Quyền được phá thai an toàn

Nhu Thụy
16/07/2021 - 13:45
Quyền được phá thai an toàn

Tuần hành với khẩu hiệu “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng định quyền tự quyết của phụ nữ về việc phá thai

Nghị viện châu Âu vừa thông qua một nghị quyết tuyên bố quyền được tiếp cận phá thai an toàn là quyền con người. Đây là nỗ lực kêu gọi Ba Lan và Malta thay đổi vì đây là 2 nơi mà quyền của phụ nữ đang bị hạn chế.

"Cơ thể tôi là của tôi"

Có thể nói phá thai là một chủ đề gây tranh cãi trong suốt lịch sử xã hội loài người về các cơ sở tôn giáo, đạo đức, luân lý, thực tiễn và chính trị. Có nhiều nguyên nhân cũng như hoàn cảnh dẫn đến việc phá thai, có thể do bất thường của thai nhi, các vấn đề đe dọa sức khỏe bà mẹ hay nhỡ mang thai ngoài ý muốn mà chưa sẵn sàng mọi điều kiện để sinh và chăm sóc... Ngoài ra, cũng có trường hợp phá thai do thai dị tật, khó nuôi, do bị xâm hại tình dục hoặc nguy hiểm đến tính mạng thai phụ...

Những người theo thuyết nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản "Cơ thể tôi là của tôi" nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Về mặt sức khỏe sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ bản thân mình, trước tiên là quyền được phá thai. Phong trào này ủng hộ tích cực phong trào sinh sản có kế hoạch trong gia đình.

Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là quyền của mỗi cá nhân người phụ nữ. Do vậy mọi quyết định đều đáng được tôn trọng và không ai có quyền chỉ trích hay lên án phán xét. Việc phá thai đã được cho vào điều luật hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện có 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế-xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu.

Mục đích của các quốc gia khi quy định thời điểm cho phép phá thai hợp pháp là để bảo vệ sức khỏe của thai phụ do phá thai được thực hiện càng sớm thì càng ít có biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở "chui", hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ.

Theo Liên hợp quốc, các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao hơn gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao hơn gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai.

Với 378 phiếu ủng hộ và 255 phiếu chống, đầu tháng 7/2021, Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận rằng bất kỳ sự can thiệp nào đối với việc tiếp cận các biện pháp tránh thai, điều trị sinh sản, chăm sóc thai sản và phá thai đều "vi phạm nhân quyền". Nghị quyết kêu gọi các quốc gia lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ này.

Văn bản dự luật được soạn thảo bởi Predrag Fred Matic, một thành viên nghị viện châu Âu thuộc đảng Xã hội Croatia. Bà chỉ trích cái gọi là "điều khoản lương tâm" cho phép các bác sĩ từ chối quyền tiếp cận phá thai vì như vậy sẽ gây nguy hiểm cho cuộc sống và quyền của phụ nữ.

Hầu hết các nước EU cho phép phá thai theo yêu cầu khi thai nhi từ 10 hoặc 14 tuần tuổi. Ví dụ, phá thai ở Anh đã được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực. Theo đó, phụ nữ được phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý của bác sĩ. Bên cạnh đó, Pháp, Đức, Bỉ và một số nước châu Âu cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi. Các nước Ý, Phần Lan, Nga cho phép nạo phá thai không quá 24 tuần tuổi. Hà Lan có luật phá thai tự do nhất, cho phép phá thai "theo yêu cầu".

Quyền được phá thai an toàn - Ảnh 1.

Tuần hành với khẩu hiệu “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng định quyền tự quyết của phụ nữ về việc phá thai

Cần phá vỡ những thành trì

Ủy ban về Quyền của Phụ nữ và Bình đẳng giới của Nghị viện châu Âu lên án Ba Lan và Malta, những quốc gia cấm hoặc hạn chế quyền tiếp cận phá thai. Ủy ban cũng chỉ trích các chính phủ đã hạn chế hoặc thu hồi các dịch vụ sinh sản trong đại dịch Covid-19.

Ba Lan được đánh giá là quốc gia có luật phá thai nghiêm ngặt nhất ở châu Âu và hầu hết số lượng nhỏ các ca phá thai hợp pháp diễn ra ở nước này là các trường hợp dị tật thai nhi. Theo quy định, việc phá thai ở Ba Lan sẽ chỉ được phép áp dụng trong các trường hợp bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc khi tính mạng của người phụ nữ bị đe dọa nghiêm trọng. Phán quyết này được công bố từ tháng 10/2020 và đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ủy viên Hội đồng châu Âu về Nhân quyền Dunja Mijatovic gọi đây là một "cái kết buồn cho quyền của phụ nữ". Các nhà hoạt động vì quyền phá thai cho biết việc tiếp cận dịch vụ này thường bị từ chối trong những năm gần đây ở Ba Lan, ngay cả trong những trường hợp hợp pháp.

Từ thời điểm đó tới nay, đã có hàng chục cuộc biểu tình phản đối quy định này của chính phủ. Đỉnh điểm là ngày 28/1/2021 khi có hơn 400.000 người đã tụ tập biểu tình tại các thành phố lớn ở Ba Lan.

Còn Malta cấm phá thai hoàn toàn, áp dụng hình phạt tù từ 18 tháng đến 3 năm nếu vi phạm. Tổng thống Malta George Vella cho biết, ông thà từ chức còn hơn ký dự luật hợp pháp hóa phá thai.

Nguồn: France 24, Guardian, Politico
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm