Thậm chí, trong nhiều cuộc họp, số lượng phụ nữ còn đông hơn nam giới”,

Chị Lương Thị Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh, Bình Thuận)

"Từ khi làm chủ mô hình chăn nuôi dê, kinh tế gia đình tôi ổn hơn, cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn. Chồng tôi thay đổi nhiều, ảnh lo chăm dê, biết chăm sóc vợ con hơn cũng như tham gia công việc nhà, không phân biệt công việc của vợ hay của chồng. Trước đây, khi khó khăn, chồng cũng có say xỉn, càu nhàu", chị Liên chia sẻ.

Nhớ lại giai đoạn khó khăn của gia đình, chị Liên kể: Chị lấy chồng khi mới 17 tuổi và sinh tới 4 người con. Vì những định kiến về giới như mong muốn có đứa con trai bầu bạn, chia sẻ với cha nên vợ chồng chị sinh nhiều con. Cuộc sống làm thuê làm mướn vốn khó khăn lại càng khó khi những đứa con cứ nối tiếp nhau chào đời. Lúc trước, người dân ở địa phương chị cũng có nhiều gia đình khó khăn giống chị. Phụ nữ chủ yếu làm nông hoặc lên núi bẻ măng, đi mót củ mỳ, con cái ít được quan tâm học hành, nạn tảo hôn nhiều.

Từ khi được Đảng, Nhà nước với các chính sách quan tâm, ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là sự "trợ sức" của Hội LHPN địa phương, gia đình chị đã có nhiều khởi sắc. 2 cô con gái lớn của anh chị đã có gia đình riêng và ổn định công việc. 2 con gái nhỏ đang học lớp 8 và lớp 10. Vợ chồng chị hay dặn nhau rằng sẽ chăm lo 2 con nhỏ học hành đến nơi đến chốn, vươn ra xã hội rộng lớn.

Chị Liên bộc bạch: "Những năm gần đây, bà con ở Trà Cụ có cuộc sống khá hơn rất nhiều. Chị em biết làm kinh tế, đi buôn bán chứ ngày xưa khổ lắm. Hồi trước, tôi làm chuồng chỉ nuôi 5 con dê. Khi được Hội LHPN ở xã tuyên truyền, hướng dẫn, tôi mạnh dạn vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư thêm. Bây giờ, con đi học chỉ cần bán 1 con dê là đủ tiền lo rồi. Bản thân tôi không muốn con mình 17 tuổi lấy chồng như mình, phải thay đổi suy nghĩ đó và động viên các con học cho tốt".

Chị Lương Thị Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh, Bình Thuận), cho biết: "Ban đầu, gia đình chị Liên chỉ nuôi dê nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau khi thụ hưởng các chương trình từ Dự án 8, chị ấy đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Trước kia, chồng chị Liên cũng ít khi tham gia việc nhà nhưng giờ đây, anh đã hiểu và tích cực hỗ trợ vợ hơn. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, cuộc sống cũng trở nên đầy đủ hơn. Không chỉ cải thiện đời sống vật chất, Dự án 8 còn giúp chị em ở đây nâng cao nhận thức, chị em sắm tivi, điện thoại, cập nhật tin tức đầy đủ, làm kinh tế, nuôi dạy con cái. Nhờ vậy, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể".

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 4.

Chị Mang Thị Yến, dân tộc Raglai, 39 tuổi (Suối Khiết, Tánh Linh, Bình Thuận), có 4 người con và gia đình thuộc hộ cận nghèo. Hiện tại, cuộc sống gia đình chị đắp đổi qua ngày với công việc làm cạo mủ cao su thuê. Bản thân chị phải đi cạo mủ từ 2 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, chị Yến không khỏi nuối tiếc vì đã sinh quá nhiều con. Các con chị phải gánh vác những khó khăn của cuộc sống từ quá sớm, khiến chị vô cùng xót xa.

"Tôi có chồng từ năm 20 tuổi và sinh tới 4 đứa con. Giờ chỉ còn mỗi đứa út đi học thôi. Các con lớn đều nghỉ học sớm để đi làm thuê vì thấy cha mẹ khó khăn. Ngày xưa, tôi chưa hiểu biết nên sinh đông con. Được các chị bên Hội vận động tuyên truyền, giờ tôi không sinh nữa. Tôi muốn nhắn gửi chị em đừng giống như mình, mình có tới 4 đứa con đã rất khổ rồi, chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt, bản thân phụ nữ cũng có nhiều sức khỏe hơn", chị Yến tâm sự.

Chị Yến cho biết thêm, một phần vì hoàn cảnh khó khăn, một phần công việc cạo mủ vất vả và dành nhiều thời gian chăm lo cho con cái nên chị ngại tham gia các hoạt động với chị em ở địa phương. Dù nhiều lần được Hội vận động nhưng chị không dám mở lòng. Cuộc sống của chị xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền, sau giờ làm, chị quẩn quanh trong căn bếp nhỏ.

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 5.

Chị Mang Thị Yến tham quan gian hàng khởi nghiệp tại chương trình truyền thông nâng cao nhận thức và quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Sau nhiều năm được tuyên truyền, vận động tham gia các hoạt động Hội, nhất là khi tiếp cận với Dự án 8, chị dần mạnh dạn hơn. Bằng chứng là chị đã thu xếp công việc để tham gia buổi truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS tại huyện Tánh Linh. Ở đây, chị cảm thấy rất phấn khởi khi được cùng chị em giao lưu, học hỏi nhiều cách làm mới mẻ và truyền cảm hứng khởi nghiệp. Với bà con đồng bào DTTS, "mắt phải thấy, tai phải nghe" thì niềm tin mới được tạo dựng vững vàng. Thế nên, những tấm gương phụ nữ DTTS được giao lưu đến các gian hàng trưng bày đã thôi thúc chị bắt đầu nghĩ đến việc bước ra khỏi vùng an toàn. "Từ hôm nay, tôi muốn cải thiện cuộc sống, suy nghĩ kỹ về ý tưởng kinh doanh nào đó để vươn lên thoát nghèo", chị Yến nhấn mạnh.

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 6.

Theo Hội LHPN huyện Tánh Linh (Bình Thuận), thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm của Dự án 8 đề ra. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đối với các thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Các hoạt động đã đi vào chiều sâu, chất lượng rõ nét thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành tại địa phương, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân ở từng thôn bản, khu phố. Nhờ đó, chị em phụ nữ DTTS đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục…

Năm 2024, Hội LHPN huyện Tánh Linh đã phát huy hiệu quả vai trò của các Tổ truyền thông cộng đồng, CLB Thủ Lĩnh, Địa chỉ tin cậy. Các cấp Hội đã tổ chức 56 buổi truyền thông về các nội dung thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" đến các hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn khu dân cư. Tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, tư vấn hỗ trợ tiền hôn nhân, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Luật Hòa giải cơ sở và 23 buổi cung cấp kiến thức phổ biến văn bản pháp luật, mất cân bằng giới tính khi sinh và bảo vệ sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội đã vận động 100% phụ nữ mang thai đến sinh con tại cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 7.
"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 8.
"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 9.
"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 10.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS tại huyện Tánh Linh tham gia chuỗi hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, do Ban Công tác phía Nam (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Hội LHPN huyện Tánh Linh còn chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên phối hợp với Ban điều hành thôn, bản, khu phố củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động đối với 40 tổ tiết kiệm vay vốn của 10 thôn bản (Dự án 8). Trong đó, Hội tín chấp cho 1.060 hội viên, phụ nữ là người DTTS với tổng số tiền vay vốn từ Ngân hàng Chính sách trên 35 tỷ đồng; phối hợp mở 2 lớp nghề chăn nuôi gia cầm ngắn hạn cho 45 học viên và 1 lớp nghề dinh dưỡng, kỹ thuật nấu ăn cho 15 hội viên…

Bà Trương Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết: "Trước đây, nhiều chị em còn mơ hồ khi nhắc về Dự án 8 nhưng hiện nay, chị em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã hiểu và quyết tâm thực hiện, cùng phấn đấu vươn lên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục "nuôi dưỡng" để Dự án 8 thật thấm sâu hơn nữa vào từng hội viên, phụ nữ DTTS".

Thế Anh - Phạm Thương (thực hiện)

Bài sau: Bình đẳng giới tiến sâu đến từng thôn bản, xóm ấp

"Phủ cam" thôn bản, xóm ấp- Ảnh 11.