Phụ nữ phạm tội có xu hướng gia tăng phần nhiều hạn chế về pháp luật

06/01/2018 - 08:37
Thời gian gần đây, đối tượng phạm tội là phụ nữ có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc gây chấn động dư luận… và một trong nhiều nguyên nhân dẫn là do nhiều chị em phụ nữ còn hạn chế về pháp luật, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Chiều ngày 5/1, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ tổng kết Chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật (PBGDPL, TGPL, TVPL, HGCS) giai đoạn 2013-2017 và Ký kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật,… giai đoạn 2018-2022.

Tham dự buổi lễ, có ông Lê Thành Long Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN và đại diện Hội LHPN, đại diện ngành Tư pháp ở một số địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban chính sách – Luật pháp, Hội LHPNVN, đã báo cáo về công tác tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp số 14/CTPH-BTP-HLHPNVN. Cụ thể, hằng năm giữa HLHPNVN và Bộ Tư pháp đều phối hợp rà soát danh sách báo cáo viên pháp luật Trung ương. Theo đó, đến năm 2017, Hội LHPNVN đã có 21 báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, còn tại các địa phương, hiện nay có trên 408.899 Hội viên phụ nữ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở…

pl5.jpg
Toàn cảnh buổi lễ.

Do đó, tại các địa phương cũng hạn chế được tình trạng bất bình đẳng giới, phòng chống các vụ bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán người; giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, dây dưa kéo dài, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như:  16/63 tỉnh thành chưa ký kết chương trình PBGDPL, TGPL, TVPL, HGCS; công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật vẫn còn hình thức, chưa có hiệu quả thực chất, chưa phát huy được vai trò, thế mạnh của các bên...

Các cán bộ hội vẫn còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình, tra cứu văn bản, tham gia xây dựng, giám sát cũng như phản biện xã hội… Việc TGPL miễn phí cho phụ nữ bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng còn thấp so với nhu cầu thực tế.

ppl.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện chương trình phối hợp.

Qua đó, 2 đơn vị đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2022 với những nội dung cụ thể như: Phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở nhằm phổ biến sâu rộng và triển khai thi hành Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Xây dựng kênh trao đổi, cung cấp, cập nhật thông tin giữa 2 bên về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ.

Thứ hai, phối hợp thực hiện công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật, luật sư để trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại các Trung tâm tư vấn pháp luật, ở cấp cơ sở…

Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Phát huy vai trò phản biện xã hội của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề giới, phụ nữ.

pl1.jpg
Lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2022.

 

Ngoài ra, thông qua chương trình ký kết để phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ngành Tư pháp, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác phổ biến pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, lãnh đạo 2 cơ quan cũng thống nhất phân công trách nhiệm cụ thể cho các bên trong triển khai thực hiện chương trình.

Phát biểu tại Lễ ký kết chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HLHPNVN, đánh giá: “Đây là một trong những chương trình phối hợp mà hai bên đã đạt được những kết quả toàn diện, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thực tế và có sức tác động lớn đến phụ nữ ở cấp cơ sở, cộng đồng… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, cơ cấu tội phạm là nữ, trẻ em đang có xu hướng tăng. Trong số các bị can là nữ trong năm 2012 chỉ chiếm 8,4% nhưng năm 2016 chiếm tới 11% và phụ nữ cũng xuất hiện ở hầu hết các loại tội phạm…”.

Theo Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà, bên cạnh việc làm tốt công tác chăm lo hướng dẫn tổ chức cuộc sống gia đình, vay vốn thì một vấn đề đặt ra hiện nay là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đại diện cho phụ nữ ở cấp cơ sở, cộng đồng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam cũng nêu lên một số đề xuất phối hợp thực hiện trong thời gian tới như: Cụ thể hóa các nội dung về tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các đối tượng phải thường xuyên, kịp thời và cần sự phối hợp giữa 2 đơn vị. Ví dụ một số chị em là người dân tộc thiểu số thì những tài liệu cần phải dịch ra tiếng dân tộc họ để tuyên truyền; với những chị em có trình độ học vấn thấp thì cần phải cụ thể hóa bằng những hình ảnh, nội dung sát thực để cho họ dễ hiểu; nhân rộng một số mô hình như: Tủ sách pháp luật, mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức cho chị em làm công tác tư vấn…

pl2.jpg
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Hội LHPNVN chụp ảnh lưu niệm.

Kết thúc buổi lễ, lãnh đạo 2 đơn vị đã ký kết chương trình phối hợp PBGDPL, TGPL, TVPL, HGCS) giai đoạn 2018-2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm