Tại diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết: Cách mạng 4.0 tạo ra những thay đổi mang tính đột phá mọi phương diện, sẽ vượt ra khỏi quy mô công xưởng, doanh nghiệp khi được két nối bởi internet, sản xuất vận hành tự động dẫn tới tăng năng suất, giảm sức lực và thời gian lao động.
Đồng thời cách mạng công nghiệp 4.0 tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, giúp phụ nữ và các đối tượng yếu thế có thể tự tin khởi sự và điều hành doanh nghiệp với số vốn đầu tư không lớn, nhưng có thể mang lại lợi nhuận cao và thường xuyên. Phụ nữ có nhiều cơ hội hơn tiếp cận với công nghệ cao, với tiến bộ và công bằng xã hội.
Ngược lại, theo bà Kim Anh, cách mạng 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng; đặc biệt có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Đặc biệt là lao động nữ ở ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp linh kiện sẽ bị dư thừa lao động bởi công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh sẽ thay thế lao động thủ công.
Việc làm giảm, hoặc mất lợi thế về lao động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng. Một loạt vấn đề đang đặt ra: Lao động nữ dư thừa sẽ đi về đâu? Giải pháp nào để tránh thất nghiệp? Đâu là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững?
Để vượt qua thách thức, theo bà Dương Kim Anh, trước tiên phải phát huy sức mạnh nội lực của phụ nữ. Nắm bắt theo xu hướng phát triển của khoa học công nghệ giúp phụ nữ vượt lên trước những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế khi lao động thủ công ở các ngành dệt may, da giày… có thể bị thay thế bằng tự động hóa, robot hóa.
Không chỉ vậy, nắm bắt xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ thông minh trong kinh doanh, phụ nữ có thể gia tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sáng tạo, bứt phá cho doanh nghiệp. Thúc đẩy sức mạnh nội lực của phụ nữ, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo, khởi nghiệp, tăng cường tự chủ, tự tin để có thể ứng phó với trở ngại trong cuộc sống, công việc. Song, để làm được điều đó, phụ nữ rất cần chủ động học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng tốt những thay đổi của thị trường.
Nâng cao và thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; thay đổi cách tiếp cận về giới. Theo bà Kim Anh, bình đẳng giới không có nghĩa là ưu tiên cho phụ nữ; mà là “thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới để họ phát triển, phát huy khả năng, năng lực của cả 2 giới”. Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới không có nhĩa là thực hiện sự cào bằng trong việc phân công lao động giữa 2 giới. Việc khắc phục sự bất bình đẳng giới là tôn trọng những khác biệt giới trong lao động và quan hệ xã hội, nhưng không triệt tiêu những khác biệt tự nhiên giữa 2 giới. Mục tiêu của thúc đẩy bình đẳng giới là hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, phản biện xã hội để bảo đảm tính hiệu lực thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng giới. Triển khai nhiều biện pháp giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, chương trình hỗ trợ phụ nữ để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm về quyền bình đẳng giới.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết về bản chất, nội dung, những thay đổi và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thì phụ nữ sẽ nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình trong xã hội; từ đó học tập, nâng cao nặng lực để có kỹ năng cao hơn, thích ứng với yêu cầu của cách mạng 4.0.
Cùng với đó, tăng cường biện pháp phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tránh bảo thủ, trì trệ, vượt qua các rào cản giới. Những trở ngại về giới như sức khỏe, công việc, gia đình, thời gian sẽ là những bất lợi đối với phụ nữ và những người yếu thế như người nghèo, khuyết tật, người già…
Trong bối cảnh đó, phụ nữ Việt Nam cần phát huy những phẩm chất tốt đẹp của mình, cân bằng cuộc sống, công việc, vượt qua rào cản giới, sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận thay đổi của khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng công nghiệp 4.0.
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng: Trong kỷ nguyên số, các nguyên tắc về tổ chức nơi làm việc, khái niệm việc làm toàn thời gian sẽ thay đổi; thậm chí bản chất nghề nghiệp cũng có sự thay đổi, bị tác động.
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam, trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, có thể bị thay thế bằng máy móc, tự động hóa. Đặc biệt, trong số đó ngành dệt may và da giày có rất đông lao động nữ làm việc sẽ chịu tác động mạnh; người lao động có nguy cơ bị máy móc, thiết bị tự động hóa thay thế.
Cụ thể hơn là các nghề có độ rủi ro cao như: Trồng trọt với khoảng 13,7 triệu việc làm; chăn nuôi với gần 3,2 triệu việc làm; bán hàng và phụ bán hàng với 6,1 triệu việc làm; thợ may với 770 ngàn việc làm… có thể bị máy móc, hệ thống tự động hóa thay thế, khiến người lao động bị mất việc làm.