Phụ nữ dân tộc hết hồn vì bị người lạ gọi điện khoe ‘của quý’

27/11/2018 - 22:43
Có phụ nữ dân tộc thiểu số đã lập gia đình sử dụng mạng xã hội và kết bạn với người nước ngoài. Đến khi người lạ gọi điện và di chuyển điện thoại đến vùng nhạy cảm, chị sợ quá tắt máy mà không dám kể với chồng…

Người phụ nữ 26 tuổi sau khi nhận cuộc gọi đã phát hoảng, vội vàng tắt máy ngay nhưng không dám kể với chồng. Hôm sau, chị tâm sự với chị hàng xóm thân thiết về chuyện bị người lạ gọi điện quấy rối và bất ngờ khi biết chị bạn cũng từng gặp cảnh tương tự, đối tượng gọi cũng quay “của quý” cho chị xem. Chị cũng sốc và không dám chia sẻ với ai. Sau khi chuyện này xảy ra, các chị bắt đầu lọc bớt bạn bè trên facebook và chỉ kết bạn với những người quen.

“Nếu câu chuyện tương tự xảy ra với trẻ em thì không biết mức độ ảnh hưởng đến tâm lý các em sẽ như thế nào? Một em nhỏ khó mà chia sẻ câu chuyện tương tự nếu các em gặp phải”, chị Đỗ Quỳnh Anh, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bày tỏ.

 

img20161011161508651.jpg
Gần như mỗi thành viên trong gia đình người DTTS đều sở hữu 1 chiếc điện thoại. Ảnh minh họa

 

Câu chuyện được chị Đỗ Quỳnh Anh chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng thanh thiếu niên DTTS sử dụng internet ở khu vực phía Bắc” diễn ra sáng 27/11 tại Hà Nội. Thực hiện khảo sát thanh niên DTTS trong không gian mạng được thực hiện ở thôn Lành (xã Phúc Lộc), thôn Mộc (xã Bành Trạch), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Nhóm dân tộc Mông chiếm đến 95% cư dân thôn Lành, còn lại 5% là người dân tộc Dao. Còn tại thôn Mộc, người dân tộc Tày chiếm 80% (đây cũng là nhóm cư dân chiếm đa số tại huyện Ba Bể), còn lại là một số hộ người Dao, Nùng và người Kinh. Có 63 người tham gia phỏng vấn, gồm cả nam lẫn nữ ở lứa tuổi từ 12 đến 53, gồm thanh thiếu niên và số ít là phụ huynh, cán bộ.

“Có khoảng 2/3 số các gia đình trong 2 thôn được phỏng vấn có 3-4 chiếc điện thoại, gần như mỗi thành viên sử dụng 1 thiết bị. Trẻ em cấp 2, cấp 3 đã sở hữu điện thoại cá nhân”.

Tìm con ở quán… wifi

Theo chị Quỳnh Anh, thanh thiếu niên là đối tượng sử dụng internet chủ yếu ở địa bàn này. Trong thôn có quán nước lắp wifi, tập trung đông thanh thiếu niên đến để sử dụng internet. Ở đây, các em không phải bỏ tiền mua nước, bánh kẹo cũng có thể ngồi thoải mái. Khi không thấy con đâu, bố mẹ lại ra đây tìm. Quán lúc nào cũng rất đông, có em ngồi đến tận giờ đi ngủ mới về.

Điều đáng lo ngại là các em không thể kiểm chứng được nguồn tin trên facebook (FB). Lừa đảo qua mạng cũng đã xuất hiện khi trong 2 thôn nhỏ mà có tới 4-5 trường hợp mất 5-6 triệu, còn chuyện lừa nạp thẻ điện thoại thì khá phổ biến. “Thông báo trúng xe máy, yêu cầu nạp tiền, người dân tin và tìm cách gửi tiền, đến khi không thấy xe đâu mới biết mình bị lừa”.

fb.jpg
Ở cộng đồng DTTS tưởng như ít tiếp xúc với công nghệ nhất, quan hệ xóm giềng đã chuyển sang không gian mới, cãi nhau, bức xúc cũng tung lên mạng…

 

Điều đáng lo ngại nữa là tình trạng thanh thiếu niên kết bạn với người lạ trên FB khá phổ biến. Có những đối tượng không xác định được động cơ tốt xấu, chỉ cần đáp ứng được tiêu chí ảnh đẹp là các em sẵn sàng đồng ý kết bạn mà không biết có thể sẽ gặp phải rủi ro lớn. FB của các em đa số từ 2.000 đến 5.000 bạn, chủ yếu là người lạ.

Có nữ học sinh lớp 7 ngày nào cũng tung ảnh uốn éo lên để tìm người yêu qua mạng. Hay có em nam, dùng một lúc 4 nick ảo để có thể cùng lúc “bủa lưới” nhiều cô gái mà không sợ bị phát hiện và tìm đến đánh ghen… Có những em chìm đắm trong thế giới mạng bởi ngoài đời không có gì vui, trong khi bạn trên mạng hiểu em hơn cả những người bạn thật, mối quan hệ với người xung quanh lỏng lẻo hơn.

Ngay cả thanh niên đã có vợ con, nhưng vẫn thường xuyên chia sẻ ảnh nhạy cảm trên FB. Điều này dẫn đến việc trẻ có thể tiếp xúc với ảnh nhạy cảm một cách thụ động từ chính người thân của mình.

“Sự chênh lệch kỹ năng sử dụng công nghệ khiến cho các phụ huynh thường bị tụt hậu khỏi các xu hướng và không có khả năng để hướng dẫn con truy cập mạng an toàn. Vì thế dù lo lắng cho con có thể gặp phải nguy hiểm trong thế giới online, các phụ huynh cũng không thể cung cấp được những kiến thức và kỹ năng tổng thể và thiết thực. Những gì thanh thiếu niên nhận được từ gia đình, nhà trường có chăng chỉ là những cảnh báo chung chung, chủ yếu mang tính vụ việc”, theo chị Quỳnh Anh, “Cần có các nghiên cứu khác để tìm hiểu sâu hơn về sự tương tác giữa các nhóm dân tộc trong thế giới online và ảnh hưởng của chúng đến văn hóa của cộng đồng người DTTS”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm