Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo

Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo

Giữa muôn trùng sóng gió, những người phụ nữ trên thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) kiên cường vượt qua những khó khăn; góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thêm yêu Trường Sa

Khi các đại biểu Hội LHPN Việt Nam tham gia Đoàn công tác số 16 đến thăm cũng vừa đúng lúc chị Lê Thị Minh Diệu (36 tuổi, đảo Trường Sa) đang chăm sóc vườn rau xanh sau nhà. Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng dưới bàn tay vun trồng, chăm sóc khéo léo của người phụ nữ, những luống cải ngọt, dàn mồng tươi vẫn xanh tươi mơn mởn.

Chị Diệu cho biết, do cuộc sống đặc thù trên đảo nên hằng ngày chị chủ yếu ở nhà chăm sóc, quán xuyến cho gia đình. Bên cạnh đó, chị còn trồng thêm rau, nuôi thêm gia cầm để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ hai trái qua) thăm hội viên, phụ nữ đang sinh sống trên đảo Trường Sa. Ảnh: Đình Hưng

Cũng theo chị Diệu, trong thời gian đầu mới sống trên đảo, do thay đổi môi trường sống, cách ăn uống cũng khác nên chị phải thích nghi dần. Đến nay thì tất cả các thành viên trong gia đình đã quen với nhịp sống tại đảo, việc học hành của các con cũng rất yên tâm. Các hộ dân sống trên đảo hòa đồng, vui vẻ.

"Khi thích nghi rồi thì thấy cuộc sống ở đây phù hợp với gia đình. Đặc biệt, người dân luôn được các cán bộ, chiến sĩ quan tâm, từ những việc nhỏ nhặt nhất", chị Diệu tâm sự.

Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia Lễ diễu binh, diễu hành trên đảo Trường Sa. Ảnh: Đình Hưng

Trong khi đó, chị Lê Thị Hoa Trâm (36 tuổi) cảm thấy hạnh phúc khi đang mang thai cháu thứ hai được 4 tháng, khi con trai đầu đã được 2 tuổi. 

Chị Trâm chia sẻ, khó khăn nhất trong thời gian đầu sống trên đảo Trường Sa là nỗi nhớ người thân. "Nhiều hôm, tôi đứng hướng mắt về đất liền. Nỗi nhớ nhanh chóng vơi dần khi được sự quan tâm của chính quyền, khi cùng chuyện trò cùng chị em sống trên đảo, trồng thêm rau, nuôi thêm gia cầm. Đặc biệt là nhận được sự quan tâm của chồng", chị Trâm tâm sự.

Anh Phạm Quốc Sang - chồng chị Trâm - chia sẻ, ở đất liền cuộc sống của hai vợ chồng khá đơn giản, lại yêu thương nhau nên chỉ trong thời gian ngắn, cả hai đã thích nghi với cuộc sống ở đảo. Được sinh sống trên đảo cũng là niềm vinh dự, tự hào của gia đình khi góp sức nhỏ bé bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 3.
Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 4.
Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 5.

Đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền làm trưởng đoàn thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa.

Chị Phạm Thị Bảy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thị trấn Trường Sa, cho biết, các chị em sống trên đảo chủ yếu làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Thời gian đầu mới từ đất liền ra, hầu như ai cũng có cảm giác bỡ ngỡ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì dần quen với cuộc sống ở nơi này và ngày càng gắn bó, yêu mảnh đất này hơn.

"Cuộc sống gia đình đảo thì vợ chồng có nhiều thời gian ở gần nhau hơn. Nhà ở cạnh nhau nên chị em thường chuyện trò, tâm sự. Đặc biệt, các hộ dân sống trên đảo luôn được cán bộ và chiến sĩ hỗ trợ, chia sẻ trong cuộc sống", chị Bảy cho hay.

Tâm huyết xây dựng và bảo vệ biển, đảo

Cũng tại đảo Trường Sa, hằng ngày, thế hệ măng non vẫn sinh sống và học tập, vui chơi. Bé Chương Nguyễn Triệu Vy, hiện học lớp 3 nói rằng cuộc sống trên đảo rất vui vì luôn được thầy giáo yêu thương. Ngoài thời gian đi học thì Vy còn được chơi đùa cùng các bạn, các em và nhận được tình cảm yêu thương của cán bộ, chiến sĩ. 

Thầy Lê Xuân Hạnh - Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, cho biết, hiện trên đảo Trường Sa đang có 9 học sinh, gồm 6 cháu mầm non và 3 học sinh tiểu học. Các em vẫn thực hiện học 2 buổi/ngày và học đầy đủ các môn; do số lượng học sinh ít nên các em học sinh học lớp ghép. Điều này cũng khiến quá trình dạy học, thảo luận nhóm gặp phải một số khó khăn. Để khắc phục những hạn chế này, các giáo viên sử dụng các phương pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 6.
Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 7.
Phụ nữ với Trường Sa - Bài 3: Những người phụ nữ kiên cường bám đảo- Ảnh 8.

Các em nhỏ sinh sống trên đảo Trường Sa trong tình thương của gia đình và cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Đình Hưng

"Vợ và con ở đất liền, con cái cũng đã lớn nên bản thân tôi hoàn toàn yên tâm công tác. Các cháu học sinh trên đảo đều chăm ngoan, lễ phép, đạo đức tốt, học giỏi", thầy Lên Xuân Hạnh chia sẻ.

"Với ý chí, nghị lực, quân và dân đã chung tay xây dựng đảo Trường Sa từ một hòn đảo cát trắng thành hòn đảo xanh tươi, đầy sức sống, rợp bóng mát của các loại cây. Từ đó càng hiểu và khâm phục hơn bản lĩnh, ý chí thép của các cán bộ, chiến sĩ; vượt qua khó khăn, gian khổ và sáng tạo trong lao động, công tác để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau

Trung tá Trần Quang Phú - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, bà con sống trên đảo, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, thị trấn Trường Sa  thành lập Chi hội phụ nữ và tổ chức kết nghĩa với các đơn vị trên đảo.

Vào các ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước hoặc những ngày truyền thống của đơn vị, các chị em cùng với các lực lượng trên đảo tham gia các hoạt động như văn hóa văn nghệ, bình thơ, bình báo tường, trong điều kiện thời tiết nắng nóng còn tham gia hoạt động "Bát nước thao trường"… giúp tăng tình đoàn kết quân dân. 

Bên cạnh đó, vào thời gian nghỉ hằng ngày, quân và dân đều có các hoạt động thể dục thể thao, giúp đỡ nhân dân trồng rau, trồng cây. Người dân luôn tâm huyết với việc xây dựng, bảo vệ biển đảo.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau bày tỏ sự xúc động khi được trực tiếp đến thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù điều kiện sống, sinh hoạt, công tác còn vô cùng vất vả, khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều chiến sĩ trẻ đều tự tin với tinh thần lạc quan. Họ luôn khẳng định giữ chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc biển đảo, vùng trời thân yêu của Tổ quốc. 

(còn nữa)

Đình Hưng
14/05/2024 09:00