pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thu thập thêm dữ liệu về "femicide" để bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi bạo lực trong tương lai
Theo số liệu được công bố bởi Liên hợp quốc vào hôm thứ Tư (23/11), cứ mỗi giờ trôi qua lại có hơn 5 phụ nữ và trẻ em gái bị sát hại bởi chính thành viên trong gia đình vào năm 2021.
Báo cáo này cũng cho biết có 45.000 phụ nữ và trẻ em gái bị giết bởi chồng, bạn trai hay những người thân trong gia đình, và con số này chiếm tới hơn một nửa (56%) trong số 81.000 người bị sát hại vào năm ngoái.
Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết con số này đã “cao đến mức đáng báo động", nhưng số vụ sát hại thực tế mà ở đó, phụ nữ bị giết vì giới tính của mình có thể còn cao hơn nhiều. Và tất cả những trường hợp đó được gọi bằng một thuật ngữ - femicide.
Femicide là gì?
Femicide là một từ dùng để chỉ hành vi giết hại phụ nữ hay trẻ em gái chỉ vì giới tính của họ là nữ và được xem là hình thức bạo lực trên cơ sở giới tính cực đoan nhất.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, hầu hết các trường hợp femicide đều được thực hiện bởi bạn đời, người yêu cũ, hay những người thân trong gia đình nạn nhân. Điều này còn có liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng, đe dọa, bạo lực tình dục hoặc các tình huống mà trong đó, phụ nữ là người yếu thế hơn.
Nguồn gốc của femicide
Từ femicide được xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách của tác giả người Ireland, John Corry, có tựa đề A Satirical View of London at the Commencement of the Nineteenth Century (tạm dịch Cái nhìn trào phúng về London đầu thế kỷ 19), xuất bản vào năm 1801. Trong tác phẩm, thuật ngữ này được dùng để chỉ hành vi giết phụ nữ.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1976, thuật ngữ femicide mới được giới thiệu lại một cách công khai bởi nhà hoạt động nữ quyền Diana Russell. Tại Tòa án Quốc tế về Tội ác chống lại Phụ nữ, bà đã sử dụng từ này nhằm thu hút sự chú ý đến những vụ bạo lực và phân biệt đối xử vì giới tính nữ.
Trong lần đầu tiên sử dụng, Russell đã định nghĩa khái niệm này là “việc nam giới giết hại phụ nữ vì động cơ thù hận, khinh bỉ, khoái cảm hay ý thức sở hữu người phụ nữ đó" và “việc nam giới giết hại phụ nữ một cách sai trái".
Về sau, định nghĩa này đã phát triển thành một dạng được sử dụng phổ biến nhất cho đến hiện tại, đó là “việc một hoặc nhiều nam giới giết chết một hoặc nhiều người phụ nữ chỉ vì họ mang giới tính nữ".
Mặc dù vậy, thuật ngữ này và ý nghĩa của nó thường được chấp nhận theo những cách khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của người xem xét hay địa điểm mà vụ án xảy ra. Chẳng hạn như ở Châu Mỹ Latinh, thuật ngữ này được viết là “feminicidio” và dùng để chỉ cách mà quản lý các bang hoặc chính phủ tỏ ra thờ ơ trước việc phụ nữ bị sát hại.
Các hình thức phổ biến nhất của femicide
Có vô số nguyên nhân khiến một người đàn ông ra tay sát hại bạn đời hay người yêu của mình, nhưng trong số đó lại có một số lý do phổ biến hơn cả.
Sát hại những người thân
Đây là hình thức đề cập đến việc phụ nữ bị giết bởi người thân của mình, trong đó phần lớn là chồng, người yêu cũ, và thậm chí là cả người thân thiết trong gia đình như cha, con trai,... Hành vi sát hại những người phụ nữ thân thiết thường xảy ra trong các mối quan hệ có tiền sử bạo lực gia đình.
Sát hại những người không thân quen
Khái niệm này chỉ những việc phụ nữ bị sát hại bởi một người không có quan hệ mật thiết, có thể liên quan đến việc sát hại vì tình dục hoặc giết người hàng loạt. Trong đó, những vụ giết hại phụ nữ vì tình dục thường dễ bị nhầm lẫn với việc ngộ sát, tức là vô ý giết người, còn những vụ án giết người hàng loạt thường được thúc đẩy bởi sự thù hận phụ nữ.
Sát hại vì danh dự
Giết người vì danh dự là hành vi giết phụ nữ hay trẻ em gái vì họ có những hành vi được xem là làm ô nhục danh dự của gia đình, chẳng hạn như việc lựa chọn bạn đời không hợp, không có nghề nghiệp, cách ăn mặc không phù hợp với gia phong hoặc “ăn cơm trước kẻng".
Đối với quan điểm của kẻ giết người trong trường hợp này, danh dự gia đình chỉ được phục hồi sau cái chết của người phụ nữ hoặc bé gái đó. Những vụ giết người này thường được thực hiện bởi các thành viên nam giới trong gia đình, bao gồm nhiều cách thức như: ném đá, đâm, đốt, ép buộc tự sát, tạt axit, và thường xảy ra ở các vùng Trung Đông và Nam Á.
Sát hại vì của hồi môn
Của hồi môn là một truyền thống văn hóa trong đó gia đình cô dâu sẽ trao một khoản tiền hay tài sản cho gia đình chú rể. Trong trường hợp nhà trai yêu cầu một khoản của hồi môn quá lớn mà nhà gái không thể đáp ứng, hoặc nhà trai không hài lòng với của hồi môn được trao, họ sẽ xem người cô dâu là “một người vợ không đủ tư cách". Lúc đó, người phụ nữ có thể bị sát hại hoặc buộc phải tự sát vì gia đình nhà trai tra tấn và quấy rối. Và đây không phải là trường hợp hiếm tại Ấn Độ.
Ngoài ra, còn nhiều vụ án giết hại phụ nữ khác được thực hiện vì cho rằng người phụ nữ có liên quan đến thế lực tâm linh như ma lực hoặc phù thuỷ, phụ nữ có xu hướng tính dục được cho là không hợp lẽ thường, hoặc phụ nữ thuộc sắc tộc và quốc gia khác.
Tầm ảnh hưởng của các vụ femicide
Sự gia tăng của các vụ sát hại phụ nữ trên toàn thế giới đã làm dấy lên làn sóng phản đối quốc tế kể từ khi Russell lần đầu tiên công khai sử dụng thuật ngữ này vào năm 1970.
Vào năm 2019, vụ cưỡng hiếp và sát hại sinh viên đại học 19 tuổi Uyinene Mrwetyana của Đại Học Cape Town, Nam Phi đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và khiến Tổng thống Cyril Ramaphosa thừa nhận rằng đã đến lúc Chính phủ phải thực hiện biện pháp khẩn cấp để đối phó với vấn nạn hãm hiếp và giết hại phụ nữ, đồng thời ký Tuyên bố về bạo lực trên cơ sở giới tính.
Tiếp đó, vụ sát hại Pinar Gültekin, một người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ 27 tuổi vào tháng 7/2020 đã gây ra ảnh hưởng lớn tới một chiến dịch truyền thông xã hội toàn cầu. Chỉ một tháng sau, cái chết của Vanessa Guillén, một chuyên gia quân sự người Mỹ gốc Mexico cũng đã làm bùng lên phong trào #Metoo trong quân đội.
Tuy nhiên, sự chú ý của giới truyền thông và sự ồn ào xung quanh các vụ án sát hại phụ nữ không đồng nghĩa với việc dẫn đến những thay đổi lâu dài. Tuyên bố về bạo lực trên cơ sở giới tính đã không có hiệu lực lớn tại Nam Phi, và hàng trăm người phụ nữ đã tiếp tục bị sát hại trong đại dịch Covid-19.
Ngay cả 18 quốc gia Mỹ Latinh đã thông qua luật hạn chế bạo lực đối với phụ nữ cũng không thể làm giảm đi số người bị giết hại trong nước của mình.
Làm thế nào để chấm dứt vấn nạn femicide
Theo WHO, giảm thiểu bạo lực gia đình là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn nạn sát hại phụ nữ, đồng nghĩa với đòi hỏi phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới ở cả cấp độ cá nhân và xã hội.
Thu thập thêm dữ liệu về femicide chính là chìa khóa để có thể hiểu rõ hiện tượng này. Dữ liệu cần thu thập bao gồm mối quan hệ giữa nạn nhân và thủ phạm, đồng thời cần củng cố các biện pháp nghiên cứu để hiểu được bối cảnh mà vấn nạn xảy ra. Đó là những điều cần thiết để bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi bạo lực trong tương lai.
Ngoài ra, nhân viên y tế và cơ quan thực thi pháp luật cũng có vai trò nhất định và cần được đào tạo để xác định rõ hơn những dấu hiệu của bạo lực gia đình và liệu một người phụ nữ có nguy cơ bị giết hại hay không, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.
Và một trong những điều quan trọng nhất, cần có những chỉnh sửa luật để cấm các hành vi giết người vì danh dự, thi hành các hình phạt nghiêm minh đối với thủ phạm và cải thiện giáo dục về hành vi giết người.