Thêm một kênh hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài

PV
02/06/2023 - 16:20
Thêm một kênh hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu trực tuyến tại hội thảo tham vấn "Tài liệu hướng dẫn (SOP) về điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán (tại nước ngoài)”, PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài cho biết, Đoàn Luật sư Việt Nam có thể kết nối với Đoàn luật sư các nước để trợ giúp pháp lý cho những phụ nữ này.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung khẳng định, cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm, làm sao để ổn định cuộc sống và có những đóng góp trở lại cho đất nước. 

Theo ông Trung, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài có một lực lượng cô dâu đông đảo, nhất là ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Hiện có khoảng 45 ngàn cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc. Cứ 3 cô dâu người nước ngoài ở Hàn Quốc có 2 cô dâu là người Việt Nam. 

Thường thì nhóm cô dâu này là những cô gái trẻ, lấy những người chồng hơn họ ít nhất một con giáp. Có đến một nửa các chú rể chỉ có trình độ trung học, thu nhập của họ thấp. Các cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài chủ yếu qua môi giới không chính thức. Họ hầu như không biết ngôn ngữ nước sở tại, không hiểu về đối tượng kết hôn. 

Chính những thực tế đó đặt các cô dâu Việt ở nước ngoài vào tình thế bất lợi, dễ bị bạo lực, dễ dẫn đến ly hôn và thiệt thòi lớn khi có vấn đề xảy ra.  Vì vậy, nhu cầu trợ giúp của đối tượng cô dâu này rất lớn. 

Thêm một kênh hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán ở nước ngoài - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Trung đề xuất 4 giải pháp có thể tháo gỡ vấn đề chủ động về phía các cô dâu. Trước tiên là cần phải làm sao để họ nhận được dịch vụ môi giới hôn nhân hợp pháp, biết rõ về chú rể cũng như gia cảnh của họ, được kết hôn chính thức, được pháp luật của cả 2 nước bảo vệ. Thứ hai là phải hiểu về đất nước, con người, văn hoá của nước sở tại. Thứ ba là phải học ngôn ngữ của họ để hoà nhập cuộc sống. Thứ tư là có thông tin đầy đủ về các kết nối trợ giúp pháp lý.

Nhưng ông Trung khẳng định, điều quan trọng nhất là bản thân chị em khi gặp vấn đề phải ứng xử như thế nào? Cần có các biện pháp giúp chị em cởi bỏ tâm lý tự ti, sợ hãi, thấy rằng quyết định cầm điện thoại tìm kiếm sự trợ giúp khi có vấn đề là bình thường, là cần thiết. Theo ông, muốn tăng cường hiệu quả, giúp phụ nữ di cư tự bảo vệ, biết cách tìm trợ giúp chỉ nên có 1-2 số điện thoại khẩn cấp để chị em nhớ. Còn sau đó mới cần các kết nối khác. 

Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam chia sẻ dịch vụ để giúp phụ nữ di cư nước ngoài được hiệu quả nhất. Có thể phối hợp mở các khoá học, tập huấn cung cấp thông tin, cảnh báo cho chị em những bất trắc có thể xảy ra, trực tiếp hoặc online. Về trợ giúp pháp lý, Đoàn Luật sư Việt Nam kết nối với Đoàn luật sư các nước là kênh có thể giúp cho Hội LHPN Việt Nam.

Bà Phạm Thị Lan - phụ trách chương trình của UN Women đánh giá, chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Trung mở ra nhiều hướng cho Hội thảo, nhất là hiện tại mới có đầu mối Bộ Ngoại giao giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, giờ có thêm kết nối của Đoàn Luật sư Việt Nam với Đoàn Luật sư nước ngoài rất tốt. Bởi lẽ, sự hỗ trợ, tư vấn pháp lý trong các trường hợp phụ nữ di cư rất cần thiết. Hiện mới có khoảng 10% chị em gặp khó khăn tìm kiếm sự trợ giúp. Vì thế rất cần tạo uy tín, tin tưởng khi thực sự giúp được họ nhanh chóng, hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm