pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rưng rưng nhớ Tết bước chân tìm về
1. Vẫn là cái sự tuần hoàn của dòng chảy thời gian, mà sao khi những nụ đào phương Bắc, nụ mai phương Nam bắt đầu chúm chím đơm bông, lòng cứ lâng lâng đến lạ. Lướt Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… thấy người người trưng hoa, nhà nhà sắm Tết. Phố phường vốn chẳng thưa người nay càng trở nên tấp nập; chợ mạng, chợ thường huyên náo bán mua. Những cuộc gọi, dòng tin nhắn của người bạn, người anh, người chị em, họ hàng, con cháu lập nghiệp nơi xa bắt đầu lao xao lời rao hỏi "Tết nhất thế nào? Sắm sanh đủ chửa? Hăm mấy về quê?"…
Có chàng trai trẻ nhập ngũ đầu năm, Tết này lần đầu tiên phải xa nhà, lòng nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ nhà da diết mà chẳng dám nói ra vì nay đã đường đường "chiến sĩ", đâu còn là "cậu bé" học cấp ba. Nên đành nén niềm riêng, nhắn tin về cho mẹ đầy chững chạc: "Tết đơn vị con rất đủ đầy, anh em bốn phương đoàn kết, vui lắm mẹ à. Cả nhà yên tâm mẹ nhé! Đừng lo gì cho con".
Có cô gái sải cánh bay năm châu bốn bể kiếm tìm chân trời tri thức mới, chạnh lòng thương Tết thiếu bánh chưng, thiếu quất đào, thiếu không khí Giao thừa đầm ấm. Nhìn đám bạn ở quê nhà đăng Facebook check-in cánh đồng hoa dơn, thược dược, violet, cúc vàng, ly, magic, su si… ngút ngát vào vụ mà nghèn nghẹn lồng ngực, nhoi nhói trong tim.
Có vợ chồng trẻ ngược xuôi rời quê ra thành phố mưu sinh, quanh năm vội vã, bộn bề lo toan, khi cái lạnh tháng Chạp ùa về, giật mình chồng bảo vợ: "Mình ơi, Tết đến nơi rồi". Cả năm trời mải miết đi xa, không lẽ ngày Tết về quê chỉ có tay không với nụ cười, sao đặng? Vì suy cho cùng, làm ăn xa cũng là để có ngày trở về sum họp. Vậy là sắm sanh, vậy là mua bán, đong đếm cân đo Tết này biếu nội cái chi, biếu ngoại cái gì, khoản nào lì xì lũ trẻ, khoản nào kính biếu các bà cô ông chú, ông cậu bà dì...? Lại vẫn cứ phải căng đầu cân não, vì nguồn tài chính eo hẹp chẳng tích cóp được là bao sau Covid-19 mà nghe sao Tết vẫn quá đỗi rộn ràng.
Mẹ già Tết này vừa chạm tuổi tám mươi thuộc lớp "người xưa cũ", đời sống đã đổi thay một vực một trời so với thuở mẹ hàn vi, vậy mà bao năm nay vẫn miệt mài "tích đồ" cho Tết. Con cháu gàn, bảo giờ siêu thị thông minh, cửa hàng tiện ích, chợ nhỏ chợ to nhan nhản, ới một tiếng, có shipper mang đến tận cửa nhà; mà giờ ăn uống mấy đâu, hăm tám, ba mươi chợ vẫn đầy đồ, cần thì loáng cái một vòng là xong. Đành rằng là thế nhưng thói quen đã ăn mòn trong trí não, nên không tài nào bỏ được.
Chẳng có gì to tát, chỉ là bó tỏi khô, cân hành muối, chút nấm hương, mộc nhĩ, lạng gừng già... nhưng bà cứ thích bán mua cho "bếp nó đủ đầy". Nhà có mẹ già, có bà nên chiều 30 Tết mọi người vẫn còn giữ "truyền thống" tắm nước lá mùi già, lau ban thờ bằng nước gừng thơm và bữa cơm tất niên phải sớm hơn thường lệ, để có được một buổi tối thảnh thơi chờ đón Giao thừa... Cuộc sống này, có những thứ trao truyền và bài học chẳng hề có trong sách vở. Những nếp sống đẹp cứ thế mà tạo nên bản sắc văn hóa, bám rễ, ăn sâu vào thói quen, tiềm thức của những người biết trân trọng và giữ gìn quá khứ.
2. Tôi có niềm vui "ngắm Tết". Tôi thích ngắm nhìn tiết trời se lạnh, ngắm ngàn hoa khoe sắc, ngắm người già hoài niệm thời gian, ngắm cô gái thướt tha tà áo dài với nụ cười tỏa nắng, ngắm cặp tình nhân tay trong tay hẹn ước chung nhà… Ngày nối ngày ta cứ bị cuốn theo hết kế hoạch này lại vắt chân lên cổ chạy deadline kia, đôi khi quên bản thân, quên cả những người thân yêu trong gia đình đang cần gì ở ta…
Dẫu nhịp đời hối hả, thì người ơi xin đừng quá vội làm chi! Một buổi sáng giữa Chạp khi phố khoác lên mình tấm áo mùa đông, ta hãy tìm một góc phố view rộng rãi, để vừa nhâm nhi ly cà phê bốc khói vừa ngắm hoa đào, hoa mai về phố; vừa nhìn dòng người ngược xuôi vừa nghe tiếng bàn chân hối hả; nhắm mặt lại, nghiêng tai hòa cùng âm thanh cuộc sống, thấy nhân gian trân quý đến nhường nào!
Đối diện với nỗi buồn bình thường ta muốn tìm bè bạn sẻ chia, mệt mỏi bình thường ta muốn tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi, chán nản bình thường ta tìm tour xả stress. Nhưng khi nỗi buồn quá sức chịu đựng của ta, mệt mỏi muốn đánh gục ta, chán nản muốn nhấn chìm ta… khi ấy, ta lại chỉ muốn được về nhà ngủ một giấc thật sâu, được nghe tiếng ấm trầm của cha, được sà vào lòng mẹ, được bình yên bên hơi ấm của bà. Vì nhà là tổ ấm, nhà là bầu trời chở che, là tấm thảm nhung nâng đỡ, là nơi yêu thương ta chẳng đòi hỏi điều gì. Bởi vậy mà dẫu có bôn ba chân trời góc bể, thời điểm kết thúc mỗi năm là khi ta tìm về sum họp với người thân.
Nhớ ngày xưa thơ bé, đứa trẻ con cũng háo hức đếm ngày mong Tết. Người lớn thì thở dài "nhắm mắt chả làm được gì đã lại hết năm". Bà với mẹ bấm ngón tay lẩm nhẩm "Một, Chạp tranh thủ rau màu; Giêng, hai - dỡ khoai, xuống mạ; ba, bốn, lúa trổ đòng vào hạt, tháng năm nắng già thu hoạch phơi khô; loanh quanh tháng sáu vỡ đầu, bảy, tám, chín, mười gối vụ lúa chiêm". Thời cái gì cũng thiếu, người nông dân thôn quê quanh năm "Trông trời trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng". Còn người phố thị dẫu chẳng chân lấm tay bùn nhưng cũng ngược xuôi trăm mối, tối ngày lo toan. Thế nên, chỉ 3 ngày Tết mới là khoảng thời gian đại gia đình được nghỉ ngơi trọn vẹn, quây quần bên nhau.
Thế thời dẫu có khác, cuộc sống nhiều đổi thay, ngày thường cũng đủ đầy như Tết thì Tết vẫn luôn mang một sắc màu riêng. Muôn màu hoa đã tràn về trên phố, ta nghe mùa Xuân đang rộn ở trong lòng. Cả năm gồng mình cố gắng, giờ là lúc ta cho phép mình tạm gác lại bao mối lo toan, thả hồn vào không gian mênh mang của lá, của hoa, của chồi non lộc biếc cựa mình để cảm nhận mạch nguồn sự sống. Một nén trầm thơm tưởng nhớ tổ tiên ông bà, những món quà dâng mẹ cha từ tâm con cháu, Tết đã cận kề, ta về bên những người thân yêu để cùng nhau đan bàn tay ấm, chung vui sum vầy.