Ra mắt tài liệu hỗ trợ phụ nữ Việt Nam bị bạo lực, mua bán ở nước ngoài

PV
28/06/2023 - 16:23
Ra mắt tài liệu hỗ trợ phụ nữ Việt Nam bị bạo lực, mua bán ở nước ngoài

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cùng các đại biểu trong lễ ra mắt tài liệu "Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài”

Đây chính là cách chuyên nghiệp hoá, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ, tư vấn từ xa, đặc biệt giúp phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực/mua bán tại nước ngoài có thể tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu một cách tốt nhất.

Hội thảo ra mắt tài liệu tổ chức ngày 28/6/2023 tại Hà Nội, thuộc dự án "Cải thiện tính sẵn có và khả năng tiếp cận dễ dàng của các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trong bối cảnh Đại dịch Covid-19" do UN Women Việt Nam tài trợ.

Ra mắt tài liệu "Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài”  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Cơ hội và những rủi ro của lao động di cư

Theo báo cáo Di cư thế giới của tổ chức Di cư quốc tế IOM, năm 2020 số người di cư quốc tế trên toàn cầu là 281 triệu người. Khu vực ASEAN có 10,2 triệu người di cư quốc tế, trong đó phụ nữ chiếm 46,8%. Có nhiều lý do khác nhau về sự dịch chuyển của con người giữa các quốc gia như học tập, kết hôn, nhận con nuôi... nhưng lý do chủ yếu nhất là tìm kiếm việc làm ngoài nước. 

Với hơn 150.000 người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mỗi năm và một phần ba trong số đó là phụ nữ, Việt Nam thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy ý nghĩa kinh tế của di cư lao động. 

Tuy nhiên, lao động nữ di cư cũng đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới. Ví dụ, phụ nữ làm giúp việc gia đình thường không được pháp luật bảo vệ ở nước sở tại. Rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa, và định kiến xã hội đối với người di cư làm tăng nguy cơ bị bạo lực, bóc lột sức lao động và bị mua bán. 

Phụ nữ và trẻ em gái cũng là đối tượng và nạn nhân chủ yếu mà tội phạm mua bán người (MBN) hướng đến. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện 1.266 vụ mua bán người, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân đi lao động nước ngoài. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì còn nhiều trường hợp phụ nữ tự ý ra nước ngoài lấy chồng, hay bị lừa gạt ra nước ngoài lấy chồng.

Rất cần một tài liệu thống nhất quy trình trợ giúp

Ra mắt tài liệu "Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài”  - Ảnh 2.

Bà Caroline T. Nyamayemomb, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UN Women Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Trong phát biểu tại Hội thảo của mình, bà Caroline T. Nyamayemomb, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UN Women Việt Nam, khẳng định, trong bối cảnh này, việc tiếp cận thông tin hỗ trợ trong lúc khủng hoảng một cách kịp thời, rõ ràng và chính xác đối với bất kỳ phụ nữ hoặc trẻ em gái nào đã hoặc đang bị bạo lực thể xác, tình dục hoặc các hình thức bạo lực khác, cho dù người bị bạo lực ở đâu, bất kể ngày hay đêm, là điều tối quan trọng. Và việc xây dựng SOP như một nỗ lực quan trọng nhằm thu hẹp khoảng trống trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực ở nước ngoài, mang lại cơ hội tuyệt vời cho nạn nhân bị bạo lực và mua bán người được bảo vệ và phẩm giá của họ được tôn trọng. 

Ra mắt tài liệu "Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài”  - Ảnh 3.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, phát biểu khai mạc Hội thảo

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng, tiếp thu và hoàn thiện Tài liệu "Hướng dẫn quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài (SOP dành cho cán bộ đường dây nóng)", Trung tâm đã nhận được rất nhiều những ý kiến góp ý từ những người làm công tác hỗ trợ trực tiếp nạn nhân đến các chuyên gia, đại diện các bộ, ban ngành. 

Một số vấn đề nổi bật được đưa ra như: Người di cư không thông thạo ngoại ngữ, không biết gọi cho ai, không biết thủ tục pháp lý thế nào khi gặp những vấn đề tại nước ngoài; Các cán bộ trực tổng đài gặp khá nhiều khó khăn, bối rối khi tiếp nhận cuộc gọi cầu cứu từ nạn nhân bị bạo lực/buôn bán tại nước ngoài như quy trình xử lý thế nào, thực hiện điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ ra sao? Sau khi nạn nhân về nước thì hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như thế nào để họ sớm ổn định cuộc sống? 

Những vấn đề đặt ra cho thấy, rõ ràng cần thiết có tài liệu hướng dẫn chi tiết cho cán bộ đường dây nóng về quy trình, cách thức hỗ trợ, chuyển tuyến dịch vụ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài.

Và ngay sau Hội thảo ra mắt tài liệu, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chương trình tập huấn hướng dẫn sử dụng tài liệu này trong 2 ngày 28 và 29/6/2023 cho 28 cán bộ công tác xã hội, tư vấn viên các đường dây nóng của các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hoá, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương, TPHCM, cán bộ các Văn phòng OSSO, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Tổng đài 111, Bộ LĐTBXH…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm