Phụ nữ dân tộc thiểu số lo lắng vì chợ nổi trên sông Đà bị mai một

Trường Sa
24/11/2023 - 09:51
Phụ nữ dân tộc thiểu số lo lắng vì chợ nổi trên sông Đà bị mai một

Thuyền buôn tại các chợ nổi trên sông Đà đóng vai trò cung cấp và tiêu thụ hàng hóa cho cư dân địa phương

Đối với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở vùng ven sông Đà, thì mỗi phiên chợ nổi trên sông là nơi tiếp cận với thị trường mua bán hàng hóa rất tiện ích cho đời sống và lao động sản xuất. Thế nhưng hiện nay các phiên chợ nổi này đang có nguy cơ mai một rất lớn.

Kể từ khi hồ thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động, đã tạo ra vùng hồ rộng lớn, kéo theo đó là sự phát triển của giao thương khá nhộn nhịp trên giữa thương lái và người dân sống ven hồ, thông qua các phiên chợ nổi trên sông.

Cách đây khoảng hơn chục năm, cứ vào những ngày phiên chợ nổi trong tháng, trên sông Đà, đoạn chảy qua huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên (Sơn La), lại tấp nập bởi kẻ mua người bán lênh đênh trên sông nước, với đủ các loại mặt hàng từ nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, đến các loại giống cây trồng, phân bón, và kể cả việc tiêu thụ hàng hóa nông sản do bà con sản xuất ra đều rất tiện lợi.

Các thuyền buôn từ các tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Sơn La, Phú Thọ, chở hàng hóa lên bán cho người dân địa phương, sau đó lại nhập hàng hóa của người dân địa phương về bán, theo kiểu “hàng hai chiều” nên khá thuận lợi.

Phụ nữ dân tộc thiểu số lo lắng vì chợ nổi trên sông Đà bị mai một
- Ảnh 1.

Phiên chợ nổi ở xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La

Chị Đinh Thị Thơm, ở xã Song Pe, huyện Bắc Yên, chia sẻ: “Từ nhiều năm rồi, người dân địa phương chúng tôi quen với việc mua bán hàng hóa ở chợ phiên trên sông Đà, cứ đến phiên chợ là chị em nào có hàng hóa bán như ngô, khoai, sắn, lợn gà, thì cứ mang ra bán cho các nhà thuyền. Sau đó mình mua gì thì lại mua luôn ở thuyền nhà họ, cái gì cũng có hết, rất tiện lợi”.

Đoạn chảy qua huyện Phù Yên có 3 chợ phiên, lịch họp chợ được chia theo các ngày âm lịch khác nhau trong tháng, tại xã Nam Phong, chợ phiên họp vào buổi sáng các ngày 3,13,23; buổi chiều, các thuyền lại di chuyển lên xã Bắc Phong; ngày 4,14,24 lại di chuyển lên xã Đá Đỏ; ngày 6,16, 26 là điểm cuối tại xã Tân Phong rồi lại quay vòng lại theo lịch họp tháng tiếp theo.

Chị Đinh Thị Lợi, chủ thuyền buôn từ Hòa Bình, cho biết: “Nhà tôi đã buôn bán trên sông này gần 20 năm rồi, trước thì thuyền nhỏ, sau này nhu cầu hàng hóa lớn nên phải đầu tư thuyền lớn. Hàng hóa rất đa dạng, chúng tôi gọi là thuyền Đại lý hàng. Mình mang hàng hóa nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp, máy móc điện tử…bán cho bà con. Bà con mang hàng hóa nông sản, vật nuôi bán cho chúng tôi, từ nhiều năm nay cả người mua người bán đều quen nhau hết rồi. Nhiều khi còn điện thoại hẹn nhau về việc giao dịch hàng hóa, nên rất chủ động cho cả 2 bên. Tuy nhiên, bây giờ hàng hóa đi theo đường bộ lên rất nhiều, khiến cho hàng thuyền lên không bán được. Dẫn đến nhiều nhà thuyền phải bỏ cuộc vì không làm ăn được, nên chợ nổi ngày vàng vắng vẻ đi”.

Phụ nữ dân tộc thiểu số lo lắng vì chợ nổi trên sông Đà bị mai một
- Ảnh 2.

Thuyền buôn đã thưa thớt đi rất nhiều so với khoảng chục năm về trước

Bà Đinh Thị Nhường, ở xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, cho biết: “Đối với chị em phụ nữ chúng tôi, thì các chợ nổi này là rất thuận lợi, nó vừa là nơi cung cấp hàng hóa, vừa là nơi tiêu thụ hàng hóa. Người dân làm ra sản phẩm chỉ cần đẩy ra sông vào ngày chợ phiên là tiêu thụ hết, nếu không có chợ phiên trên sông thì sẽ gặp nhiều khó khăn đối với chúng tôi”.

Tuy nhiên, từ khoảng chục năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng phát triển khá tốt, nên cũng ảnh hưởng nhiều đến các phiên chợ trên sông, các phiên chợ đã thưa thớt đi rất nhiều, các nhà buôn thuyền không còn mặn mà với việc buôn bán trên sông. Nên cũng ảnh hưởng khá lớn đến đời sống lao động sản xuất của người dân, đặc biệt là các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, vốn dĩ đã rất quen thuộc với việc giao thương trên sông. 

Đối với chị em phụ nữ nơi đây,  chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng lòng hồ Sông Đà, huyện Phù Yên, huyện Bắc Yên (Sơn La), bởi nó còn là một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sơn cước ven sông. Mỗi người đến chợ phiên nơi đây, ngoài mục đích mưu sinh còn có chung một niềm vui, đó là được gặp, gỡ, giao lưu và chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm