Hoạt động phát triển kinh tế, khởi nghiệp của hội viên phụ nữ tỉnh Đồng Tháp thời gian qua thực sự đã tạo nên một phong trào sâu rộng, có tính lan tỏa và đạt được những kết quả tích cực.
Nhắc đến Đồng Tháp thì không thể không nhắc đến sen. Trong thời gian qua, không ít hội viên phụ nữ đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế từ loại cây này. Trong đó, từ năm 2016, chị Nguyễn Thúy Kiều (ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đã quyết định khởi nghiệp, mở cơ sở chế biến các sản phẩm từ cây sen để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Trong quá trình khởi nghiệp, có lúc chị tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi vấp phải hàng loạt khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức đó, đến nay Công ty TNHH MTV Ba Tre do chị Kiều làm chủ đã phát triển thêm nhiều mặt hàng như bột sữa hạt sen, trà sen, rượu sen, hạt sen sấy khô... Với nhu cầu sản xuất ngày càng tăng cao, đến nay cơ sở đã liên kết thu mua sen với diện tích trên 5ha, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Chị Nguyễn Thúy Kiều cho hay, có được sự thành công như hôm nay một phần là do chị vừa duy trì các sản phẩm hiện có và kết hợp sản xuất thêm các sản phẩm thiết yếu trong mùa dịch như khô, dưa mắm các loại. Đặc biệt, với những kiến thức từ lớp tập huấn về livestream trên mạng xã hội do Hội Phụ nữ tổ chức đã giúp ích rất nhiều trong việc bán hàng online.
Cũng theo chị Kiều, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, chị đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, hiệu quả của các cấp Hội. Theo đó, chị đã được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, phát triển kinh tế; vay vốn để đầu tư mua máy sấy lạnh, máy đóng gói tự động nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong khi đó, với khát vọng nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, chị Phan Thị Kim Diệu - chủ cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười (xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự) cũng đã khởi nghiệp với sản phẩm nước mắm cá linh đậm đà, chuẩn vị truyền thống.
Hội viên phụ nữ tỉnh Đồng Tháp khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ nguồn tài nguyên bản địa và đã mang lại hiệu quả
Trước khi đến với nghề sản xuất nước mắm cá linh, chị Diệu trải qua rất nhiều công việc khác nhau. Sau khi lập gia đình, về làm dâu tại vùng biên giới thị xã Hồng Ngự, chị Diệu nhận thấy vào mùa lũ, lượng cá linh từ thượng nguồn đổ về rất nhiều, người dân địa phương chỉ khai thác được với số lượng ít. Trăn trở trước việc chưa khai thác hết giá trị của nguồn tài nguyên bản địa, chị quyết định khởi nghiệp với mô hình sản xuất nước mắm cá linh.
Không chỉ chăm chút vào chất lượng, chị Phan Thị Kim Diệu còn đầu tư bao bì để sản phẩm thêm bắt mắt và sản xuất đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hiện sản phẩm đã có mặt ở nhiều nơi như Bình Dương, Hà Nội, TP HCM… Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 15.000 -20.000 lít nước mắm các loại. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng với nhiều dòng sản phẩm khác nhau như nước mắm nhỉ, nước mắm nấu, mắm cá linh, mắm cá chốt, khô các loại.
Thực tế cho thấy, từ lâu người dân Đồng Tháp đã cung cấp một lượng lớn nông sản ra thị trường. Tuy nhiên phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ, theo nông hộ, việc tập hợp một lượng hàng hóa lớn khi có đơn hàng lớn là điều không dễ dàng. Chính vì thế, phương thức tập hợp hàng hóa cùng với lực lượng sản xuất hiệu quả nhất là thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Theo Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định việc hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là nhiệm vụ quan trọng. Đây là tiền đề cho việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả và mở ra hướng đi mới cho chị em phụ nữ, doanh nghiệp và người dân.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp xác định việc hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là nhiệm vụ quan trọng
Theo đó, Hội LHPN tỉnh tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chính sách liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp, phát triển kinh tế; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát huy thế mạnh sở trường, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời, đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như hỗ trợ kiến thức, kỹ năng quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh; lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi…
Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp, kinh doanh tại các chợ và các hộ gia đình.
Đồng Tháp đã mạnh dạn, chủ động phát triển mô hình kinh tế, mạng lưới khởi nghiệp từ tỉnh đến cơ sở trên cơ sở tự nguyện nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả do Hội LHPN quản lý như tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, may mặc, trồng hoa kiểng lá, tổ hợp tác trồng và thu bắp non, trồng chanh… trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp, các ngành tạo điều kiện, cơ hội hỗ trợ các chị em có sản phẩm từ khởi nghiệp, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), mô hình kinh tế tập thể tham gia giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện. Phối hợp hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó giúp các sản phẩm ngày càng hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mạ, bao bì. Hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng được mở rộng, mang lại nhiều giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên bản địa.
Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích chị em tham gia "sản xuất sạch, an toàn"
Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cho hay từ việc tham gia các hoạt động khởi nghiệp, chương trình OCOP đến việc khéo léo khai thác nguồn tài nguyên bản địa, nhiều chị em phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm giá trị, mang nét đặc trưng của vùng đất Sen hồng. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, hứa hẹn trở thành ngành hàng phát triển mạnh như hoa sen ướp tươi, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen… Đến nay, Đồng Tháp có hơn 30 sản phẩm, hàng quà tặng từ sen đạt 3-4 sao của chương trình OCOP.
Để thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích chị em tham gia "sản xuất sạch, an toàn". Phối hợp thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Phát triển và mở rộng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng đến việc tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận động chị em tham gia các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm xây dựng chuỗi liên kết. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại giúp hội viên phụ nữ giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tìm kiếm các sản phẩm khởi nghiệp, kết nối các ngành, chuyên gia, doanh nghiệp để tư vấn, hỗ trợ định hướng hoàn thiện các ý tưởng sản phẩm từ quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác, thương hiệu. Quan tâm kết nối các kênh tiêu thụ sản phẩm, huy động nguồn lực hỗ trợ.
Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng; tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại mô hình sinh kế, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên cơ sở tham gia và kết nối có hiệu quả.