pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quan điểm "gây bão" mạng: Ở Việt Nam, chứng chỉ IELTS đang ngày càng "méo mó"
Chứng chỉ IELTS là một trong nhiều cách để chứng minh năng lực tiếng Anh hiện tại. Vài năm gần đây, nhiều trường có chính sách tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có điểm IELTS cao từ cấp THCS, THPT cho tới đại học. Chính vì vậy, nhiều bố mẹ cho con đi ôn luyện từ rất sớm, thậm chí từ cấp... tiểu học để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ làm đẹp hồ sơ.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này vô tình tạo nên một "cuộc đua" bất thường về điểm số IELTS. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này và nhận được rất nhiều sự chú ý, bình luận trái chiều.
Bài viết đó cho rằng: Cuộc đua IELTS đang ngày càng "méo mó" bởi nhiều người chưa hẳn đã hiểu hết về chứng chỉ được cho là "quyền lực" này. Đồng thời, muốn phát triển đất nước thì phải ưu tiên khoa học công nghệ chứ không chỉ chạy theo chứng chỉ ngoại ngữ.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng nguyên văn bài viết này.
Hiểu sai lệch về IELTS
Chứng chỉ IELTS sinh ra vốn dĩ là để chứng minh khả năng của 1 sinh viên ngoại quốc khi tham gia học ở Anh hoặc Mỹ hay nhiều quốc gia khác. Tức khi bạn có chứng chỉ IELTS bạn sẽ có khả năng sử dụng được tiếng Anh trong môi trường học thuật ở những quốc gia này.
Vì lẽ đó, IELTS không sinh ra dành cho học sinh cấp 2 hay cấp 3. Nó dành cho sinh viên đại học bởi vì chỉ ở độ tuổi này, các em mới được trang bị các kiến thức Khoa học, Kĩ thuật, Kinh tế chuyên ngành.
Các bài thi của IELTS đều rất Academic và hàn lâm. Ví dụ như một bài Reading của IELTS về chủ đề Kinh tế sẽ sử dụng rất nhiều thuật ngữ hàn lâm như Interest rate (lãi suất), inflation (lạm phát), deflation (giảm phát).... Những thuật ngữ này không phải là vấn đề ngôn ngữ, mà là kiến thức chuyên ngành - vì có dịch ra tiếng Việt thì nhiều học sinh Việt Nam cũng không hiểu đó là cái gì. Nhưng khi đã là sinh viên thì họ được học qua những kiến thức chuyên ngành tổng quát, nên sẽ hiểu và dựa vào những kiến thức đã học để tự viết bài luận.
Như thế đó chính là mục đích chính của kĩ năng Writing khi học IELTS. Tức học IELTS như là dạy bạn biết đi xe máy (công cụ), sau đó bạn mới dùng cái công cụ đó để đem nó đi kiếm tiền. Nhưng nếu chỉ biết IELTS thôi, mà không có kiến thức chuyên ngành, thì bạn cũng chẳng thể làm được gì, chẳng biết viết lách, nghiên cứu cái gì.
Do đó, đi học Tiến sĩ ở nước ngoài người ta cũng chỉ cần IELTS tới 6,5 cơ bản là đủ. Không hiểu sao ở Việt Nam đua nhau luyện tới 7, 8 chấm để làm gì?
Như thế, ngay cả bạn là 1 người Việt Nam, thông thạo tiếng Việt; nhưng tôi đố bạn có thể viết được 1 bài luận bằng tiếng Việt về Kinh tế học, Toán học, Vật Lý, Sinh học, Y học,… nếu như bạn không có kiến thức chuyên môn về mảng đó. Như thế ở đây vấn đề không phải là ngôn ngữ, mà là kiến thức chuyên ngành.
Vậy tại sao học sinh Việt Nam vẫn luyện thi được IELTS? Đó là vì chúng ta học cái gì cũng biến nó thành luyện thi được hết. Học sinh sẽ phải nhồi nhét những tips, tricks (mẹo làm bài),… dạng đề quen thuộc, học thuộc lòng như 1 cái máy để đem đi thi lấy điểm rồi về... khoe.
Trong khi đó đảm bảo các em học sinh này không thể, không bao giờ viết nổi 1 bài báo khoa học, 1 luận văn về bất cứ chủ đề khoa học nào bằng tiếng Anh cả. Bởi vì đơn giản các em ấy chỉ được luyện thi như 1 con gà mà thôi.
Nhiều bài luận văn mẫu IELTS mà các em học sinh học thuộc lòng để đi thi, đến Tiến sĩ học nước ngoài đọc mà còn thấy choáng vì cách hành văn dùng từ thuật ngữ quá cao siêu và đẳng cấp.
Giỏi tiếng Anh thì một người bình thường ở Mỹ cũng giỏi tiếng Anh gấp nhiều lần các bạn 8, 9 chấm ở nước ta. Cái người ta cần là giỏi chuyên ngành, chứ không phải chỉ giỏi tiếng Anh.
Nền tảng phát triển của một quốc gia là Khoa học, Công nghệ chứ không phải ngôn ngữ
Tiếng Anh đúng là rất cần thiết và quan trọng thật, nhưng tiếng Anh giống như bao ngoại ngữ khác nó cũng chỉ là công cụ, không có quốc gia nào lấy việc học ngoại ngữ ra để làm nòng cốt phát triển khoa học cho đất nước cả.
Muốn phát triển giáo dục, khoa học cho nước nhà phải bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Đó là nền tảng để phát triển khoa học, đào tạo ra thế hệ kĩ sư, chuyên gia, kinh tế gia cho nền khoa học và đất nước.
Học giỏi tiếng Anh đúng là tốt, nhưng nó chỉ có lợi ở cấp độ cá nhân; tức ai giỏi tiếng Anh thì đi làm nghề phiên dịch, dạy tiếng Anh,… Còn ở cấp độ quốc gia khi đua nhau định hướng cho cả xã hội chỉ có học tiếng Anh mà bỏ qua các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác thì cực kì tai hại.
Học tiếng Anh không giải quyết được bất cứ vấn đề gì liên quan tới khoa học kĩ thuật để phát triển đất nước, mà mục đích của nó chỉ là 1 cái vòng xoáy: Học giỏi tiếng Anh – mở lớp đi dạy – rồi lại đào tạo ra 1 thế hệ đua nhau đi học tiếng Anh để tiếp tục cái vòng xoáy bất tận đó.
Cuối cùng xã hội, nền khoa học, giáo dục nước nhà không thu được gì cả.
Nhiều người cũng sai lầm khi nghĩ giỏi tiếng Anh sẽ giỏi Toán, Lý, Hoá. Tiếng Anh chỉ mang tính chất "cày kéo", không phải tư duy như Toán và các môn khoa học tự nhiên. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… bao nhiêu quốc gia phát triển ở Châu Á này, đều thi cử học hành rất căng thẳng các môn Toán, Lý Hoá nhằm tuyển chọn nhân tài cho đất nước; nhưng tuyệt đối không bao giờ họ lấy tiếng Anh ra để làm tiêu chí xét tuyển cả.
Học ngoại ngữ chỉ nên khuyến khích ở cấp độ cá nhân mỗi người. Còn xét tuyển đại học, phổ thông mà chạy theo chứng chỉ IELTS một cách đại trà thì hại nhiều hơn lợi.