Robot - người tình nóng bỏng

16/12/2015 - 09:08
Loạt phim truyền hình “Humans” của kênh Channel 4 (Anh) đã gây sốc cho khán giả với cảnh nóng giữa một người đàn ông và một robot.
Sức hấp dẫn từ… robot
Năm 2013, bộ phim “Her” cũng với đề tài tương tự, đã khiến nhiều người sửng sốt khi nam chính có tên Joaquin Phoenix đem lòng yêu một hệ điều hành giống trợ lý ảo Siri của Apple.
Có thể tưởng tượng được những câu chuyện khó tin nhất về khả năng phục vụ của robot đối với con người - ở những nhiệm vụ khó khăn, gian nan nhất. Song, thật khó hình dung những câu chuyện tình say đắm, lãng mạn giữa người và máy móc - kể cả những thứ máy móc đạt trình độ thông minh siêu đẳng. Hơn thế, lại càng khó tin sẽ có chuyện con người “yêu đương” với máy móc - trong mọi cung bậc cảm xúc, mọi hành vi và cả những điều riêng tư nhất…

 Bước ra từ phim ảnh nhưng ý tưởng tạo sức hấp dẫn cho robot lại được không ít nhà khoa học theo đuổi

Thế nhưng, dường như có một số nhóm các nhà khoa học đang cố gắng hiện thực hóa điều khó tin nhất ấy, thậm chí, một số người còn mạnh miệng khẳng định: “điều hoang đường” - con người quan hệ thể xác với robot - sẽ trở thành sự thật sau… 50 năm nữa.
TS Helen Driscoll, nhà tâm lý học tình dục thuộc ĐH Sunderland (Anh), cho biết sau khi tiến hành một số công trình nghiên cứu, rằng cụm từ “robophilia” (sự hấp dẫn tính dục đối với robot) hiện vẫn là khái niệm xa lạ với số đông nhân loại, nhưng tất cả sẽ dần thay đổi khi quan điểm của con người bắt kịp với tư duy công nghệ. “Trong lúc thế giới ảo trở nên thật hơn và xâm nhập sâu vào đầu óc con người, thì nó cũng đủ sức mô phỏng hoặc thậm chí cải thiện trải nghiệm về quan hệ tình dục với đối tác người. Do đó, trong tương lai, hoàn toàn có thể có những cuộc tình cháy bỏng - nơi mà một số người chọn robot làm bạn tình thay cho người thật”, TS Helen nhận định.
Có thể thấy, những nỗ lực của giới công nghệ chạy theo xu hướng cố gắng tìm cách thiết lập mối quan hệ “trên mức tình cảm” giữa người với robot chính là xuất phát từ thực tế con người đang ngày một trở nên cô đơn - trước những tác động mặt trái của sự lạm dụng công nghệ đối với cuộc sống. Trong môi trường đó, không ít người cảm thấy cô độc, thậm chí suy giảm khả năng giao tiếp, khiến cho đời sống tình cảm trở nên nghèo nàn.
 
Nhiều ý kiến phản đối
“Robot mỹ nữ” đầu tiên được Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản thiết kế và chế tạo, có tên HRP-4C ra đời cách đây 17 năm, có vóc dáng của một phụ nữ Nhật Bản trung bình, mảnh mai (cao 1,58m, nặng chừng 43kg), có thể tự đi và thực hiện một số lệnh cơ bản. Trên cơ sở của “mỹ nữ” này, các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể chế tạo những cô robot bằng da thịt nhân tạo và xương bằng… thép, có thể cảm nhận, nhìn và nói được, có ánh mắt đầy biểu cảm và nụ cười mê hoặc…

Thế giới sẽ ra sao nếu tồn tại những robot hấp dẫn, có cảm xúc... bằng xương thép và da thịt nhân tạo

Mặc dù suốt từ bấy đến giờ, những “nàng robot” vẫn chỉ mới ở dạng phác thảo ban đầu, nhưng trong dư luận xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối xu hướng công nghệ “quái gở” này, nhất là từ phái nữ. Điều đó cho thấy, có vẻ như người ta tin rằng sớm muộn gì thì điều “không tưởng” về những “robot có tình cảm” cũng sẽ trở thành hiện thực. Điều người ta lo ngại chính là sự tấm công của những cỗ máy “có tri giác” này vào chốn phòng the.
Không ít nhà khoa học đã đặt ra những giả thiết, ví dụ: Bạn sẽ nghĩ như thế nào khi chồng/vợ bạn bỗng nhiên si mê một… robot, sẵn sàng từ bỏ gia đình, với những trách nhiệm nặng nề, để chạy theo một mối tình “chân thực” với một cỗ máy? Hay: Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi người chồng đang ở bên cạnh bạn mà đầu óc thì cứ tơ tưởng đến một… nàng robot, vì “cô ta” hoàn hảo hơn bạn (điều hoàn toàn có thể bởi đó là một cỗ máy được thiết kế hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ)?
Những người có đầu óc thực tế hơn thì lo ngại rằng, với sự xuất hiện của những “người tình robot”, hẳn là sẽ có nhiều cá nhân sa vào “lưới tình” của các “nàng robot”, làm tăng nguy cơ tư tưởng tình dục không lành mạnh và quan hệ giới tính lệch lạc.
“Điều này có vẻ gây sốc và bất thường trong bối cảnh hiện đại, nhưng chúng ta không nên máy móc cho rằng mối quan hệ ảo có ít giá trị hơn mối quan hệ thực”, TS Helen Driscoll biện minh cho luận thuyết mà mình đang theo đuổi. Bởi theo cô: “Thực tế, nhiều người vẫn rơi vào lưới tình với những nhân vật hư cấu, bất chấp việc không thể gặp gỡ và tương tác với họ”.
Trong khi đó, nhà đạo đức học, TS Kathleen Richardson (ĐH College London), cho rằng, ngày nay robot tình dục có vẻ ngoài quá giống với phụ nữ thực, có thể dẫn tới bất bình đẳng giới trong xã hội. Cô và nhiều nhà đạo đức học khác đang tìm cách vận động để cấm sản xuất loại robot này với lập luận: “Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào để phát triển robot góp phần gây ra sự bất bình đẳng giới trong xã hội!”.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm