Phụ nữ CHLB Đức không cảm thấy an toàn khi sinh sống ở các thành phố lớn

N.A
20/08/2020 - 16:35
Phụ nữ CHLB Đức không cảm thấy an toàn khi sinh sống ở các thành phố lớn
Theo khảo sát của Tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ Plan International có chi nhánh ở Đức, phần lớn phụ nữ ở quốc gia này đều cảm thấy không an toàn khi đi du lịch đến các thành phố lớn của CHLB Đức như Berlin, Hamburg, Cologne và Munich.

Chương trình khảo sát được mang tên "An toàn trong thành phố" do Plan International thực hiện có sự tham gia của gần 1.000 phụ nữ ở độ tuổi 16-71 đã được yêu cầu đặt các điểm đánh dấu trên bản đồ tương tác tại các vị trí trong thành phố mà họ cho là an toàn hoặc không an toàn.

Kết quả là có tới 80% trong tổng số 1.267 địa điểm được đánh dấu là không an toàn, vì các lý do bao gồm quấy rối bằng lời nói khi chạy bộ trong công viên, đường phố có ánh sáng kém, rình rập hoặc đụng chạm không mong muốn có tính chất tình dục.

Phụ nữ CHLB Đức không cảm thấy an toàn khi sinh sống ở các thành phố lớn - Ảnh 1.

Bà Maike Rottger, Giám đốc Plan International tại Đức. Ảnh: DW

Theo bà Maike Rottger, Giám đốc Plan International tại Đức, chuyện đi lại tự do mà không phải lo lắng về vấn đề quấy rối tình dục là quyền cơ bản của phụ nữ Đức. Tiếc là nỗi sợ hãi của họ hiện vẫn đang tồn tại và chính quyền Đức cần có những biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này.

Cũng theo bà Rottger, việc thay đổi quan niệm của đàn ông Đức về vấn đề này cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Bà Rottger nhận xét: "Hiện nay, rất nhiều nam giới vẫn cho rằng chuyện quấy rối tình dục phụ nữ là điều bình thường. Chính những định kiến và phân biệt đối xử tiềm ẩn là lý do tại sao trẻ em gái và phụ nữ không thể cảm thấy an toàn".

Trong thời gian qua, phong trào Me Too lan rộng tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều phụ nữ tại Đức đã chia sẻ những câu chuyện của mình về những hành vi cư xử không đúng mực của những người đàn ông tại chính nơi họ làm việc. Họ lên tiếng để giúp những người khác bảo vệ mình và để các doanh nghiệp cần phải thay đổi văn hóa tại công sở.

Hashtag "Me Too" đã nổ ra một cuộc tranh luận về tình trạng coi thường phụ nữ và quấy rối tình dục nơi công sở. Theo Plan International, chỉ tính riêng ở Đức, 50% phụ nữ tại quốc gia này đã từng bị quấy rối ở nơi làm việc, nhưng rất ít người dám nói ra.

Ở Berlin, những người phụ nữ Đức được coi là dũng cảm nhất trong việc chống lại nạn quấy rối. Họ cho rằng tình trạng quấy rối tình dục rất phổ biến, xã hội không còn coi nó là một vấn đề nữa và sẵn sàng đấu tranh vì điều này. Chuyện quấy rối và lạm dụng tình dục cũng bắt nguồn từ việc phụ nữ vẫn bị coi thường trong xã hội.

Tình trạng bất bình đẳng và coi thường phụ nữ khiến nhiều phụ nữ không muốn làm việc trong những ngành công nghiệp mà nam giới thống trị, thậm chí cả những ngành công nghệ cao. Phụ nữ thường không biết phản ứng như thế nào khi họ sống trong một cộng đồng coi thường phụ nữ. Những người phụ nữ ở Berlin có thể tìm đến các trung tâm tư vấn nếu không có ai trong công ty giúp đỡ họ. 

Phụ nữ CHLB Đức không cảm thấy an toàn khi sinh sống ở các thành phố lớn - Ảnh 2.

Phụ nữ CHLB Đức không cảm thấy an toàn khi sinh sống ở các thành phố lớn. Ảnh: DW

Vì vậy, mỗi phụ nữ vẫn phải tự quyết định ranh giới của mình nằm ở đâu và cần phải làm những gì để đảm bảo những ranh giới đó được tôn trọng, tiếp đó là văn hóa doanh nghiệp nơi mà nam giới và phụ nữ đều được đối xử bình đẳng như nhau. Mặc dù vậy, để vấn nạn này được giải quyết triệt để ở Đức cũng như trên thế giới là không hề đơn giản.

Phong trào Me Too

Bắt nguồn từ hashtag "#MeToo", là một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. #MeToo lây lan nhanh chóng vào tháng 10/2017 như một hashtag được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội để giúp chứng minh sự phổ biến rộng rãi của sự quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc.


Nguồn: Theo DW
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm