Phụ nữ từ bỏ xe buýt nhanh vì bất tiện

12/05/2017 - 17:43
Di chuyển từ nhà đến bến xa trong khi mang giày cao gót, không thể đưa đón con đi học, thiếu cơ động là những lí do chính khiến nhiều phụ nữ ban đầu sử dụng xe buýt nhanh sau đó phải từ bỏ.
buyt-nhanh-hn-brt.jpg
Sản lượng khách đi xe buýt nhanh BRT đạt trung bình khoảng 40 khách/lượt; chỉ đạt 50% so với thiết kế (ảnh NT)

Chị Trần Thị Hoàn cho biết gia đình sống tại chung cư trên đường Tố Hữu (Hà Nội) và sử dụng phương tiện xe buýt đến cơ quan hằng ngày. Có tuyến buýt nhanh BRT thì giờ đi làm và về nhà đã nhanh và ổn định hơn đáng kể so với xe buýt thường trước đây trên chính tuyến này. Chị Hoàn cũng cho biết, vào giờ cao điểm, tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa không đông hơn những xe buýt cũ là bao. “Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào BRT chưa thật hiệu quả, mà thực tế chỉ cần mua thêm dăm chiếc xe buýt tốn chừng hơn 10 tỷ đồng để tăng cường độ xe từ 30 phút/chuyến lên 10-15 phút/chuyến là đã đáp ứng được nhu cầu của người dân đi trên tuyến này”, chị Hoàn bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Thuận cho biết từ ngày 1/1 có tuyến buýt nhanh BRT chị đã chuyển từ xe máy sang loại phương tiện công cộng này. Với công việc hành chính, ít phải di chuyển nhiều, phương tiện này đáp ứng được về nhu cầu đi lại cố định của chị.
Tuy nhiên, thời gian duy trì cũng không được bao lâu bởi xuất hiện nhiều bất tiện. Nhà chị ở khu vực Nam Trung Yên ra đến điểm bắt xe buýt BRT phải đi bộ khá xa, chưa kể với phụ nữ luôn đi giày cao gót thì cũng là một trở ngại. Không chỉ vậy, việc đưa đón con đi học mỗi sáng và chiều hằng ngày, buộc chị phải lên xuống nhiều chặng xe.

Theo chị Thuận, cả cơ quan chị thời gian đầu cũng có hẳn “phong trào” đi xe buýt công cộng đi làm, nhưng rồi lại lắng xuống. “Phương tiện giao thông được người dân lựa chọn đầu tiên phải là sự thuận lợi và cơ động. Đặc biệt với người đang trong độ tuổi lao động thì nhu cầu đi lại, phục vụ công việc rất cần loại phương tiện nhanh, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, những người ở vị trí cách xa bến chờ và có nhu cầu di chuyển nhiều ở các tuyến phố khác nhau thì xe buýt lại chưa đáp ứng được. Trong khi hệ thống phương tiện ở các tuyến nhánh, kết nối với tuyến buýt nhanh hiện nay vẫn chưa đồng bộ, không thuận lợi cho người dân. Chính sự bất tiện này đã khiến chị cũng như nhiều người trong "phong trào đi xe buýt" không thể tiếp tục sử dụng xe buýt.

buyt.jpg
Xe buýt nhanh thoáng đãng nhưng nhiều người không lựa chọn vì còn bất tiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, cho biết: trong 4 tháng đầu năm 2017, sản lượng khách đi xe buýt nhanh BRT đạt trung bình khoảng 40 khách/lượt; chỉ đạt 50% so với thiết kế.

Theo số liệu của Transerco, lượng khách trên tuyến Hanoi BRT thấp nhất vào các ngày Chủ Nhật là 11.000 hành khách/ngày và lượng khách các ngày trong tuần ổn định khoảng 14.000-15.000 hành khách/ngày.
Qua số liệu này, chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, lượng hành khách sử dụng BRT để đi làm, đi học vào các ngày làm việc trong tuần chỉ khoảng 4.000-5.000 hành khách/ngày, chiếm khoảng 30%; và 70% lượng khách còn lại sử dụng BRT cho các mục đích khác, không phải đi làm, đi học.
“Có thể kết luận rằng, Hanoi BRT chưa đủ sức hấp dẫn để những người trong độ tuổi đi làm, đi học sử dụng xe buýt nhanh thay cho xe máy để đi làm hàng ngày”, ông Quang khẳng định.

Ngoài ra, so với kinh nghiệm của thế giới, năng lực vận chuyển của tuyến Hanoi BRT còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với năng lực vận chuyển BRT của thế giới (15.000 hành khách/17 giờ/ngày, tương đương khoảng 882 hành khách/giờ, so với 9.000-20.000 hành khách/giờ của thế giới).
Ông Quang nhấn mạnh: “Như vậy, tiềm năng vận chuyển của tuyến BRT còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm