Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: 

Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn

Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, hai sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của huyện là "Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng" của HTX rau củ quả sạch Gia Cát và Hồng không hạt Bảo Lâm đã được đánh giá 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đây là đòn bẩy góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Khơi dậy giá trị kinh tế từ những sản phẩm OCOP chất lượng cao

Mỗi dịp thu về, những cung đường dẫn vào huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn như được thắp lửa bởi sắc màu cam vàng óng ánh của những trái hồng đang vào vụ chín rộ. Hồng không hạt Bảo Lâm là giống hồng đặc sản được trồng khắp các quả đồi tại nhiều xã trong huyện. Giống hồng bản địa này có tuổi đời đã hơn 100 năm và được ví như "đặc sản vàng" của Cao Lộc. Đã từ lâu, hồng Bảo Lâm nổi tiếng xa gần và được ưa chuộng bởi vị ngọt đậm đà, thơm, giòn và đặc biệt là không hạt.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 1.

Hồng không hạt Bảo Lâm được ưa chuộng bởi vị ngọt đậm đà, thơm, giòn.

Hết mùa hồng chín, đón mùa đông sang, Cao Lộc khoác lên mình tấm áo mới, xanh mướt từ những luống rau cải làn, rau ngồng cải hoa vàng. Được canh tác theo quy trình canh tác an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại, rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng" của Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả sạch Gia Cát hấp dẫn không chỉ sắc xanh mướt và hoa vàng rực rỡ, mà còn mang hương vị tươi ngon tự nhiên. Những búp cải làn mập mạp như hứng trọn được tinh hoa của đất trời xứ Lạng mùa đông giá, cho vị ngọt và vị giòn đặc trưng. Còn những ngồng cải hoa vàng cọng to, lá xanh và mỡ màng lại gây ấn tượng với hương vị đậm đà riêng có.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 2.

Rau được canh tác theo quy trình an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại.

Đây là những loại nông sản đặc trưng, mang hương vị đặc biệt của mảnh đất và con người Cao Lộc. Trong chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), năm 2024, hai sản phẩm "Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng" của Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả sạch Gia Cát và "Hồng không hạt Bảo Lâm" đã được vinh danh với hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Lộc Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm, xã Hải Yến cho biết: Được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, các thành viên THT đã tiến hành trồng, chăm sóc hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, năng suất, chất lượng được nâng lên. Hiện nay, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, thị trường tiêu thụ ngày càng được phát triển.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau củ, quả Gia Cát, xã Gia Cát chia sẻ thêm: Được cơ quan chuyên môn huyện tuyên truyền về chương trình OCOP, HTX đã đăng ký 2 sản phẩm tham gia chương trình gồm: rau cải làn và rau cải ngồng hoa vàng. Với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, HTX đã chủ động tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh còn được hỗ trợ bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc. Qua tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm rau, củ, quả sạch nói chung và sản phẩm rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng của HTX nói riêng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, được đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, thị trường dần được mở rộng, góp phần mang lại doanh thu trên 600 triệu đồng/năm.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 4.

Tham gia chương trình OCOP đã tạo đòn bẩy để các HTX, THT mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp năng suất, chất lượng được nâng lên. Qua đó, góp phần nâng cao thương hiệu, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con.

Đưa nông sản địa phương trở thành đặc sản

Là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc có nhiều nông sản thế mạnh, được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, một số loại cây ăn quả, rau xanh đang đứng trước nguy cơ bị thoái hóa, tiêu thụ khó khăn. Chính vì thế, huyện Cao Lộc đã tập trung mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ theo hướng hàng hóa.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Cao Lộc đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện, lựa chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh; tập trung phát triển các loại sản phẩm dựa trên thế mạnh của vùng, kết tinh từ nền sản xuất nông - lâm nghiệp, mang đặc trưng riêng của địa phương.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 5.
Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 6.
Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 7.

Huyện Cao Lộc đã tập trung mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ theo hướng hàng hóa.


Theo chia sẻ của đại diện Phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, mỗi sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Cao Lộc đều mang những nét đặc thù riêng của từng ngành nghề và mang đậm dấu ấn từ niềm đam mê, sức sáng tạo của người nông dân trong quá trình gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để tạo dựng uy tín trong lòng người tiêu dùng. Để tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm cần đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nhãn mác, xuất xứ hàng hóa theo quy định… Vì vậy, phòng đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân triển khai mô hình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn về chương trình OCOP; tư vấn, hỗ trợ xây dựng website quảng bá, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm...

Với những giải pháp triển khai đồng bộ, đến nay, các sản phẩm tiêu biểu của huyện Cao Lộc gồm: hồng không hạt Bảo Lâm (xã Hải Yến); rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng (HTX Rau củ, quả sạch Gia Cát) đều đạt danh hiệu 3 sao OCOP cấp tỉnh - một minh chứng rõ ràng cho chất lượng và uy tín. Việc được OCOP công nhận không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất, mà còn góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Cao Lộc trên thị trường.

Rau cải làn, rau cải ngồng hoa vàng, Hồng không hạt Bảo Lâm: Niềm tự hào nông sản Cao Lộc, Lạng Sơn- Ảnh 8.

Chương trình OCOP được huyện Cao Lộc kỳ vọng là đòn bẩy góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Được công nhận sản phẩm OCOP, đã mở ra cơ hội thuận lợi để người dân Cao Lộc tham gia trong các chuỗi sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP trên thị trường.

Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình OCOP đang được huyện Cao Lộc kỳ vọng là đòn bẩy góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trong tương lai, huyện Cao Lộc sẽ tiếp tục đầu tư vào những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Lê Hoa
20/12/2024 09:00