Quà vặt: Tốn lớn

03/09/2015 - 17:26
Mỗi khoản ‘quà vặt’ thường chỉ vài ba nghìn đồng. Tuy nhiên, cộng gộp tất cả chi phí cho các món quà vặt lại không nhỏ chút nào.

Mỗi khoản “quà vặt” thường có giá trị rất nhỏ, chỉ từ vài ba nghìn đến trên dưới chục nghìn đồng là cùng. Vì vậy, sẽ rất khó hình dung tác động của thói quen “ăn quà vặt” đối với sự ổn định của tài chính gia đình. Tuy nhiên, nếu cộng gộp tất cả chi phí cho các món quà vặt, thì có thể thấy nó chẳng “vặt” chút nào.

Atx---Quavat1.jpg

Thời gian rảnh rỗi càng nhiều thì nhu cầu ăn quà vặt càng tăng lên. Ảnh minh họa: internet

Theo thống kê tại một cơ quan nhỏ ở TP.HCM, mỗi người tại đây trung bình đã chi khoảng 40.000 đồng cho nhu cầu “quà vặt” mỗi ngày. Đặc biệt, với cánh nữ giới thì chi phí quà vặt thường cao hơn so với nam giới khoảng 30-60%. Như vậy, mỗi tháng khoản chi cho quà vặt đã lên đến… tiền triệu, tức khoảng 25% tổng thu nhập trung bình của các nhân viên tại cơ quan nào.

Điều rắc rối là, vì “mặc định” khoản tiền này là “vặt” nên không ai “quy hoạch” nó vào kế hoạch chi tiêu của gia đình. Và cũng vì là “vặt” nên nó thường được chi một cách… tùy hứng. Do đó mà gần như không thể quản lý được khoản chi “rất đáng kể” này. Và thực tế, không ít gia đình đã rơi vào căn bệnh “viêm màng túi” mà tính từ những khoản chi tưởng như là “vặt” này.

Tại một khu nhà trọ công nhân ở Bình Dương, nhiều chị em cho biết, trước đây mặc dù họ đã cố gắng “quy hoạch” chi tiêu và thực hiện rất nghiêm ngặt nhưng không hiểu sao tháng nào cũng thiếu hụt. Gần đây, do công việc không ổn định, thu nhập bị giảm khoảng 30% nên họ tiếp tục “siết” chi tiêu thêm một lần nữa. Và khoản chi bị “siết” lần này, chính là tiền ăn quà vặt. Kết quả thật bất ngờ: Mặc dù tiền lương bị giảm nhưng hằng tháng họ vẫn để dư ra được chút đỉnh, thường chỉ một vài trăm ngàn thôi nhưng dẫu sao cũng còn khá hơn so với trước.

Theo nhiều chị em cho biết, so với giới nữ cũng như trực tiếp sản xuất, thì cánh làm văn phòng, công sở có nhiều điều kiện để ăn quà vặt hơn. Công việc càng “nhàn”, thời gian rảnh rỗi càng nhiều thì nhu cầu ăn quà vặt càng tăng lên. Và để cưỡng lại “ham muốn” này, nhiều chị em đã phải rất vất vả tự khép mình vào một thứ “luật lệ” do chính mình đặt ra. Bên cạnh đó, họ còn phải “chống lại” cả sự soi mói của các đồng nghiệp, bạn bè và tập thói quen “phớt lờ” những dị nghị, điều tiếng từ dư luận. Thế mới thấy, bỏ được thói quen này không hề dễ dàng chút nào!

Bên cạnh đó, một hệ quả tuy là gián tiếp nhưng cũng không phải không phổ biến, đó là những khoản chi phí để “khắc phục” những “sự cố không mong muốn” do quà vặt mang lại. Thường quà vặt là những món đồ ăn “handmade” rất mất vệ sinh nên những người có thói quen ăn quà vặt hay mắc các chứng bệnh đường tiêu hóa cũng là điều dễ hiểu. Ăn quà vặt mất 1 đồng thì tiền thuốc để chữa bệnh do quà vặt phải tốn đến 4-5 đồng. Vậy là “thiệt đơn thiệt kép”!

Đó là lý do mà lời kêu gọi “hãy bớt ăn quà vặt” đang ngày một nhiều và trở nên “khẩn thiết” hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm