Xin chào doanh nhân Đường Thu Hương, với chị mâm cỗ và bài trí ngày Tết có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt Nam?
Những mâm cỗ ngày Tết là truyền thống quý giá của người Việt và mình giữ theo những nét truyền thống ấy. Mâm cỗ Tết luôn có gà, có bánh chưng, dưa hành, cải muối. Hoặc một nồi thịt kho cũng làm cho bữa cơm ngày Tết rất ấm áp. Đây là những món không thể thiếu trong ngày Tết.
Mặc dù mọi người có ngán ăn những món đó nhưng nếu ngày Tết không thấy món ăn này thì lại không thấy không khí Tết.
Còn hoa thì mình có thể trang trí tùy theo sở thích nhưng tuỳ vào điều kiện thời tiết và ý nghĩa của các loài hoa mình có thể linh động lựa chọn. Hoa lan, hoa cúc mình có thể chơi lâu hơn. Đặc biệt là những cái màu sắc của hoa Tết như hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam.
Chị có nói rằng năm nay chị thích màu chủ đạo là màu vàng? Vừa hay năm nay cũng là năm rồng vàng. Vậy thì năm Thìn đối với doanh nhân Thu Hương có ý nghĩa như thế nào?
Thật ra thì tôi là một người rất ít chú ý đến Tết năm con gì. Dù là năm Thìn hay năm Mão hay năm Mùi cũng là Tết cả. Hồi sáng, tôi còn hỏi vui mọi người trong nhà năm này là năm gì? Hình như là năm rồng.
Tôi là một người có tư tưởng cũng khá là cấp tiến, bản thân nghĩ bất cứ một năm nào thì mình cũng chuẩn bị một tinh thần tốt nhất và cũng lường trước những trường hợp không may mắn trong công việc, cuộc sống.
Trong công việc, tôi là một người luôn luôn chuẩn bị những gì tốt nhất và những cái gì lường trước được, tôi sẽ cố gắng chu toàn nhất.
Nếu mà bão tới thì mình cũng biết đường tính toán cho hợp lý và đương nhiên ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân.
Vậy nếu quay ngược lại về thời quá khứ, không biết rằng, ký ức Tết của chị Hương như thế nào? Chị cảm nhận sự khác biệt đó so với hiện tại ra sao? Chị sẽ yêu cái Tết của thời còn bé hay bây giờ?
Mỗi một lứa tuổi mình lại có một điều ước khác nhau và mình đều có những lo toan khác nhau.
Lúc nhỏ chỉ mong mặc được những cái áo đẹp nhất. Đi chúc ông bà nhận bao lì xì, mặc dù không biết trong đó có bao nhiêu tiền nhưng ai ai cũng xúng xa xúng xính. Vào đêm giao thừa, ba mẹ còn chuẩn bị cho con những bộ quần áo đẹp nhất, mùng 1 đi chúc Tết ông bà, đi chùa. Và mong muốn nhất đó là được thấy gia đình đoàn tụ, vui vẻ.
Còn khi lớn lên một chút, mình lại có những lo toan riêng, đó là phải giúp ba mẹ chuẩn bị dọn dẹp nhà để đón khách, cùng vào bếp nấu một mâm cơm.
Và khi mình lớn lên một chút nữa thì mong sự sum vầy và ấm cúng là điều quan trọng nhất. Nếu mà năm đó Tết được sum vầy, tất cả gia đình, bạn bè ai cũng sống mạnh khỏe, ai cũng vui vẻ, đó là niềm mơ ước của hầu hết mọi người.
Chị đã từng chia sẻ rằng: Tết là chúng ta phải trở về. Dù có bận rộn thế nào thì chúng ta cũng nên gác mọi công việc ở đằng sau và trở về bên gia đình. Với chị, thông điệp "Tết là quay trở về" có ý nghĩa như thế nào?
Người phương Tây có những ngày lễ quan trọng như Tết Tây, Giáng sinh... Còn người Việt Nam thì Tết luôn luôn gắn liền với chữ Tết đoàn viên, Tết sum vầy. Điều đó có nghĩa là dù chúng ta làm gì, ở đâu thì sự sum vầy gia đình vẫn là điều cao quý nhất.
Ngày Tết, chúng ta ăn một bữa cơm cùng gia đình. 30 Tết, đường vắng tanh, chỉ có một vài người quét rác nhưng họ vẫn hối hả để có thể về đón Tết với người thân.
Bữa cơm cúng Giao thừa với gia đình và cùng nhau đón một năm mới là điều rất xúc động đối với tôi.
Tôi thường được mời đi nói chuyện với các bạn sinh viên, có những bạn phải đón Tết xa nhà, tôi rất thông cảm, xúc động. Có thể, do hoàn cảnh gia đình, vì bận rộn... nên các em không kịp mua vé về quê ăn Tết.
Nhưng tôi luôn nói với các bạn rằng đây chỉ là sự hi sinh bản thân tạm thời để mình có thể tốt hơn ở tương lai, để có công việc tốt hơn, ý chí vươn lên hơn.
Tết rất đặc biệt, nó đặc biệt ở chỗ đó là kể cả chúng ta là doanh nhân hay chỉ là những người lao động bình thường nhưng chúng ta đều đón Tết rất công bằng với nhau. Chúng ta cũng đều có dưa mắm, bánh chưng, nồi thịt kho... Tết gắn kết mọi người và không chê người giàu và người nghèo. Nhưng nếu có quan điểm bỏ Tết cổ truyền hoặc gộp Tết Tây và Tết ta, chị nghĩ sao?
Mọi người nhìn tôi và nghĩ rằng tôi học ở phương Tây thì lối suy nghĩ sẽ thoáng và có phần giống người phương Tây. Nhưng mà nếu ai nói bỏ Tết ta hoặc gộp Tết thì tôi là người phản đối đầu tiên.
Bởi vì mỗi một đất nước, văn hóa là một điều rất quan trọng. Ví dụ như nhắc đến kimono, mọi người sẽ nghĩ đến người Nhật và Việt Nam phải là áo dài.
Thường khi nghĩ về tà áo dài, mọi người thường liên tưởng đến ngày Tết. Hoặc ví dụ như Tết phải có bánh chưng. Mặc dù, bánh chưng bây giờ ngày nào cũng bán, nếu bảo ăn bánh chưng ngày thường thì đôi khi mình rất ngán, nhưng trong ngày Tết thì dù có kiêng cỡ nào, sợ béo cỡ nào cũng vẫn ăn một chút, đúng không? Đó là nét văn hoá, là đời sống tinh thần của người Việt.
Câu nói "Tết luôn công bằng với tất cả và không phân biệt người giàu và người nghèo", tôi rất đồng ý vì ai cũng có quyền đón Tết, cũng ăn Tết với những phong tục, nếp sống gần như nhau cả, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, quan trọng nhất vẫn là sum họp gia đình.
Trong suốt hành trình của chị Đường Thu Hương, có bao giờ chị đón Tết xa quê chưa? Và có bao giờ cái Tết của chị chưa trọn vẹn hay không?
Tất nhiên là có! Năm 1992, tôi được đi học ở nước ngoài. Cái Tết đầu tiên ở đó là cái Tết thê thảm nhất. Tại vì thời điểm đó nước Mỹ rất lạnh, khu tôi sống không có người Việt.
Ngoài ra, có một năm, Tết với tôi cũng không trọn vẹn. Đó là năm ba tôi mất. Trong nhà thì vẫn chuẩn bị Tết nhưng không khí không rộn ràng, không vui tươi như trước. Bởi vì đó là năm đầu tiên, một người thân yêu nhất trong gia đình của tôi không còn.
Quan điểm gay gắt nhưng vô cùng thấm về ngày Tết của nữ doanh nhân nổi tiếng đất Sài Thành
Vậy chị Thu Hương đã dạy hoặc đã hướng dẫn cho con cái của mình về việc đón Tết truyền thống như thế nào?
Tôi khá khắt khe với con cháu trong việc lễ nghĩa ngày Tết. Tôi thường nói với con cháu của mình về những lễ nghĩa ngày Tết. Để dạy cho con cháu, tôi thường chuẩn bị trước, trong lúc chuẩn bị, tôi thường bắt con cháu phải chung tay vô làm, phụ việc dù bản thân mình cũng có thể làm được.
Tôi muốn con cháu mình hiểu được những nét văn hoá truyền thống, chẳng hạn như ý nghĩa của bánh chưng, tại sao ngày Tết lại có bánh chưng. Nhiều con cháu của tôi sống ở nước ngoài, nên các phong tục, văn hoá ngày Tết ở Việt Nam, các con không nắm được, vậy nên tôi luôn kiên nhẫn để giải thích và truyền đạt ý nghĩa hay, tốt đẹp của Tết đến với con cháu của mình.
Vậy chị cân bằng giữa công việc ngoài xã hội của mình và chăm sóc gia đình như thế nào?
Tôi là người thà làm việc ít một chút nhưng mà vẫn dành thời gian để chăm sóc gia đình. Do đó, tôi là người khá cân bằng trong công việc và chăm sóc người thân. Tôi có thể chia được thời gian để vẹn toàn công việc xã hội và gia đình.
Tôi cũng luôn dặn các bạn trẻ là phải có kế hoạch cụ thể, việc gì quan trọng nên làm trước, không quan trọng thì làm sau. Đến bây giờ, tôi vẫn làm theo điều này và ít khi bị sót việc gì đó, dù là nhỏ nhất.
Chị có định hướng con cái theo con đường của mình không? Hay là chị muốn để cho con mình sẽ tự phát triển theo sở thích riêng?
Định hướng là luôn luôn có. Nhưng định hướng là một chuyện còn sở thích và năng lực của các con là một điều khác. Vậy nên, với con cháu của mình, họ có những xu hướng, tài năng thế nào mình sẽ chọn cách đồng hành để tư vấn.
Bản thân tôi khá áp đặt với trẻ con để uốn nắn các con nhưng lại luôn luôn mở với con cái mình khi họ trưởng thành để bản thân họ phát triển theo cái mình mong muốn.
Vậy thì gia đình là điểm tựa như thế nào đối với chị Thu Hương trong công việc, trong đời sống tinh thần, tình cảm lẫn mối quan hệ và xã hội?
Gia đình là điểm tựa lớn nhất trong đời sống tinh thần của tôi, đó là điều không thể chối cãi. Cho dù bản thân mình có mạnh mẽ cỡ nào, có những va vấp, vụng về, có những lúc mình thấy bản thân kém cỏi nhưng lúc nào cũng có những người sẵn sàng giang rộng vòng tay đón mình, yêu thương mình vô điều kiện là mẹ, là người thân.
Điều đó khiến tôi thấy nó như một cái kén vậy, khi nào thấy mất tự tin và an toàn thì tôi sẽ chui vào cái kén đó.
Nghe chị Thu Hương chia sẻ khá nhiều, nhưng mà để tóm lại về cái gu chơi Tết của chị thì nó sẽ như thế nào?
Tôi là một người cầu toàn, thành ra bản thân rất tỉ mỉ, không chỉ từng bông hoa mà còn từng cái mứt Tết. Tôi từ nhỏ đã được bố mẹ dạy như vậy và lớn lên trong sự tỉ mỉ.
Bây giờ, tôi cũng bớt cầu toàn vì đã có trợ lý hỗ trợ một số công việc nhưng khâu cuối cùng, tôi vẫn phải là người xem qua. Tôi luôn tôn trọng sự tự do, sự sáng tạo riêng của mỗi người trong gia đình, nhưng tôi nghĩ đã là Tết thì luôn có mẫu số chung về món ăn, về phong tục, dù mọi người bận rộn cỡ nào thì cũng ít nhất dùng chung một bữa cơm, sinh hoạt chung để thấy cái Tết ý nghĩa.
Không biết là năm vừa qua thì điều gì khiến cho chị Đường Thu Hương cảm thấy tự hào hay còn điều gì tiếc nuối mà chị chưa đạt được hay không?
Đối với năm 2023, tôi là một nhà đầu tư, bản thân cũng dự đoán trước sự chuyển biến xấu về nền kinh tế, vậy nên điều tôi thấy mình tự hào và làm được đó là mình đã tư vấn, định hướng cho những người đồng nghiệp, những người em của mình về những hướng đi tốt hơn.
Tôi ở bên cạnh họ, cùng chia sẻ khó khăn với họ và chung vui với họ lúc họ thành công. Đó là điều mà tôi đã làm được.
Năm 2023, điều chưa làm được nhiều lắm, chẳng hạn mình ước gì thay vì mình đầu tư chỗ này thì có nhiều tiền hơn hay cần đầu tư chỗ khác hợp lý hơn chẳng hạn. Nhưng mà những điều này, tôi thấy vẫn nhỏ so với những gì bản thân đạt được.
Ngoài ra, hiện tại, tôi chỉ còn có mẹ thôi, nên tôi mong muốn mẹ của mình luôn khỏe mạnh để đón Tết cùng con cháu. Với tôi, có mẹ là có tất cả, có mẹ thì cái Tết mới trọn vẹn, ý nghĩa.