Nữ dễ tử vong do tim mạch hơn nam
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn trên toàn cầu, với khoảng 17,5 triệu người tử vong vì bệnh này mỗi năm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2015, sẽ có 20 triệu người trên toàn thế giới chết do bệnh tim mạch và tập trung nhiều ở các nước đang phát triển (khoảng 80%). Điều đáng nói là tỷ lệ phụ nữ tử vong do bệnh tim mạch đang có xu hướng tăng cao hơn nam giới.
Ước tính, cứ 3 phụ nữ trên thế giới tử vong thì có 1 người thiệt mạng do bệnh tim mạch
Tại Việt Nam, theo một điều tra dịch tễ học về tăng huyết áp ở 8 tỉnh/thành đại diện cho các khu vực thì tỷ lệ tăng huyết áp ở nam và nữ lần lượt là 39,3% và 60,7%. Trong khi đó, tăng huyết áp là một trong số những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu về nhồi máu cơ tim ở phụ nữ tại Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy, trường hợp nhồi máu cơ tim thì tỷ lệ người bệnh có sốc tim ở nữ giới cao hơn ở nam giới (13,3% và 10,7%). Chỉ số tiên lượng nặng ở nữ giới cũng cao hơn ở mày râu.
GS Nguyễn Lân Việt cho rằng, mỗi loại bệnh về tim mạch sẽ có đối tượng mắc khác nhau. Ví dụ bệnh mạch vành, tỷ lệ đàn ông thường mắc cao hơn phụ nữ do mày râu có thói quen hút thuốc lá, uống rượu... Còn phụ nữ mắc bệnh tim mạch thường ăn uống chưa hợp lý, ít vận động, sinh nở, thừa cân và hay bị stress. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố di truyền. Nếu có người thân mắc bệnh tim thì nguy cơ bị bệnh tăng lên đáng kể.
Biểu hiện mơ hồ
Cũng theo GS Việt, với phụ nữ, biểu hiện của bệnh tim mạch ở tuổi trung niên rất “lờ mờ”: Có khi là mệt mỏi toàn thân; thở gấp, ngồi yên thì hết; đôi khi đau tim lẫn với đau dạ dày; có lúc lại thấy đau xương hàm hoặc đau cánh tay trái... Thậm chí, đôi khi chụp hình tim cũng không thấy rõ bệnh. Chính những biểu hiện mơ hồ này là nguyên nhân khiến chị em chủ quan với bệnh và bệnh tim mạch nhờ thế mà có điều kiện hoành hành, đến khi phát hiện thì đã muộn. Điều đó có thể lý giải một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở phụ nữ cao hơn nam giới.
Vì biểu hiện của bệnh khá mơ hồ nên chính mỗi chúng ta nên thận trọng là lắng nghe cơ thể mình
Theo các chuyên gia y tế, khi có những biểu hiện trên, nhất là chị em thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như người béo phì, cao huyết áp, có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch... cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điệu trị sớm. Bởi khi để bệnh trở nặng, việc điều trị sẽ rất tốn kém và nguy cơ tử vong cao.
GS Nguyễn Lân Việt (Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam) “Phụ nữ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để không rơi vào tình tạng thừa cân, béo phì như: Ăn đủ no, đủ chất, thức ăn đa dạng, bảo đảm vệ sinh; tăng cường sử dụng chất xơ, rau xanh; nên có chế độ tập luyện thể thao thường xuyên, làm việc khoa học. Ngoài ra, cần tăng cường các vitamin, kali, kẽm; không ăn nhiều thịt mỡ, da động vật và hạn chế các đồ ăn chứa nhiều cholesterol để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch”. |