Phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

28/09/2017 - 16:42
Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC tại Huế ngày 28/9 với chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân”.
pct-nuoc-dang-thi-ngoc-thinh.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC

 

Sức ảnh hưởng của phụ nữ ở khu vực kinh tế tư nhân
 
Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với hơn 500 đại biểu, trong đó có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, bà Lakshmi Puri - Phó Giám đốc điều hành tổ chức Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), các nữ tổng giám đốc và giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và thế giới…
bo-truong-lao-dong-dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế là 1 trong 3 sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.

APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động với hơn 60% ở khu vực chính thức. Đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.
 
doi-thoai-cong-tu-apec-4.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện các nền kinh tế APEC

Đối thoại công- tư về Phụ nữ và Kinh tế năm nay sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới. Các nội dung này là sự cụ thể hóa 3 ưu tiên của Diễn đàn về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. 

doi-thoai-cong-tu-apec-2.jpg
Các đại biểu trao đổi bên lề Buổi đối thoại

Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ. Các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị trong đối thoại sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới để tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực.

 
Triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao chủ đề “Phụ nữ là doanh nhân”của Đối thoại dù ngắn gọn nhưng thể hiện một tinh thần quyết tâm, nghị lực vươn lên của các doanh nhân nữ trong thời kỳ mới. “Cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ và được lắng nghe cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế. Từ đó, chúng ta cần xây dựng tầm nhìn chiến lược cho những năm tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy sự trao quyền kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung, trong đó có vai trò phối hợp vô cùng quan trọng của từng nền kinh tế thành viên APEC chúng ta”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước cho rằng mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở phát lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

pct-nuoc-dang-thi-ngoc-thinh-2.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm một gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm lụa Việt Nam

Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận khó khăn thử thách để tiến lên phía trước.
(Mời xem toàn văn phát biểu của Phó Chủ tịch nước tại đây)

 
Trao quyền cho phụ nữ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất
 
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho biết tiềm năng của chị em trong kinh doanh là rất lớn, là “mỏ vàng ròng” trong các nền kinh tế nếu biết khơi dậy. “Trên thế giới có quan điểm là Trung Quốc và Ấn Độ không hẳn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới. Tôi đồng tình với quan điểm: “hãy quên Trung Quốc, quên Ấn Độ, quên Internet… hãy tin vào phụ nữ. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là các động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong tương lai”, ông Lộc nói.
chu-tich-vcci-vu-tien-loc.jpg
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đang và mãi mãi sẽ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất, tiềm năng và đem lại lợi nhuận cao nhất”, bà Lakshmi Puri, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women, phát biểu trước đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

“Đây là một khoản đầu tư đúng đắn, thông minh và hết sức cần thiết để xóa đói giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và nhanh chóng; giảm bất bình đẳng và không bỏ lại ai phía sau; cũng như để đem lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người”, bà nói thêm.
lakshmi-puri-pho-giam-doc-unwomen.jpg
Bà Lakshmi Puri, Phó Tổng giám đốc Điều hành UN Women

Bà Lakshmi Puri nhấn mạnh sự phân biệt đối xử có tính hệ thống với phụ nữ đã hạn chế sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ vào nền kinh tế, nhưng khi phụ nữ có thu nhập ổn định và tự chủ kinh tế, họ có cơ hội tốt hơn để thực hiện nhiều quyền xã hội, chính trị và kinh tế.

Bà Lakshmi Puri bày tỏ sự tin tưởng những nội dung được thảo luận tạị Đối thoại sẽ là đầu vào quan trọng cho Tuyên bố cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017. UN Women sẵn sàng hỗ trợ các thành viên APEC thực hiện Tuyên bố này. Bà kêu gọi APEC tham gia cùng  với UN Women thực hiện các cuộc vận động về thu hẹp khoảng cách giới trong hoạt động kinh doanh, về chấm dứt bạo lực với phụ nữ, quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc, về “hành tinh 50/50”….

Nhấn mạnh lợi ích của trao quyền cho phụ nữ, Bà Puri cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm