pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh loay hoay trước việc con tự học trong thời gian "né" dịch corona
Loay hoay để con tự học
Trong tuần vừa qua, chị Bích Hằng (có con học lớp 2 ở một trường tiểu học tư thục quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì lý do công việc không thể nghỉ nên gửi hai con về nhà ông bà ngoại. Chị cho biết cô giáo đã gửi kế hoạch học tập trong cả tuần kèm theo các phiếu bài tập nên việc học của con hầu hết là tự giác.
"Vì bận đi làm nên tôi in các phiếu bài tập cho con tự làm, con có làm nhưng khó đạt đúng tiến độ như cô giáo đề ra mỗi ngày do tâm lý ở nhà vẫn thích chơi hơn học, nhà ông bà ngoại lại tập trung 4, 5 cháu về một lúc nên việc học của con phập phù, không đạt mốc thời gian như cô đề ra. Tôi cũng thả lỏng cho các cháu bởi tự học ở nhà không thể chuẩn chỉ như trên lớp được, cốt là cho các con không quên kiến thức"- nữ phụ huynh chia sẻ.
Chị Hiếu Nhi (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai học tiểu học ở một trường công lập, cũng cho biết bài tập của con tuy có nhận được nhưng với kiểu học này thì khó có thể đưa con vào nếp như ở trên lớp. Hai vợ chồng không nhờ ai trông hai con được nên thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một hôm, xin mang việc về nhà làm để tiện trông con.
"Không thể toàn tâm dù con có được ra bài tập, phần công việc của tôi thì bận, phần còn phải lo cơm nước, việc nhà chứ không đơn thuần chỉ mỗi việc học của con. Tuy ôn lại bài nhưng khối lượng bài tập của con cũng nhiều nên đôi khi mất kiên nhẫn vì gò con vào khuôn. Đành chấp nhận việc con con phần xao nhãng bài vở" – chị Nhi cho biết.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, việc tự học tại nhà bằng bài tập giao online hoặc xem clip trực tuyến do thầy cô giảng mẫu, đối với các con khó đạt hiệu quả như mong muốn. Việc duy trì học tập, theo một vài cha mẹ là nên ở mức độ ôn tập lại bài cũ thay vì truyền đạt kiến thức mới. Hoặc nếu có kiến thức mới thì nên học theo kiểu trực tuyến và có sự tương tác với thầy cô.
Mô hình học trực tuyến được chị Mỹ Hằng – phụ huynh có con trai học THCS ở một trường công lập thuộc quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ khá mới mẻ. Theo đó, con trai chị đã có buổi học trực tuyến đầu tiên với 3 môn học trọng yếu với giáo viên nước ngoài. Nữ phụ huynh chia sẻ chị rất mừng vì đây dường như là bước tiến lớn đối với khối trường công lập, và dịch bệnh cũng là một cơ hội để tìm ra cách thích nghi và phát triển cho các trường.
"Ba tiết học trực tuyến dù chưa thật tốt về mặt kỹ thuật, song con trai tôi rất hào hứng. Con thấy được về mặt truyền thụ kiến thức, các bạn vẫn hỏi, thầy vẫn trả lời, thế là tốt rồi. Các môn khác thì con vẫn được gửi tài liệu hướng dẫn ôn tập để các con không quên kiến thức. Với tôi như vậy là tạm ổn cho việc tự học của con tại nhà"- chị Hằng nói.
Nên lùi thời gian học tránh áp lực cho học sinh
Trên một số diễn đàn của phụ huynh khối các trường tư thục, nhiều ý kiến cho rằng việc học online chỉ nên dừng ở mức độ ôn tập kiến thức cũ cho con chứ không thể học thay thế và phổ biến các liến thức mới, có vậy mới đảm bảo được chất lượng học tập. Học sinh hoàn toàn có thể học bù vào dịp hè.
"Tôi đề nghị Nhà trường lùi thời gian học, dạy và học bù vào thời gian nghỉ hè. Việc gửi bài trong thời gian các con nghỉ học hiện nay chỉ để giúp các con học thêm tại nhà. Không thể coi việc học tại nhà là chính và không dạy học lại được. Việc này đảm bảo chất lượng học của các con vì không phải bố mẹ nào cũng có điều kiện và khả năng dạy kèm con học được" – một phụ huynh cho hay.
Hiện tại, Hà Nội vẫn đang chờ quyết định của UBND thành phố về việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến 16/2 hay không. Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này, và thông tin được phụ huynh mong chờ nhất là việc bố trí học bù của con sẽ tiến hành như thế nào cho hợp lý.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết, khi học sinh phải nghỉ học trong một khoảng thời gian vì dịch bệnh ảnh hưởng đến kế hoạch chung đã đề ra từ trước của Bộ. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
"Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù"- ông Thành cho hay.
Liên quan đến việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng tránh dịch bệnh, ông Thành cho biết thêm, việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không còn phải tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh. "Nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, thực hiện chỉ đạo của Trung ương để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại. Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến cả tình huống học sinh tiếp tục phải nghỉ học. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết."